Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang vượt xa đối thủ nước ngoài trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ hỗ trợ lái xe, nhằm thu hút người tiêu dùng đang khát khao đổi mới. Tuy nhiên, tốc độ không phải thứ được ưu tiên hàng đầu.
Các nhà quản lý đang hoàn thiện quy tắc an toàn mới cho hệ thống hỗ trợ lái xe khi Bắc Kinh tăng cường giám sát công nghệ này sau một tai nạn liên quan đến chiếc Xiaomi SU7 sedan vào tháng 3. Vụ tai nạn đã khiến ba người thiệt mạng khi xe đâm vào dải phân cách chỉ vài giây sau khi tài xế tiếp quản từ hệ thống hỗ trợ lái xe.
Trong khi giới chức Trung Quốc muốn ngăn chặn các nhà sản xuất ôtô quảng cáo quá mức khả năng của các hệ thống này, họ cũng cân nhắc giữa đổi mới và an toàn để đảm bảo các nhà sản xuất ôtô trong nước không bị mất thị phần vào tay đối thủ Mỹ và châu Âu.

Một mẫu xe của Nio - hãng sản xuất ôtô đã tham gia thử nghiệm công khai công nghệ hỗ trợ lái. Ảnh: Nio
Đặt ra quy định rõ ràng cho công nghệ hỗ trợ lái xe mà không làm chậm tiến bộ có thể giúp ngành công nghiệp Trung Quốc có lợi thế so với các đối thủ toàn cầu, theo nhận định của các nhà phân tích. Điều này khác biệt hoàn toàn với thị trường Mỹ, nơi các công ty phát triển xe tự lái bày tỏ sự thất vọng vì chính phủ chưa thực hiện hệ thống quy định để xác thực và kiểm tra công nghệ.
Các quy định hiện hành của Trung Quốc cho phép các hệ thống tự động lái, phanh và tăng tốc trong một số điều kiện nhất định trong khi vẫn yêu cầu người lái phải tập trung. Vì thế, các thuật ngữ tiếp thị như "thông minh" và "tự động" bị cấm.
Các quy định mới sẽ tập trung vào thiết kế phần cứng và phần mềm theo dõi trạng thái nhận thức của người lái xe và khả năng kiểm soát kịp thời của họ.
Để thực hiện điều này, các cơ quan quản lý đã nhờ hãng Dongfeng và gã khổng lồ công nghệ Huawei hỗ trợ quá trình soạn thảo các quy định mới và tìm kiếm ý kiến đóng góp của công chúng trong một tháng, kết thúc vào 4/7.
Cùng lúc, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc được thúc đẩy nhanh chóng triển khai các hệ thống tiên tiến hơn nữa - hỗ trợ lái xe cấp độ 3, cho phép người lái rời mắt khỏi đường trong một số tình huống nhất định. Cấp độ 3 là điểm giữa trên thang đo lái xe tự động của ngành, từ các tính năng cơ bản như kiểm soát hành trình ở cấp độ 1, đến khả năng tự lái trong mọi điều kiện ở cấp độ 5.
Chính phủ Trung Quốc đã chọn Changan (Trường An) là nhà sản xuất ôtô đầu tiên bắt đầu các cuộc thử nghiệm xác thực cấp độ 3 vào tháng 4, nhưng kế hoạch đã bị tạm dừng sau vụ tai nạn của Xiaomi.
Nguồn tin cho biết Bắc Kinh vẫn hy vọng sẽ tiếp tục các cuộc thử nghiệm như vậy trong năm nay và phê duyệt ôtô hỗ trợ lái cấp độ 3 đầu tiên của nước này vào năm 2026.
Các hệ thống hỗ trợ người lái được các nhà phân tích trong ngành coi là chiến trường lớn tiếp theo trong thị trường ôtô cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc.
Trong thập kỷ qua, các hệ thống cấp độ 2 đã phát triển mạnh ở Trung Quốc, bao gồm hệ thống tự lái (FSD) của Tesla, cũng như tính năng của Xiaomi liên quan đến vụ tai nạn hồi tháng 3. Khả năng này trải dài từ việc giữ khoảng cách tự động với xe khác trên đường cao tốc đến xử lý hầu hết các nhiệm vụ trên đường đô thị đông đúc, dưới sự giám sát của người lái.
Các nhà sản xuất ôtô đã giảm chi phí phần cứng xuống mức cho phép họ cung cấp các tính năng cấp độ 2 với ít hoặc không mất thêm chi phí. BYD đã triển khai phần mềm hỗ trợ lái xe God's Eye miễn phí trên toàn bộ dòng sản phẩm của hãng. Theo ước tính của công ty nghiên cứu Canalys, hơn 60% ôtô mới bán tại Trung Quốc trong năm nay sẽ có các tính năng cấp độ 2.
Trong nỗ lực thúc đẩy công nghệ hỗ trợ lái xe và cuối cùng là xe tự lái hoàn toàn, Bắc Kinh đang tìm cách giúp các nhà sản xuất ôtô trong nước giống như cách quốc gia này vươn lên nhanh chóng để trở thành gã khổng lồ về xe điện của thế giới.
Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã cho phép 9 nhà sản xuất ôtô thử nghiệm công khai nhằm thúc đẩy việc áp dụng xe tự lái. Những thương hiệu gồm BYD, Nio, Changan, GAC, SAIC và các nhà điều hành đội xe, như các công ty gọi xe, cũng tham gia vào các cuộc thử nghiệm.
Trong nỗ lực thúc đẩy công nghệ cấp độ 3, các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng đang tăng mức độ quản lý bằng cách buộc các nhà sản xuất ôtô và nhà cung cấp phụ tùng phải chịu trách nhiệm nếu hệ thống của họ bị lỗi và gây ra tai nạn. Luật được thông qua tại Anh vào năm 2024 đã áp dụng cách tiếp cận tương tự đối với trách nhiệm pháp lý.
Tại triển lãm ôtô Thượng Hải vào tháng 4, một số công ty giới thiệu về tiến độ triển khai các phương tiện có khả năng cấp độ 3. Huawei cho biết đã sẵn sàng giới thiệu hệ thống cấp độ 3 cho đường cao tốc sau khi thử nghiệm mô phỏng hơn 600 triệu km. Video chiếu cảnh tài xế và hành khách hát karaoke trong khi xe tự lái.
Thương hiệu Zeekr của Geely ra mắt mẫu SUV hạng sang 9X, trang bị phần mềm cấp độ 3 mà hãng xe này cho biết đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào quý III nếu các quy định cho phép. Zeekr cũng đang nộp đơn xin tham gia đợt thử nghiệm thứ hai nhằm xác thực cấp độ 3.
Trong khi đó, các hãng xe hơi truyền thống tại triển lãm ôtô Thượng Hải như Mercedes và Volkswagen cho biết đang thúc đẩy các tính năng hỗ trợ lái xe tiên tiến nhất của mình nhưng vẫn chưa vượt qua được ranh giới trách nhiệm pháp lý cấp độ 3.
Các nhà phân tích cho biết, để đạt được điều đó là một thách thức vì họ đã ở thế bất lợi về chi phí so với các đối thủ Trung Quốc.
Giám đốc công nghệ của Mercedes, Markus Schaefer, nói với Reuters rằng trong khi giá chip và năng lực tính toán giảm, thì mức độ an toàn bổ sung cần thiết cho cấp độ 3 sẽ tốn kém hơn nhiều.
Mỹ Anh
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống