Những ngày qua, một số diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về giao thông xôn xao, khi xuất hiện một số bài viết chia sẻ quan điểm về cách sử dụng cần số khi lái ô tô số tự động đổ đèo hoặc xuống dốc. Cụ thể, một số tài khoản đăng tải bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân, chia sẻ về việc nhiều tài xế lái ô tô số tự động hiện nay "chỉ biết sử dụng số D"; đồng thời cho rằng thói quen này rất nguy hiểm trong những tình huống đổ đèo hay xuống dốc cao.
Những bài viết về nội dung này sau khi đăng tải đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng người sử dụng ô tô, với rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Trong đó, rất nhiều người bày tỏ sự phản ứng và chỉ trích quan điểm nói trên, khi cho rằng nhận định này là không có cơ sở và dễ khiến người đọc hoang mang.
Lái ô tô đổ đèo chạy số 'D' có gây mất an toàn?
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với PV Thanh Niên, nhiều chuyên gia hay tài xế có kinh nghiệm lâu năm cho rằng, quan điểm trên chỉ đúng một phần. Bởi lẽ, việc lái xe sử dụng số D để đổ đèo hay xuống dốc không phải nguyên nhân chính dẫn đến những tình huống nguy hiểm.
Ông Võ Hữu Phi Hùng - Giám đốc bán hàng dự án, đồng thời từng có nhiều năm ở vị trí Trưởng phòng đào tạo của Đại lý Phú Mỹ Ford nhấn mạnh: "Để việc lái xe trên đèo dốc an toàn cần xác định rõ địa hình dốc cao hay thoải. Với các dốc thoải, mặt đường có độ dốc thấp, việc điều khiển xe với số "D" là hoàn toàn bình thường. Chỉ cần đi với tốc độ hợp lý, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước là đã đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, nếu đường có độ dốc cao, tốc độ và quán tính của xe sẽ tăng nhanh, tài xế cần sử dụng các chế độ tăng mô-men xoắn để ghì xe lại mà không thông qua hệ thống phanh xe (thường là giảm tốc bằng hộp số). Cụ thể, trên các dòng ô tô hiện nay, hộp số tự động thường có các cấp số có ký hiệu bằng dãy chữ số, như "L" ( Low), "M" (manual), "S" (Sport), "O/D" (OverDrive). Các cấp số này để người lái dễ dàng tùy chọn, điều chỉnh hộp số về các số thấp thấp khi đi xuống các dốc cao. Mặc dù vậy, khi về số thấp, xe sẽ bị ghìm lại bởi các cấp số, cũng như mô-men xoắn, dẫn đến hiện tượng động cơ bị "rền" (máy gầm) do có xu hướng đẩy vòng tua máy lên cao, khiến người ngồi trên xe dễ bị say xe".
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng lưu ý, các mẫu ô tô cũng có thiết kế khác nhau về khung gầm, động cơ (xăng, dầu, điện…), hệ dẫn động (cầu trước/cầu sau) hay loại hộp số tự động cũng khác (ly hợp kép, biến mô, vô cấp - CVT). Do đó, mô-ment xoắn cũng khác nhau và sẽ không có một chuẩn mực chung cho việc đi đường đèo dốc.
Đồng quan điểm, anh Lê Đoàn Thanh - một người có kinh nghiệm lái xe đi đường đèo nhiều năm cho biết: "Ở khu vực phía Nam cũng có những đoạn đèo dốc lớn, tuy nhiên độ dài đèo ngắn. Ví dụ như đèo Prenn, đèo Chuối, đèo Mimosa, đèo Gia Bắc... Với những đèo này, người lái hoàn toàn có thể dùng số "D" để đổ dốc, vì khi đó việc sử dụng phanh chưa quá nhiều. Tuy nhiên với những cung đường đèo vừa dốc cao và vừa dài như "tứ đại đỉnh đèo" ở khu vực phía bắc (gồm đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Mã Pí Lèng - PV), việc dùng số "D" để đổ đèo sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bởi vì khi tài xế rà phanh nhiều lần để giảm tốc hay vào cua sẽ làm phanh má phanh nóng lên dẫn đến hiện tượng "trơ". Thậm chí, nhiều trường hợp dẫn đến sôi dầu phanh và mất lực phanh.
Ngoài việc sử dụng phanh và cấp số hợp lý, để đảm bảo an toàn khi lái xe đổ đèo, các chuyên gia cũng cho rằng tài xế cần tập trung, tuân thủ luật và các quy tắc giao thông, như đi đúng làn đường quy định; không vượt ẩu, lấn làn (nhất là tại những khúc cua khuất tầm nhìn)…
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống