Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Viện Nghiên cứu Y tế Mater có trụ sở tại bang Queensland (Australia) đang thử nghiệm một loại vaccine phòng cúm mới mang tên OVX836, với hơn 600 người tham gia trên cả nước.
Nếu thành công, vaccine này có thể bảo vệ con người trong thời gian dài hơn trước bệnh cúm.
Ông Paul Griffin, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Nghiên cứu Y tế Mater, cho biết vaccine mới này nhắm vào nucleoprotein bên trong, vốn là bộ phận ít bị đột biến hơn của virus. Điều này đồng nghĩa một lần tiêm có thể bảo vệ người được tiêm trong nhiều năm liền.
[WHO lý giải nguyên nhân vì sao chưa thể coi COVID-19 là cúm mùa]
Vaccine này sử dụng một số công nghệ thực sự đột phá giúp tế bào B và T có những phản ứng rất tốt chống lại nucleoprotein đó, cơ bản giúp bảo vệ hiệu quả trước mọi chủng cúm.
Tiến sỹ Griffin nhấn mạnh mặc dù kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng sơ bộ rất đáng khích lệ, nhưng sẽ phải mất vài năm nữa vaccine này mới có thể được đưa vào sử dụng. Trong thời gian chờ đợi, ông khuyên người dân Australia tiếp tục tiêm vaccine vào đầu mùa cúm - thường là từ tháng Năm đến tháng Mười hằng năm.
Hiện nay, các loại vaccine cúm thường được cập nhật hằng năm, dành cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên. Vaccine cúm được cập nhật tùy theo những chủng virus đang lưu hành.
Tuy nhiên, các loại vaccine hiện tại tập trung vào các protein bề mặt của virus - vốn là những phần biến đổi nhiều nhất, không ngừng phát triển.
Bà Kirsty Short, Phó Giáo sư chuyên nghiên cứu về bệnh cúm, COVID-19 và các đại dịch do virus gây ra tại trường Đại học Queensland - cho hay virus cúm biến đổi hằng năm, điều này đồng nghĩa rằng vaccine tiêm năm nay sẽ không có tác dụng bảo vệ trong năm sau.
Trong khi đó, số ca mắc cúm gia tăng hằng năm. Trong năm nay, Australia đã ghi nhận hơn 40.000 trường hợp mắc cúm và 44 trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Theo Tiến sỹ Griffin, những con số nói trên cho thấy nguy cơ về một mùa cúm đáng quan ngại. Virus cúm có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền./.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống