Sáng chế nông dân máy phun thuốc trừ sâu

 

Máy do ông Phạm Văn Hát (Hải Dương) chế tạo có chiều dài 20 m, bánh xe di chuyển được trên ruộng lầy và lún, đã xuất khẩu sang Australia, Thái Lan.

Chỉ học hết lớp 7, ở tuổi 46 nhưng ông Hát (thôn Kim Đồi, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) sở hữu tới 40 loại máy chuyên phục vụ nông nghiệp, máy phun thuốc trừ sâu là một trong số này. 

Máy được thiết kế có chiều dài 20m, gồm các bộ phận chính như khung thép, hai bánh xe cỡ lớn, bộ điều khiển áp suất để bơm nước lên bình chứa. Hai bánh xe có thể giúp máy dễ dàng di chuyển trên mọi địa hình đất ruộng lầy và lún. Đặc biệt, máy được trang bị dàn phun hai bên dài 20m và máy nổ nên có thể di chuyển như công nông, có thể chạy phun trên những cánh đồng mẫu lớn.

Khi phun thuốc, người dân chỉ cần vặn van mở dàn phun, sử dụng máy áp suất hút nước trong bình chứa để phun thuốc ra.Chỉ trong 10 phút, máy phun được một mẫu ruộng, thay thế sức lao động của khoảng 50 người. Ông cho biết, sở dĩ thiết kế chiếc máy này cũng vì xuất thân là nông dân nên hiểu những khó khăn của nhà nông gặp phải trong quá trình canh tác. "Những chiếc máy tôi chế tạo đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn", ông nói.

Ông Phạm Văn Hát bên chiếc máy phun thuốc trừ sâu.
Ông Phạm Văn Hát bên chiếc máy phun thuốc trừ sâu. (Ảnh: NX)

Sinh ra trong gia đình nhà nông điều kiện kinh tế hạn chế, ông Hát phải nghỉ học đi làm thuê ở xưởng cơ khí trên thành phố từ năm lớp 7 để phụ giúp bố mẹ. Ở xưởng, ông được phân công tìm hiểu cơ chế hoạt động và sửa chữa máy nổ. Có chút kiến thức, năm 2001 ông trở về quê để mở xưởng cơ khí riêng nhưng không thành. Sau đó, năm 2007 vợ chồng ông Hát quyết định thuê ba hécta để mở trang trại trồng rau an toàn. Hồi đó khái niệm "rau hữu cơ", "rau an toàn" chưa được nhiều người quan tâm, nên đầu ra sản phẩm không ổn định. Thất bại lần nữa đã đẩy gia đình ông vào cảnh nợ nần. 

Quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân liên tiếp thất bại, ông Hát vay 200 triệu đồng để đến Israel lao động một phần để trả nợ và học hỏi kinh nghiệm trồng rau an toàn. Mặc dù tại đây áp dụng nhiều máy móc hiện đại nhưng nông dân vẫn phải làm thủ công ở nhiều khâu nhỏ lẻ. Có kiến thức về cơ khí, ông Hát mạnh dạn đề xuất với chủ trang trại một số cải tiến kỹ thuật nông cụ để giảm sức lao động, tăng năng suất. Người chủ đồng ý và sau 6 tháng ông chế tạo chiếc máy rải phân trên gốc cây. Bất ngờ hơn khi máy được nhiều trang trại khác đặt mua. "Nhờ đó, tôi có thêm một khoản tiền để tích góp trả nợ", ông Hát cho biết.

Ông còn tạo ra các sản phẩm khác giúp ích trang trại như máy cắt rau và vệ sinh luống rau, nên người chủ Israel ngày càng tin tưởng và muốn giữ ông ở lại. Ông từ chối lời mời, quay về Việt Nam với mong muốn giúp ích cho gia đình và bà con. Năm 2012 ông về nước và dùng số tiền tích lũy mở xưởng cơ khí.

Năm 2015, trong một lần người bạn nông đến nhà chơi, trăn trở về việc sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất canh tác vì không đủ nhân công và thời gian để phun thuốc sâu cho kịp vụ mùa. Trước đó, ông Hát cũng được nghe nhiều nhà nông chia sẻ về chi phí thuê nhân công phun thuốc do diện tích đất ruộng lớn, có nhà canh tác đến 60 mẫu ruộng. Sau đó ông lên ý tưởng và nghiên cứu chế tạo máy phun thuốc sâu. 

Năm 2016, chiếc máy phun thuốc sâu đầu tiên của ông Hát được đưa xuống cánh đồng chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, ngay khi cho máy vận hành, máy bị lật do cấu tạo bánh xe không phù hợp trên địa hình cánh đồng trũng và lún, áp suất không đủ mạnh để hút nước lên bình chứa. Kiên trì cải tiến, trải qua bốn đời máy thử nghiệm, cuối năm 2017, máy phun thuốc sâu đã được ông chế tạo thành công, phục vụ cho phun lúa và cây hoa màu. "Tính năng ưu việt của máy là thay thế nhân công, giảm thiểu chi phí và tiết kiệm thời gian, kịp vụ mùa cho bà con nông dân", ông Hát cho biết. 

Giá một chiếc máy dao động 60-80 triệu đồng tùy thuộc vào kích thước và chất liệu máy. Chỉ sau hai năm bán ra thị trường, hiện nay sản phẩm không chỉ được nông dân các tỉnh miền Trung, Nam Bộ đặt mua mà còn nhận được sự quan tâm của nhiều nước như Australia, Thái Lan, Lào. Nhiều người cũng muốn mua bản quyền chiếc máy nhưng ông không bán, bởi ông cho rằng, nếu bán bản quyền cho người khác và họ nâng giá lên, người nông dân sẽ là người chịu thiệt đầu tiên. "Vì mục đích phục vụ cho nhà nông nên tôi sẽ cố gắng cải tiến, hạ giá thành sản phẩm, để sản phẩm đến tay nhiều người tiêu dùng", ông Hát nói.

Là khách hàng đặt từ miền Nam ra đặt máy, anh Sơn Vinh cho biết, gia đình có gần 60 mẫu ruộng, mỗi khi đến mùa phun thuốc sâu, giá thuê nhân công mỗi vụ là 30-35 triệu đồng. "Không những thế, việc thuê người phun thuốc bây giờ rất khó khăn một phần vì ảnh hưởng tới sức khỏe, nên tôi muốn đầu tư một chiếc máy phun thuốc trừ sâu phục vụ về lâu dài", anh Vinh nói.

Hiện ông Hát đang dự định chế tạo thêm máy trồng hành, bỏ khóm mạ, tách rẽ ngô, phục vụ nhu cầu người nông dân. Với những sáng chế hữu ích, ông Phạm Văn Hát được nhận danh hiệu Huân chương lao động hạng ba năm 2015; Bằng khen của Trung ương Hội nông dân năm 2014; Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống