Theo Chỉ thị 20 ban hành ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Lộ trình này cần được xây dựng từ quý III năm nay và điều chỉnh hàng năm.
Đây là một giải pháp song song để hạn chế ôtô, xe máy sử dụng xăng, dầu, bên cạnh việc bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1, từ ngày 1/1/2028 không có xe môtô, xe gắn máy, hạn chế xe ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Các phương tiện dừng chờ đèn tín hiệu đèn giao thông tại Hà Nội, tháng 1/2025. Ảnh: Giang Huy
Bên cạnh giá xe, các khoản phí, lệ phí để đăng ký, ra biển số chiếm một phần không nhỏ chi phí sở hữu ô tô của người dân. Ví dụ với ôtô tại Hà Nội, hiện lệ phí trước bạ với xe xăng, dầu là 12% với xe con, 7,2% với xe bán tải, chi phí ra biển số là 20 triệu. Trong khi đó, xe máy có mức phí "dễ thở" hơn, với lệ phí trước bạ 2% giá xe.
Việc tăng các khoản phí trên sẽ khiến chi phí sở hữu xe tăng đáng kể. Ví dụ nếu lệ phí trước bạ ôtô xăng, dầu tăng từ 12% lên 15%, với xe giá 1 tỷ đồng, chi phí mua xe đã tăng lên 3%, tương đương 30 triệu đồng.
Trong khi đó, hiện nay xe thuần điện tại Việt Nam đang được miễn lệ phí trước bạ tới 28/2/2027. Nếu hai mẫu xe xăng và điện cùng phân khúc, cùng giá bán 1 tỷ, thì chi phí sở hữu của xe điện sẽ rẻ hơn ít nhất 120 triệu so với xe xăng.
Bên cạnh đó, không chỉ chi phí sở hữu mà chi phí sử dụng của xe xăng cũng sẽ tăng cao hơn đáng kể so với xe điện nếu Hà Nội áp dụng việc tăng giá dịch vụ trông giữ phương tiện. Ví dụ, một người lái xe vào khu vực phố cổ Hà Nội để đỗ xe 2-3 lần/ngày vào cuối tuần, tiền đỗ xe cho xe xăng có thể cao hơn vài trăm nghìn đồng so với xe điện.
Các chuyên gia bán xe lâu năm nhận định, việc tăng chi phí sở hữu và sử dụng xe xăng, dầu sẽ trở thành rào cản, động lực để người dân chuyển sang các phương tiện thuần điện. Từ phía các cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tới 2030, tỷ lệ ôtô điện, hybrid, xe xanh chiếm khoảng 18-22% tổng doanh số toàn thị trường, tương đương 180.000-242.000 chiếc.
Như vậy trong những năm tới, các xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam sẽ dần bị "siết" lại. Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam (VAMM với các hãng Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM) bán 2.653.607 xe máy trong 2024. Trong khi đó với ôtô, VAMA và Hyundai bán 407.310 xe.
Với riêng VinFast, hãng chỉ bán xe máy và ôtô điện, doanh số năm 2024 đạt 87.000 ôtô điện và 70.977 xe máy, xe đạp điện.
Hồ Tân
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống