Một liệu pháp mới điều trị hiệu quả bệnh viêm loét đại tràng thể vừa và nặng do một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế tạo ra.
IBD là bệnh lý viêm mãn tính ở ruột, gây ra bởi phản ứng miễn dịch quá mức và kéo dài tại niêm mạc đường tiêu hóa do một kháng nguyên (thức ăn/vi khuẩn) trên cơ địa di truyền đặc biệt nhạy cảm. Đây là bệnh lý có giai đoạn tái phát và hồi phục có thể kéo dài suốt đời.
Interleukin-6 (IL-6) được cho là chất trung gian chính trong cơ chế bệnh sinh của IBD.
Một nhóm do các nhà nghiên cứu tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc dẫn đầu đã đưa ra chiến lược điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát bằng cách ngăn chặn các phản ứng miễn dịch quá mức. Các loại thuốc lưu hành hiện nay thường kém hiệu quả trong điều trị IBD.
Một loại protein tổng hợp tan được cải tiến tốt hơn được gọi là olamkicept có thể ngăn chặn sự truyền tín hiệu IL-6. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu mù đôi (double-blind study) ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với sự tham gia của các chuyên gia từ 22 bệnh viện và trung tâm nghiên cứu ở Đông Á.
Nghiên cứu mù đôi là nghiên cứu mà cả người thực hiện và người tham gia nghiên cứu đều không xác định ai đang nhận liệu pháp điều trị nào trong quá trình thử nghiệm.
[Những phát hiện khoa học mới giúp điều trị ung thư thực quản]
Các nhà nghiên cứu đã phân ngẫu nhiên 91 bệnh nhân mắc IBD, có độ tuổi trung bình là 41, vào 3 nhóm trong quá trình nghiên cứu bắt đầu từ tháng 2/2018.
Olamkicept được tiêm vào tĩnh mạch cho bệnh nhân với liều lượng tương ứng là 600 miligam, 300 miligam hoặc giả dược hoặc trong 12 tuần.
Kết quả cho thấy liều lượng 600 miligam olamkicept cho thấy tác dụng chữa bệnh đối với những bệnh nhân mắc IBD thể vừa và nặng khi cải thiện đáng kể các triệu chứng lâm sàng và chỉ số sinh học của họ.
Theo Chen Minhu, thuốc olamkicept an toàn, dung nạp tốt và có thể làm giảm đáng kể các biến chứng và tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân IBD. Thuốc sẽ được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trong năm nay.
Kết quả nghiên cứu nói trên được công bố trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA)./.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống