Theo các chuyên gia, với việc giá xăng, giá gạo và nhiều hàng hóa khác có dấu hiệu tăng trở lại thì phải cẩn trọng theo dõi chặt chẽ lạm phát. Vì nếu lạm phát tăng mạnh sẽ tác động đến chính sách tiền tệ, tạo sức ép lên cuộc sống của người dân cũng như hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp (DN).
Giá xăng đang tăng nhanh và mạnh
Chị Mai Anh, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Anh, hết sức lo lắng theo dõi chi phí hoạt động kinh doanh vì giá xăng liên tục tăng. “Tôi phải theo dõi rất chặt để có kế hoạch kinh doanh tương ứng. Giá xăng tăng, ngay lập tức tác động đến chi phí của DN. Phương tiện vận tải phải đổ xăng hằng ngày để hoạt động nhưng cước phí không thể tăng liền do kinh tế còn khó khăn. Theo tính toán của chúng tôi, giá xăng tăng đã đội chi phí lên hơn 10%” - chị Mai Anh nói.
Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 1-2023 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6-2023 mức tăng chỉ còn 2%. Bước sang tháng 7-2023 tiếp tục tăng ở mức thấp 2,06%.
Thực tế từ ngày 11-7 đến nay, giá xăng đã trải qua ba lần tăng liên tiếp với tổng mức tăng là 2.535 đồng/lít. Xét theo giá xăng RON 95 hiện nay có mức giá là 23.963 đồng/lít thì đã tăng tương đương gần 11%. Rõ ràng điều này đã xuất hiện sức ép chi phí cho nhiều lĩnh vực kinh doanh.
Theo TS Quách Mạnh Hào, giảng viên ĐH Lincoln (Anh), giá xăng chịu tác động của giá dầu thế giới đang tăng trở lại vì sự phục hồi của nền kinh tế. Hay nói cách khác, giá dầu đang phản ánh các kỳ vọng của hoạt động kinh tế. Ngoài ra, nhu cầu dầu toàn cầu đang tăng mạnh hơn so với nguồn cung cũng đóng góp vào việc giá dầu tăng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đợt tăng giá xăng vừa qua, giá xăng RON 95 nhập từ Singapore lên cao nhất là 104 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với thời điểm giá xăng nhập tăng đỉnh điểm 160 USD vào tháng 6-2022. Và thời điểm đó, giá xăng trong nước cũng vọt lên gần 33.000 đồng/lít. Sau đó, Nhà nước đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường, VAT giúp góp phần hạ nhiệt giá xăng trong nước.
Giá xăng vẫn có xu hướng tăng
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho rằng dù giá xăng chưa tăng tương tự thời kỳ cao nhất của năm 2022 nhưng vẫn phải theo dõi sát biến số này. Vì giá xăng tăng cao, chi phí đẩy sẽ gây ra lạm phát do năng lượng là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành trong nền kinh tế.
Trong khi đó, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Do đó, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Điều này rất dễ kích hoạt lạm phát khiến cho việc điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ trở nên khó khăn hơn và tác động đến tăng trưởng kinh tế của cả năm 2023.
“Khi thắt chặt tiền tệ thì các yếu tố liên quan đến giá cả hàng hóa sẽ giảm nhưng chưa giảm về cái mức kỳ vọng. Giờ đây khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại, kết hợp giá xăng dầu tăng sẽ có xu hướng làm cho các chỉ số giá chững lại, rồi sau đó tăng trở lại dễ tạo ra làn sóng lạm phát thứ hai” - ông Hải nói.
Theo chuyên gia, giá xăng dầu tăng là nhân tố tiềm ẩn khiến lạm phát tăng nên cần phải theo dõi chặt chẽ. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Theo ông Hải, hiện giá xăng tăng chưa phản ánh vào chỉ số giá vì có độ trễ. Việt Nam vẫn phải hết sức cẩn trọng với rủi ro lạm phát tiềm ẩn vì đà tăng giá lương thực đã có xu hướng xuất hiện. Cụ thể giá gạo đang tăng trở lại vì sự ảnh hưởng từ việc các nước cấm xuất khẩu. Ngoài ra, tác động của giá năng lượng cũng không thể bỏ qua, đặc biệt là ngành điện lực lại xin tăng giá điện một lần nữa do khó khăn tài chính.
Theo ông Hải, giá xăng vẫn có xu hướng tăng tiếp vì thị trường đang chịu cú sốc thắt chặt nguồn cung, chưa kể nền kinh tế Trung Quốc - một nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang dần lấy lại đà phục hồi thì nhu cầu dầu tiếp tục tăng.
“Để tránh tác động của lạm phát từ việc giá xăng tăng thì trong thời gian tới Nhà nước có lẽ cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường tương tự năm 2022. DN cần chủ động hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng, đặt hàng sớm khi giá còn chưa tăng cũng như tìm các nguồn hàng thay thế nếu như giá cả các nguyên liệu đầu vào gia tăng” - ông Hải nhận định.
Cần theo dõi chặt chẽ lạm phát
TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, đánh giá lạm phát bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2022 vì thu nhập của người dân giảm sút khiến cầu hàng hóa giảm. Cạnh đó, thị trường tài sản gồm bất động sản và chứng khoán giảm mạnh kéo theo tiêu dùng cắt giảm nhanh.
“Cung tiền tăng chậm, giá nguyên vật liệu cũng giảm giúp lạm phát nền kinh tế dễ chịu rất nhiều trong suốt thời gian qua. Thế nhưng hiện nay các biến số về năng lượng, giá lương thực thực phẩm và giá xăng dầu là nhân tố tiềm ẩn khiến lạm phát cần phải theo dõi chặt chẽ” - TS Thế Anh nêu quan điểm.
Ở góc nhìn khác, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, nhận định tình hình lạm phát của thế giới đã hạ nhiệt. Đây là xu thế khá tích cực và tín hiệu đáng mừng cho triển vọng trong tương lai. Vì khi các quốc gia kiểm soát được lạm phát, lúc đó cơ hội phục hồi kinh tế thế giới rõ nét hơn.
Với Việt Nam, chỉ số CPI trong sáu tháng chỉ tăng bình quân là 3,29%. Đây là tín hiệu tốt và có dư địa điều hành giá cả, chính sách tiền tệ. Mặt khác, Chính phủ đang có những nỗ lực quyết tâm để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dự báo chỉ số CPI 2023 đạt cao nhất 3,5%
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định: “Bình quân bảy tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ hạ nhiệt của CPI theo năm đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn đang có khoảng cách khá lớn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là 4,5%. Giá điện tăng, giá thịt heo tăng trở lại, mức giảm giá xăng thu hẹp trong tháng 8 cũng như các tháng tới đây có thể sẽ khiến chỉ số CPI có diễn biến tăng cao hơn.
Với quan điểm thận trọng, khi dự báo CPI các tháng cuối năm có thể tăng trở lại lên trên 3%, chúng tôi vẫn dự báo chỉ số CPI cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 3%-3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chính phủ đặt ra”.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống