Trước những khoảng cách lớn trong đàm phán thương mại Nhật - Mỹ, các hãng ôtô Nhật Bản đang tìm cách hợp tác để tăng cường sản xuất tại Mỹ và giảm thiểu tác động của thuế quan.
Trước đó, hai công ty đã bàn về việc sáp nhập để tạo thành tập đoàn ôtô lớn thứ ba thế giới, nhưng cuộc đàm phán sụp đổ khi Nissan từ chối đề xuất của Honda. Trước những lo ngại về thuế quan ngày càng tăng, hai bên đang tiến tới hợp tác lại để xây dựng lại mối quan hệ.
Nissan đang xem xét sản xuất xe bán tải cho Honda tại nhà máy Canton ở Mississippi. Hiện nhà máy này chủ yếu tập trung vào các mẫu như Frontier - một dòng bán tải hạng trung. Theo những gì đang thảo luận, Nissan sẽ sản xuất bán tải dưới tên thương hiệu Honda, và Honda sẽ bán xe tại Mỹ.

Ridgeline - mẫu bán tải hiện được Honda sản xuất và bán tại Mỹ. Ảnh: Honda
Bán tải chiếm 20% doanh số xe mới trên thị trường Mỹ. Tại quốc gia này, Honda hiện chỉ cung cấp dòng xe tải cỡ nhỏ. Hợp tác với Nissan có thể giúp Honda tiếp cận người tiêu dùng đang tìm kiếm các loại bán tải kích thước lớn hơn.
Thỏa thuận này mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Thuế quan của Mỹ dự kiến ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động của Honda khoảng 650 tỷ yen (4,42 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2026, trong khi Nissan có thể chịu thiệt hại lên đến 450 tỷ yen (3,06 tỷ USD).
Các hãng ôtô Nhật phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ, và 47% doanh số của Nissan cùng 32% của Honda tại Mỹ đến từ các xe sản xuất ngoài nước. Sản xuất tại chỗ ngày càng quan trọng để giảm thiểu rủi ro thuế quan.
Honda có 5 nhà máy tại Mỹ nhưng cần thời gian để tăng cường sản xuất địa phương. Thỏa thuận cung ứng với Nissan sẽ cho phép Honda nhanh chóng tăng cường sản xuất các mẫu cạnh tranh mà không cần đầu tư mạnh vào phát triển.
Nissan đang đối mặt với tình trạng công suất chưa được sử dụng hết tại các nhà máy toàn cầu do doanh số trì trệ. Theo MarkLines, nhà máy Canton của hãng chỉ hoạt động ở mức 57% công suất trong năm 2024 - dưới ngưỡng hòa vốn 80%. Sản xuất xe cho Honda có thể nâng tỷ lệ sử dụng công suất, mang lại lợi ích tiềm năng cho lợi nhuận của Nissan.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang áp dụng lập trường cứng rắn trong đàm phán thương mại, tuyên bố sẽ áp thuế "có đi có lại" - gần như cùng mức với những mức đã công bố vào tháng 4 - lên Nhật Bản và các nước khác từ ngày 1/8.
Sự khác biệt sâu sắc vẫn tồn tại giữa Nhật Bản và Mỹ về thuế ôtô. Cam kết của các hãng ôtô Nhật về việc tăng sản lượng tại Mỹ có thể trở thành công cụ thương lượng trong các cuộc đàm phán tương lai.
Các cuộc đàm phán sáp nhập giữa Nissan và Honda bắt đầu từ cuối năm 2024 nhưng không đạt được thỏa thuận chung và kết thúc vào tháng 2. Với việc quay trở lại điểm xuất phát, hai công ty đang cân nhắc các lựa chọn làm việc cùng nhau lần nữa.
Lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đã khiến lãnh đạo hai công ty gặp gỡ thường xuyên từ tháng 4. Mặc dù cả hai đã loại trừ việc mở lại đàm phán sáp nhập ở giai đoạn này, họ dự định bắt đầu bằng cách hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích chung để tái thiết lập mối quan hệ.
Mỹ Anh (theo Nikkei)
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống