Bên cạnh cơ sở hạ tầng vẫn còn ít nhiều hạn chế, những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trên các tuyến cao tốc trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đặc biệt là tai nạn trên cao tốc Cam lộ - La Sơn đang cho thấy một thực tế rằng, rất nhiều tài xế còn thiếu cả ý thức lẫn kỹ năng khi lái xe trên cao tốc. Trong đó, có 3 lỗi cực kỳ nguy hiểm nhưng lại đang rất "phổ biến" mà lái xe cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tránh mắc phải để hạn chế rủi ro khi di chuyển trên loại đường này.
Vượt ẩu, vượt sai quy định
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người tham gia giao thông không được vượt xe trong những trường hợp không bảo đảm các điều kiện. Đặc biệt là tại những vị trí có chướng ngại vật phía trước hoặc đường vòng, đường hẹp, đầu dốc hay khu vực có tầm nhìn hạn chế. Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng quy định xử phạt với người điều khiển xe ô tô có hành vi vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển); không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép.
Luật quy định là vậy, tuy nhiên trên thực tế, hiện nay có rất nhiều tài xế khi lái xe (đặc biệt lái xe trên cao tốc) vẫn có thói quen vượt ẩu, vượt sai quy định, bất chấp nguy hiểm rình rập. Rảo quanh các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về giao thông có thể thấy, gần như mỗi ngày đều có những đoạn video phản ánh về những trường hợp lái xe chạy bất chấp; vượt ẩu, vượt sai quy định. Vụ tai nạn đau lòng xảy vào ra ngày 18.2 vừa qua, trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 người tử vong chỉ là một trong những điển hình. Và do hậu quả của vụ việc này quá nghiêm trọng, thực trạng này mới được nhiều người đưa ra bàn tán, mổ xẻ.
Dung sai tốc độ quá lớn
Một lỗi nữa mà rất nhiều tài xế Việt hiện nay thường mắc phải là dung sai tốc độ quá lớn khi di chuyển trên các làn đường. Nói một cách phổ thông và dễ hiểu, nhiều ô tô đi trên cao tốc thường có "tật xấu" chạy chậm, nhưng lại cố chạy trên làn trái (làn đường trong cùng, thường cho phép các phương tiện lưu thông với tốc độ cao hơn). Chẳng hạn như tốc độ tối đa ở làn trái trên một số đoạn tại cao tốc lên đến 120 km/giờ; tuy nhiên nhiều tài xế chỉ cho xe chạy khoảng 70 km/giờ, thậm chí 60 km/giờ.
Xét theo quy định từ Luật giao thông, trên các cao tốc tại Việt Nam hiện nay, các xe di chuyển với tốc độ tối thiểu từ 60 km/giờ và tối đa từ 80 đến 120 km/giờ (tùy đoạn và tuyến đường) sẽ không vi phạm luật. Tuy nhiên, về quy tắc giao thông, việc tài xế lái xe chạy chậm nhưng vẫn cố "ôm" làn trái là không phù hợp. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông của các phương tiện khác mà còn khiến nhiều tài xế phía sau có tâm lý ức chế.
Quan trọng hơn, việc các xe ô tô di chuyển chậm trên làn trái cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vượt xe liên tục trên cao tốc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn, tai nạn nguy hiểm.
Không tuân thủ quy tắc về khoảng cách an toàn
Bên cạnh vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại về người trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, trong dịp lễ Tết vừa qua, các tuyến cao tốc trên cả nước cũng xảy ra hàng loạt tai nạn liên hoàn, khi nhiều phương tiện va chạm kiểu "dồn toa". Nguyên nhân của những vụ tai nạn này đến từ việc các tài xế không tuân thủ quy tắc về khoảng cách an toàn. Do đó, khi xe phía trước gặp sự cố bất ngờ phanh gấp, tầm quan sát bị hạn chế, các xe phía sau không đủ thời gian và khoảng cách để xử lý tình huống.
Liên quan đến khoảng cách an toàn khi lái xe ô tô, Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT đã quy định rõ ràng và chi tiết. Theo đó, khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe như sau:
- Xe ô tô di chuyển với tốc độ 60 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35 mét.
- Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 60 – 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 mét.
- Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 80 – 100 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 mét.
- Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 100 - 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 mét.
Mặc dù vậy, trên thực tế khi lái xe trên đường, việc ước lượng khoảng cách bằng đơn vị đo khoảng cách là cực kỳ khó. Vì vậy, bên cạnh quy định trên Thông tư, các tài xế thường áp dụng "quy tắc 3 giây", tức đo khoảng thời gian dừng để đảm bảo an toàn khi đi trên cao tốc.
Trong vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng vậy, nếu tài xế ước chừng được đúng khoảng cách, có lẽ sẽ tránh được vụ tai nạn thảm khốc; hoặc ít ra hậu quả cũng bớt nghiêm trọng hơn.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống