Lẩn khuất dưới màu xanh bình yên là những quả nổ chực chờ cơ hội gây thương vong cho con người và gia súc.
Để góp phần hồi sinh những vùng “đất chết,” trả lại mùa màng bội thu cho người dân, những người lính Công binh đang thận trọng, bảo đảm an toàn trong từng chi tiết khảo sát, dò tìm, xử lý bom mìn, vật liệu nổ.
Nhưng hóa giải tội ác giấu mặt, "tử thần" trong lớp đất màu mỡ ấy lại là nhiệm vụ đầy thách thức, trực tiếp cận kề hiểm nguy. Chỉ một sơ suất nhỏ có khi phải chấp nhận hy sinh cả tính mạng.
Đến xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội, trong cái oi nồng ngày cuối tháng Bảy năm 2023, Trạm xá quân y Lữ đoàn Công binh 239 (Bộ Tư lệnh Công binh) bình yên bên không gian đầy cây xanh.
Nghe có khách đến thăm, Thượng úy, thương binh Lý Đình Hiếu đang ngồi trên giường vội nhỏm dậy, với tay lắp chiếc chân giả vào phía chân phải.
Đi những bước ngắn và chậm, anh cười điềm đạm nói: “Có đồng đội khi rà phá bom mìn đã hy sinh, có những người đã trở thành thương binh đặc biệt nặng. Mình thương tật 51% thế này còn là may mắn.”
Cách đây 10 năm, Lý Đình Hiếu cùng đồng đội được đơn vị được phân công đến xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn tiến hành dò gỡ mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Đây là khu vực có rất nhiều vật nổ, làm cản trở quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ cũng như mở rộng cơ sở hạ tầng, chương trình tái định cư và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, đó cũng là một trong những công trình của Chương trình 504 mà Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao cho Binh chủng Công binh triển khai.
[Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng]
Lữ đoàn Công binh 239 là đơn vị trực tiếp thực hiện tại khu vực này để tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom, mìn.
Lữ đoàn đã tiến hành khảo sát nhiều lần, nghiên cứu kỹ địa lý, địa hình, thổ nhưỡng để đề ra phương án rà phá mìn tốt nhất, nhận định về mọi tình huống có thể xảy ra.
Sáng 3/12/2013, Lý Đình Hiếu cùng đồng đội đến bình độ 400 ở xã Quốc Khánh. Địa hình khu vực này rất phức tạp. Bãi mìn tại đây có mật độ dày đặc, rất nguy hiểm với nhiều loại khác nhau, cứ vài chục centimet lại có một quả chực chờ nổ.
Chậm rãi di chuyển trên nền đất dốc và trơn trượt, các chiến sĩ trong đội rà phá cẩn thận từng chút, từng chút để tránh hiểm nguy, tìm kiếm và khóa an toàn từng “thần chết” ẩn dưới mặt đất.
Nhưng không may, đang làm nhiệm vụ, bất ngờ một quả mìn phát nổ, làm chiến sỹ 21 tuổi mất một bàn chân phải.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, đơn vị đưa Lý Đình Hiếu tới bệnh viện gần nhất để sơ cấp cứu. Sau đó, anh được chuyển xuống Bệnh viện Quân y 103 tiếp tục điều trị.
Đôi mắt đượm nét buồn khi nhìn xuống một bên chân không còn lạnh lặn, Thượng úy, thương binh Lý Đình Hiếu chậm rãi nói: “Sau tiếng hét đau đớn vì quả mìn phát nổ và nhìn chân phải dập nát, tôi hiểu cuộc đời mình đã rẽ sang một hướng khác.”
Hướng rẽ khác của Lý Đình Hiếu là anh xin đi học lớp y tá để có thể tiếp tục phục vụ trong Quân đội cũng như mong muốn, kinh nghiệm và bài học xương máu của anh sẽ giúp các đồng đội tránh được những tai nạn đáng tiếc.
Anh cũng như những người lính công binh và các cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn Công binh 239 đều dư quyết tâm bắt sống “tử thần,” loại trừ hiểm họa hằng ngày đối với người dân. Song họ rất ý thức sự nguy hiểm của bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đang nằm lẩn khuất trong lòng đất.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504) mới đây đã cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn sau chiến tranh.
Theo ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm hơn 6,1 triệu ha, chiếm hơn 18% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm trên 40.000 người tử vong, trên 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Từ sau khi chiến tranh kết thúc đến nay, cả nước có trên 2.000 cán bộ, chiến sỹ Công binh hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn.
Vào tháng 11/2020, vụ nổ đầu đạn đã khiến hai chiến sỹ thương vong khi tìm cách hóa giải “thần chết” dưới lòng đất ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Thượng tá Phạm Văn Huỳnh, Phó đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 239 (Bộ Tư lệnh Công binh), cho biết vẫn biết bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là nguy hiểm tiềm ẩn, công tác rà phá là trực tiếp đối mặt hiểm nguy đó. Song nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ gây đau thương cho người dân.
Vì vậy, thực hiện Chương trình Quốc gia Khắc phục Hậu quả Bom mìn Giai đoạn 2010-2025, Lữ đoàn Công binh 239 đã thành lập các đội rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn với diện tích hàng ngàn héc ta trên các công trình trọng điểm quốc gia như Công trình đường Hồ Chí Minh, đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc Nam, Dự án mở rộng quỹ đất canh tác cho nhân dân khu vực biên giới phía Bắc kết hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ…
Theo Thượng tá Phạm Văn Huỳnh, cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 239 luôn quán triệt và xác định rõ nhiệm vụ rà phá bom mìn là nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Công binh thời bình, là thực hiện chủ trương có tính nhân văn, nhân đạo cao của Đảng, Nhà nước nên đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
Tất cả cán bộ, chiến sỹ đều ý thức được mục tiêu là góp phần trả lại đất sạch, bảo đảm an toàn cho nhân dân canh tác, đồng thời góp phần vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trong các khu vực bị ô nhiễm bom mìn để đưa các đồng đội, các bác, các chú, các Anh hùng Liệt sỹ về với gia đình, quê hương, làm vơi đi phần nào nỗi đau mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
“Nhiều vùng “đất chết” do bom đạn chiến tranh còn sót lại nay đã “hồi sinh” tươi cành, xanh lá. Đó cũng là nhờ những đóng góp thầm lặng đầy nguy hiểm của những người lính công binh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn rất nhiều khó khăn trong công tác này. Số lượng bom mìn, đạn dược sót lại rất lớn, rải rác trên diện rộng. Đến nay, đất đai bị ô nhiễm vẫn còn chiếm khoảng 20% diện tích cả nước, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và phát triển bền vững,” Thượng tá Phạm Văn Huỳnh nói./.
Bài 1: Những tiếng nổ sau chiến tranh: Nỗi đau dai dẳng, xé lòng
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống