Thương vụ sáp nhập Nissan-Honda đổ vỡ như thế nào

 

Cuối 2024, khi đang đối mặt với khó khăn, Nissan nhận được đề nghị hợp tác từ đối thủ Honda: một thỏa thuận trị giá 60 tỷ USD nhằm giúp cả hai hãng ôtô Nhật Bản cạnh tranh với các thương hiệu Trung Quốc đang làm đảo lộn ngành công nghiệp

Nhiều năm doanh số suy giảm và rối loạn trong hệ thống quản lý đã khiến Nissan trở nên yếu thế, đặc biệt sau khi hãng đánh giá sai nhu cầu về xe hybrid tại Mỹ, thị trường lớn nhất của họ.

Tuy nhiên, chỉ trong hơn một tháng, các cuộc đàm phán sáp nhập thất bại do một số yếu tố, như lòng kiêu hãnh và sự thiếu cảnh giác của Nissan, cũng như quyết định đột ngột của Honda trong việc sửa đổi các điều khoản, đề xuất Nissan trở thành công ty con.

Makoto Uchida (trái), CEO Nissan, và Toshihiro Mibe, Chủ tịch kiêm CEO Honda, tại buổi họp báo chung tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/12/2024. Ảnh: Reuters

Makoto Uchida (trái), CEO Nissan, và Toshihiro Mibe, Chủ tịch kiêm CEO Honda, tại buổi họp báo chung tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/12/2024. Ảnh: Reuters

Nissan, hãng sản xuất ôtô lớn thứ hai của Nhật Bản sau Toyota trong nhiều năm cho đến 2020, khăng khăng đòi được đối xử gần như bình đẳng trong các cuộc đàm phán mặc dù có vị thế yếu hơn.

Honda đã gây sức ép buộc Nissan phải cắt giảm sâu hơn lực lượng lao động và năng lực sản xuất, nhưng Nissan không muốn cân nhắc đến việc đóng cửa nhà máy. Dường như Nissan cảm thấy có thể tự phục hồi, bất chấp những khó khăn ngày càng gia tăng.

Sự ngoan cố đó, kết hợp với những gì ban quản lý của Honda coi là quyết định chậm trễ của Nissan, góp phần phá hỏng một thỏa thuận có thể tạo ra một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới.

Nissan đang phải đối mặt với mối đe dọa bổ sung thuế quan của Mỹ đối với các loại xe sản xuất tại Mexico, chiếm hơn 25% doanh số tại Mỹ.

"Tôi nghĩ đó là vấn đề quản lý", Julie Boote, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Pelham Smithers Associates, nói về tình hình hỗn loạn tại Nissan. "Họ đang đánh giá quá cao vị thế và giá trị thương hiệu của mình, cũng như khả năng xoay chuyển tình hình kinh doanh của họ", Boote nói.

Tuần trước, CEO Nissan, Makoto Uchida, đã đến gặp người đồng cấp Toshihiro Mibe của Honda để nói rằng ông muốn chấm dứt các cuộc thảo luận sau khi Honda đưa ra đề xuất thành lập công ty con.

Nissan đã làm các nhà đầu tư sửng sốt vào tháng 11/2024 khi giảm 70% dự báo lợi nhuận do doanh số ở Trung Quốc và Mỹ giảm sút. Hãng công bố một kế hoạch xoay chuyển tình hình bao gồm cắt giảm 9.000 việc làm và 20% công suất toàn cầu, mà một số nhà phân tích cho là quá ít và quá muộn.

Uchida hứa sẽ giảm một nửa tiền lương và cho biết ông tập trung vào việc tinh gọn và phục hồi doanh nghiệp tốt hơn.

Tháng 12/2024, Nissan và Honda công bố kế hoạch sáp nhập, kết quả của các cuộc đàm phán mà họ đã tiến hành từ tháng 3/2024, khi đang tìm cách hợp tác về công nghệ.

Nhưng các cuộc thảo luận về việc sáp nhập nhanh chóng gặp trở ngại về việc tính toán tỷ lệ nắm giữ cổ phần sau khi kết hợp. Uchida bày tỏ sự nghi ngờ về triển vọng của thỏa thuận, trong khi các nhà quản lý của Honda phàn nàn rằng quá trình ra quyết định của Nissan quá chậm, chiến lược xoay chuyển tình thế thiếu chi tiết và việc cắt giảm công suất chưa đủ.

Mỹ Anh (theo Reuters)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống