Thứ phát hiện tiếng nổ tàu Titan là gì?
Một trong những câu hỏi chưa có lời giải trong vụ việc tàu Titan gặp nạn đó là quân đội Mỹ đã nghe thấy tiếng nổ từ trước, nhưng không hề công khai điều này.
Công chúng đã đặt câu hỏi vì sao điều quan trọng như vậy lại bị giấu kín, khi rõ ràng việc công bố phát hiện âm thanh vụ nổ sẽ giúp tình hình được sáng tỏ sớm hơn.
Theo Wall Street Journal, câu trả lời là bởi có những bí mật về năng lực dưới nước mà chính phủ Mỹ coi là tối mật, không thể hé lộ ra ngoài. Nói cách khác, các quan chức Mỹ không muốn tiết lộ làm cách nào mà họ có thể nghe thấy tiếng nổ của tàu Titan từ độ sâu đến hàng nghìn mét, một điều không tưởng.
Trong tất cả các loại bí mật quốc gia mà chính phủ Mỹ lưu giữ, ít có thứ nào được bảo vệ chặt chẽ như cách quân đội sử dụng công nghệ âm thanh tinh vi để theo dõi đối thủ đang hoạt động ở độ sâu hàng nghìn mét dưới biển.
Điều thúc đẩy Mỹ phát triển những năng lực này đến từ hàng thập kỷ căng thẳng trong thời kỳ chiến tranh lạnh và những lo ngại về các tàu ngầm đối thủ có khả năng hạt nhân. Theo WSJ, những vấn đề ngày nay cũng đưa ra lời nhắc nhở về tầm quan trọng của các hệ thống ngầm dưới đại dương.
Brynn Tannehill, nhà phân tích kỹ thuật cao cấp tại RAND, cho biết: “Bất cứ điều gì liên quan đến bộ ba hạt nhân đều là siêu bí mật,” đề cập đến khái niệm chiến lược về vũ khí hạt nhân được triển khai từ đất liền, trên biển và trên không. “Bất cứ điều gì liên quan đến khả năng cảm biến của Mỹ cũng là siêu bí mật”.
Một trong những hệ thống đó – mà cho đến nay vẫn được giấu tên - nghe thấy thứ mà các quan chức cho rằng có thể là vụ nổ của tàu lặn Titan chỉ vài giờ sau khi phương tiện bắt đầu hành trình tới xác tàu Titanic.
Các quan chức cho biết Hải quân Mỹ đã báo cáo phát hiện của mình cho chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển ngay lập tức. Mặc dù Hải quân không thể khẳng định chắc chắn âm thanh đó phát ra từ tàu Titan, nhưng phát hiện này đã giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm chiếc tàu bị mất tích trước khi mảnh vỡ được phát hiện sau đó.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển năng lực giám sát dưới nước đã có từ hơn một thế kỷ trước. Sonar, sử dụng sóng âm thanh để phát hiện và định vị các vật thể, đã được người Anh và các nước khác sử dụng trong Thế chiến I để phát hiện tàu ngầm.
Trong Thế chiến II, Mỹ đã phát triển các hệ thống sonar tầm xa nhằm phát hiện tàu U-boat của Đức ở Đại Tây Dương.
Công nghệ siêu bí mật
Vào buổi đầu của Chiến tranh Lạnh, Mỹ bắt đầu nghiên cứu hệ thống mà sau này được gọi là Hệ thống Giám sát Âm thanh, hay SOSUS.
Được phát triển để phát hiện các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô, SOSUS dựa trên một mạng lưới các thiết bị nghe gọi dưới nước được cố định dưới đáy biển.
Ngay cả tên của chương trình cũng được giữ bí mật cho đến mãi sau này. Vị trí và tính năng của các ống nghe này vẫn còn là bí mật cho đến ngày nay.
SOSUS từng được sử dụng để tìm các con tàu bị đắm trước đây, bao gồm USS Thresher, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bị chìm năm 1963 trong các cuộc thử nghiệm lặn ngoài khơi Cape Cod, Mass.
Tannehill, nhà phân tích của RAND, cho biết hệ thống này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay và có khả năng chính nó đã phát hiện ra những tiếng động do vụ nổ của Titan tạo ra.
Ngoài ra, có thể có các phương pháp phát hiện khác cũng đã hỗ trợ việc tìm kiếm. Dù là bằng phương thức nào, sẽ còn lâu nữa chính phủ Mỹ mới tiết lộ bí mật của mình.
Tannehill nói: “Ngay khi nhắc đến những hệ thống tác chiến chống tàu ngầm và tàu thuyền ở Bắc Đại Tây Dương, bạn ngay lập tức được nhắc rằng chúng là thông tin tuyệt mật”.
“Vì vậy, nếu hải quân Mỹ đã không muốn tiết lộ thì sẽ không có gì được giải mã trong thời gian tới nếu không có lệnh của tổng thống”, chuyên gia nhấn mạnh,
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống