Đặt nền móng cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam
Thị trường ôtô hiện đại ở Việt Nam được hình thành cách đây khoảng ba thập kỷ, với dấu mốc hãng xe lớn nhất thế giới – Toyota thành lập liên doanh và xây dựng nhà máy, đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc (cũ). Những năm đầu thập niên 90, thị trường ôtô nội địa gần như chưa có gì và xe hơi vẫn là giấc mơ xa xỉ với đại đa số người dân Việt Nam.

Công nhân Việt tại một dây chuyền sản xuất trong nhà máy Toyota Việt Nam. Ảnh: TMV
Với 11 nhân viên ban đầu khi được cấp giấy phép kinh doanh tại Việt Nam, một năm sau, Toyota đã khởi công xây dựng nhà máy, dần cho ra đời những mẫu xe đầu tiên.
Đó là chiếc Hiace xuất xưởng tháng 8/1996 với sản lượng chỉ 2 xe mỗi ngày. Mẫu MPV này sau đó nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường xe thương mại tại Việt Nam. Sau Hiace, Toyota lần lượt giới thiệu các mẫu xe toàn cầu, như Corolla Altis (1997), Camry (1998), Zace (1999) hay Vios (2003)... Những cái tên kể trên đều quen thuộc với người Việt, gắn với ký ức của nhiều người và đa số chúng vẫn được hãng Nhật Bản kinh doanh thành công đến ngày hôm nay.
Bối cảnh thị trường Việt Nam những năm đầu mở cửa phù hợp dòng xe đơn giản, dễ sử dụng, tiết kiệm xăng, đặc biệt là ít hỏng hóc và bền bỉ theo thời gian. Đây cũng chính là những yếu tố được Toyota áp dụng cho các dòng sản phẩm, từ đó hình thành những giá trị cốt lõi của thương hiệu này cho đến ngày nay. Trong hơn 10 năm sử dụng chiếc Corolla Altis, ông Trịnh Xuân Thái (Long Biên, Hà Nội) cho biết, chiếc xe đã chạy hơn 100.000 km, thường xuyên sử dụng để đi công tác các tỉnh, thành phố.
"Chiếc xe bền, lành và dễ sử dụng nên tôi gắn bó suốt hơn 10 năm nay, chỉ duy nhất một lần cần thay thế chi tiết vòng bi máy phát ở đại lý chính hãng. Còn lại, xe chỉ cần bảo dưỡng định kỳ mỗi 5.000 km", ông cho biết, thêm rằng trong quá trình sở hữu, chiếc Corolla Altis thường được các showroom hỏi mua lại, nhưng ông chưa đồng ý bán. "Nếu đổi xe, tôi và gia đình sẽ tiếp tục chọn Toyota, bởi đây là thương hiệu lớn, chi phí sử dụng thấp và có thể bán lại xe bất cứ lúc nào".
Những giá trị trên khiến Toyota có được nhóm khách hàng trung thành và gắn bó với thương hiệu. Câu chuyện về những chiếc Innova, Fortuner, Vios... lăn bánh hàng trăm ngàn km không hiếm tại Việt Nam, thậm chí những dòng xe "bộ trưởng" như Cressida, Crown, Camry hay Avalon vẫn được săn tìm trên thị trường xe cũ.
Hệ thống đại lý - cầu nối phục vụ người tiêu dùng
Ngay sau khi thành lập liên doanh và xây dựng nhà máy, Toyota Việt Nam đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng hệ thống nhà phân phối, đưa các dòng xe đến gần với người tiêu dùng. Phần lớn hệ thống đại lý của hãng này đều là doanh nghiệp thuần Việt.

Mỗi tư vấn bán hàng của Toyota đều áp dụng tinh thần Omotenashi thành văn hóa chăm sóc khách hàng của đại lý. Ảnh: TMV
"Bản thân tôi là người rất yêu thích ôtô, nên từ năm 1992 đã mở showroom, kinh doanh các dòng xe Toyota nhập khẩu từ nước ngoài tại TP HCM", ông Bùi Cảnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Toyota Đông Sài Gòn, một trong những đại lý đầu tiên của Toyota Việt Nam cho biết. "Ở Việt Nam, cứ nói đến ôtô là nghĩ đến Toyota, nên tôi đã thuyết phục và được hãng chấp thuận cho mở đại lý chính hãng đầu tiên vào năm 1996. Đến hôm nay, chúng tôi vẫn gắn bó, liên tục mở rộng hệ thống phân phối, dịch vụ và bảo dưỡng cùng Toyota Việt Nam".
Để phục vụ khách hàng Việt theo tiêu chuẩn toàn cầu, Toyota Việt Nam phối hợp chặt chẽ với hệ thống đại lý từ những ngày đầu mở cửa, cử những chuyên gia hàng đầu của hãng đến đào tạo đội ngũ nhân sự người Việt, từ tư vấn bán hàng, dịch vụ, kỹ thuật viên. Ông Nguyễn Đoàn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý đầu tư và Phát triển IDMC, nhà phân phối Toyota Việt Nam cho biết, từ năm 1998 ông và doanh nghiệp đã được tiếp cận và làm việc cùng nhiều chuyên gia, kỹ sư của Toyota Nhật Bản đến Việt Nam để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đại lý trong việc hình thành và phát triển.
"Gần như tất cả những gì chúng tôi đang có được đều đến từ Toyota Việt Nam. Năm 2004, hãng cho phép chúng tôi thành lập Toyota Mỹ Đình (Hà Nội) và duy trì đến ngày nay, trở thành một trong những đại lý uy tín hàng đầu", ông Đoàn Dũng cho biết. "Trong quá trình này, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều, đặc biệt ở khâu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực".

Kỹ thuật viên tại một đại lý Toyota. Ảnh: TMV
Hiện, Toyota là một trong những hãng sở hữu hệ thống nhà phân phối quy mô và số lượng lớn nhất tại Việt Nam. Đến hết tháng 6/2025, hãng Nhật Bản có 86 đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền trên toàn quốc. Trước thềm kỷ niệm 30 năm, hệ thống đại lý của hãng này đã hoàn thành mục tiêu tiếp đón 20 triệu lượt xe sử dụng dịch vụ, trở thành thương hiệu đầu tiên tại thị trường Việt Nam cán mốc doanh số tích lũy 1 triệu xe.
Song song hoạt động sản xuất kinh doanh, Toyota Việt Nam cũng đặt mục tiêu "trở thành công dân tốt trong cộng đồng sở tại" với những đóng góp trên nhiều lĩnh vực: an toàn giao thông, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và văn hóa - xã hội. Tính đến nay, tổng số đóng góp cho các hoạt động trách nhiệm xã hội của Toyota đã đạt hơn 31 triệu USD.
Ba mươi năm qua chứng kiến hành trình Toyota tạo ra những mẫu xe, giải pháp di chuyển phù hợp nhu cầu của phần đông người Việt. Hãng Nhật ngày càng trẻ hóa dải sản phẩm, đổi mới thiết kế, tăng trang bị các công nghệ tiên tiến như nền tảng khung gầm toàn cầu TNGA, gói an toàn chủ động Toyota Safety Sense hay động cơ hybrid. Trong đó, hybrid được xem là giải pháp giảm phát thải không phụ thuộc hạ tầng trạm sạc, phù hợp điều kiện Việt Nam theo định hướng tiếp cận đa chiều, hướng đến tương lai xanh. Tính đến hết tháng 6, đã có hơn 17.000 xe Toyota hybrid đã được giao đến tay người dùng.
"Giữa hàng loạt lựa chọn trên thị trường, phần đông khách Việt vẫn dành cảm tình cho thương hiệu ôtô Nhật Bản. Niềm tin đó của khách Việt không hẳn đến từ những chiến dịch quảng bá ồn ào, mà đến từ hàng triệu hành trình lặng lẽ, không ngừng được hãng vun đắp suốt ba thập kỷ qua", một chuyên gia trong ngành nhận định.
Quang Anh
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống