Dự thảo Luật Đường bộ do Bộ GTVT xây dựng dự kiến trình Quốc hội cuối năm nay có bổ sung quy định kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành thông qua kiểm tra định kỳ về khí thải. Nếu quy định trên được thông qua, thời gian tới, gần 73 triệu xe máy đang lưu hành trên toàn quốc sẽ buộc phải kiểm tra định kỳ khí thải.
Dự thảo Luật Đường bộ quy định: mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về khí thải theo lộ trình, mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng quy định.
Chị Nguyễn Thị Minh (trọ ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị từ quê ra Hà Nội kiếm sống. Gia đình chỉ có 1 chiếc xe máy cũ là tài sản giá trị nhất. Mỗi sáng sớm, vợ chồng chị đi xe máy ra chợ đầu mối lấy rau để chị mang về bán lẻ.
Sau đó, chồng chị đi chạy xe ôm. Khi xe hư hỏng, chồng chị Minh mới đưa xe ra cửa hàng đầu ngõ sửa, hư đâu sửa đó. Nếu hỏng nhỏ chồng chị sẽ tự sửa (thay săm, lốp, chỉnh phanh, thay dầu máy…). “Hầu như chưa bao giờ xe đang đi tốt lại mang bảo dưỡng, vì tôi cần xe để kiếm sống hằng ngày. Nếu phải kiểm định, có lẽ xe của tôi sẽ phải bỏ để đổi xe khác, vì để sửa cho đạt chuẩn có khi tốn gần bằng tiền mua xe khác tốt hơn”, chị Minh nói.
Dẫn một số báo cáo về môi trường gần đây, Bộ GTVT cho rằng, một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí trong đô thị là từ xe máy cũ. Hiện chỉ ô tô phải kiểm định định kỳ sau khi đưa ra thị trường, còn xe máy đang lưu hành chưa buộc phải kiểm định khí thải định kỳ. Bên cạnh đó, các đô thị lớn đang lên kế hoạch hạn chế xe cá nhân nên giải pháp kiểm soát khí thải xe máy sẽ đạt đa mục tiêu. Cơ quan soạn thảo dự luật cũng nhìn nhận, quy định trên sẽ phát sinh chi phí về tiền bạc và thời gian với chủ xe. Đổi lại, chủ xe có phương tiện an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, kéo dài tuổi thọ xe.
Lãnh đạo Bộ GTVT dẫn nghiên cứu về phát thải xe máy thực hiện năm 2018 cho thấy, để đạt điều kiện khí thải, chủ xe máy cũ phải bỏ khoảng 110 nghìn đồng/xe/năm để bảo dưỡng, thay thế phụ tùng (như lọc gió, lọc dầu…); chi phí kiểm định khoảng 35 nghìn đồng/lần/năm. Đổi lại, nhờ xe vận hành tốt, chủ xe tiết kiệm được khoảng 7% nhiên liệu, tương đương hơn 170 nghìn đồng/năm….
Thiếu giải pháp thuyết phục
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, nên kiểm soát khí thải với xe máy để giảm ô nhiễm, loại bỏ xe cũ, nát, gây nguy hiểm không chỉ cho người đi xe mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Giải pháp này cũng phù hợp để hạn chế phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo chưa đưa ra giải pháp thực hiện kiểm định xe máy, lộ trình áp dụng, kiểm tra, giám sát, xử phạt ra sao.
Cả nước đã có gần 73 triệu xe máy đang lưu hành. Nếu đưa ra quy định mà không áp dụng được sẽ tạo cảm giác nhờn luật, tương tự như quy định thu phí đường bộ với xe máy, nhưng không thực hiện được và phải bỏ. “Cứ tung ra quy định nhưng không rõ giải pháp, kiểm định ra sao, kiểm định ở đâu, ai thực thi nên cảm giác như quy định cho có”, ông Thanh nói và cho biết, Hà Nội, Đà Nẵng từng thí điểm đo khí thải xe máy, thu xe cũ đổi xe mới, tịch thu xe cũ nát… ra quân thì rầm rộ, nhưng tới nay không công bố kết quả.
Vị chuyên gia trên cũng cho rằng, không thể định kỳ 6 tháng người dân có thể đem xe đi bảo dưỡng 1 lần, vì đa số dân đều nghèo. Bên cạnh kiểm soát khí thải, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi xe mới hơn. Thậm chí, để hạn chế xe cá nhân, cần tính tới việc phải chi ngân sách hỗ trợ người dân tương tự như chính sách các địa phương trợ giá vé phương tiện công cộng để người dân giảm đi xe riêng, hay miễn giảm thuế để giảm giá xe điện.
“Có thể Nhà nước hoặc nhà sản xuất xe máy nên hỗ trợ một phần chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, thay thiết bị để đạt chuẩn khí thải hoặc Nhà nước trợ giá để đăng kiểm miễn phí. Vì vậy, thay vì luật định một cách quá cứng, có thể sửa thành quy định mang tính mở với lộ trình dài hạn để người dân quen dần, không rơi vào cảm giác buộc phải loại xe cũ để mua xe mới, chỉ có lợi cho nhà sản xuất xe”, ông Thanh nói thêm. Vị chuyên gia này cũng bày tỏ băn khoăn về đơn vị sẽ thực hiện kiểm định, cấp chứng nhận cũng như năng lực kiểm định thế nào nếu nhìn vào bài học với đăng kiểm ô tô quá tải vừa qua.
Anh Nguyễn Văn Lanh, chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, với xe máy cũ, để cải thiện khí thải, giải pháp đơn giản nhất là thay lọc gió động cơ, chi phí khoảng 30-35 nghìn đồng/thiết bị (chưa tính công thợ). Với một số dòng xe có lọc dầu, nếu thay, chi phí dưới 100 nghìn đồng/thiết bị...
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống