Đánh giá Garmin Fenix 8: chỉ thông minh hơn chút

 

Dòng sản phẩm Garmin Fenix 8

Trước đây, sự phân chia giữa đồng hồ thông minh và đồng hồ đa môn thể thao rất rõ ràng. Một bên là các sản phẩm như Apple Watch, Fitbits và Galaxy Watch, nổi bật với màn hình sắc nét, trợ lý giọng nói và hàng loạt ứng dụng bên thứ ba. Bên kia, Garmin lại gây ấn tượng với những chiếc đồng hồ chắc chắn, khả năng theo dõi vượt trội và thời lượng pin ấn tượng.

Bên trái là Garmin Fenix 8, bên phải là Apple Watch Ultra

Tuy nhiên, ranh giới giữa hai loại sản phẩm này đang dần trở nên mờ nhạt. Những chiếc Apple Watch Ultra và Galaxy Watch Ultra đã học hỏi nhiều từ Garmin, nhưng giờ đây, Garmin không chỉ đứng nhìn. Với sự ra mắt của Fenix 8, có giá bán tại Việt Nam gần 27 triệu đồng, Garmin đang phản công quyết liệt. Nếu các đối thủ muốn lấn sân vào lĩnh vực thể dục và sức khỏe, Garmin sẽ không ngần ngại gia tăng độ thông minh cho Fenix 8, khẳng định vị thế của mình trong cuộc chiến giữa công nghệ và thể thao. Sự cạnh tranh này hứa hẹn sẽ mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn phong phú hơn bao giờ hết.

Fenix 8 vừa được nâng cấp với những bổ sung đáng kể, bao gồm loa và micrô, mở ra khả năng tương tác mới cho người dùng. Giờ đây, bạn có thể nhận cuộc gọi ngay từ cổ tay, sử dụng trợ lý giọng nói để đặt bộ hẹn giờ hoặc khởi động hoạt động, cũng như kết nối với trợ lý tích hợp trên điện thoại để thực hiện các truy vấn phức tạp hơn. Nếu người thân của bạn sử dụng ứng dụng Garmin Messenger mới, việc trả lời tin nhắn từ cổ tay cũng trở nên dễ dàng.

Những tính năng mới được cập nhật này được xem là điều tích cực để bắt kịp các đối thủ sử dụng đồng hồ thông minh để theo dõi các hoạt động thể thao, nhưng thực tế cũng cho thấy Fenix 8 chưa thực sự phát huy được thế mạnh nổi bật của Garmin trong lĩnh vực theo dõi thể dục và hoạt động thể thao.

Garmin Fenix 8 thông minh nhưng chưa tới

Fenix 8 được xem là sản phẩm hàng đầu trong dòng đồng hồ thông minh đa dạng của Garmin. Mặc dù thiết kế của nó không cồng kềnh như các mẫu Fenix trước đây, nhưng cũng không mang vẻ ngoài bóng bẩy như dòng Venu hay nhẹ nhàng như Forerunner. Fenix 8 hướng đến những vận động viên chuyên nghiệp, những người tìm kiếm tất cả tính năng tốt nhất mà Garmin cung cấp, và chính vì vậy, nhiều tính năng thông minh đã được tích hợp vào sản phẩm này.

Phần lớn các cải tiến "thông minh" tập trung vào việc bổ sung micrô và loa, cho phép gọi điện từ cổ tay và sử dụng trợ lý giọng nói. Tuy nhiên, một điểm hạn chế lớn của Fenix 8 là việc thiếu hỗ trợ LTE (đồng hồ không hỗ trợ kết nối mạng di động thông qua công nghệ Long - Term Evolution). Điều này có nghĩa là bạn có thể thực hiện và nhận cuộc gọi, nhưng chỉ khi điện thoại vẫn nằm trong phạm vi Bluetooth. Tương tự, việc sử dụng trợ lý giọng nói cũng bị giới hạn nếu điện thoại không ở gần. Dù có thể trả lời tin nhắn, nhưng thực tế lại khiến người dùng phải phụ thuộc vào điện thoại.

Đặc biệt, sự hạn chế này rất rõ ràng khi sử dụng trợ lý giọng nói trên thiết bị. Mặc dù hoạt động khá tốt với các lệnh không yêu cầu kết nối internet, nhưng người dùng vẫn phải trải qua một quá trình không mấy thuận tiện để gửi tin nhắn văn bản, khi mà phải chuyển sang menu khác và kích hoạt trợ lý trên điện thoại. Thực tế, trong nhiều trường hợp, người dùng sẽ chỉ đơn giản là rút điện thoại ra để thực hiện.
Một phần của vấn đề đến từ việc Garmin luôn cố gắng duy trì sự độc lập khỏi nền tảng khác. Mặc dù điều này có thể được coi là tích cực, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc đồng hồ không hoạt động tốt trên điện thoại.

Một ví dụ điển hình cho những hạn chế trong tính năng thông minh của Fenix 8 là Garmin Messenger, ứng dụng được thiết kế để giúp người dùng iOS dễ dàng trả lời tin nhắn từ cổ tay. Trong khi người dùng Android có thể gửi phản hồi nhanh cho tin nhắn văn bản, người dùng iOS lại phụ thuộc vào việc thuyết phục bạn bè và gia đình tải xuống ứng dụng trò chuyện khác. Thực tế, việc này có thể gây không ít khó khăn.

Ứng dụng “Garmin Messenger” trên App Store của iPhone, ảnh chụp màn hình

Theo nguồn The Verge, có khách hàng chia sẻ về hoạt động nhắn tin trên iPhone với đồng hồ Garmin Fenix 8 rằng: tôi đã thử nghiệm bằng cách thuyết phục một người bạn cài đặt ứng dụng. Dù ứng dụng hoạt động, nhưng quá trình sử dụng khá rắc rối: bạn không thể xem nội dung tin nhắn một cách dễ dàng, các phản hồi soạn sẵn bị hạn chế khi Garmin đã đưa bàn phím T9 trở lại, điều này khiến trải nghiệm trở nên kém thân thiện. Cuối cùng, khi tôi hỏi cô ấy có bao giờ sử dụng Garmin Messenger để liên lạc với tôi không, cô trả lời: "Chỉ khi tôi phải làm vậy thôi." Sau đó, cô ấy trả lời thêm: "Ngoài ra, tôi có thể xóa ứng dụng ngay bây giờ không?".

Một phần lớn những khó khăn này sẽ được giải quyết nếu Fenix 8 hỗ trợ kết nối di động. Điều này không chỉ cải thiện tính năng giao tiếp mà còn nâng cao các công cụ an toàn hiện có của Garmin. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất đồng hồ thông minh bên thứ ba đều ngần ngại cung cấp tùy chọn LTE do những phức tạp liên quan đến việc làm việc với các nhà mạng. Fossil đã mất nhiều thời gian để triển khai tùy chọn LTE, và sau đó chỉ hợp tác với một nhà mạng duy nhất trước khi ngừng sản xuất đồng hồ thông minh hoàn toàn. Mặc dù Garmin đã có tùy chọn LTE cho đồng hồ Forerunner 945 và thiết bị theo dõi trẻ em Bounce, nhưng những lựa chọn này yêu cầu đăng ký riêng và chỉ giới hạn ở các tính năng an toàn.

Sự củng cố may mắn

Fenix 8 đã giúp đơn giản hóa sự lựa chọn của khách hàng ở phân khúc cao cấp bằng cách kết hợp dòng sản phẩm Fenix và Epix.

Epix thế hệ thứ hai, ra mắt vào năm 2022, về cơ bản là một phiên bản Fenix với màn hình OLED. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi Garmin có hai sản phẩm cao cấp rất giống nhau, với sự khác biệt chính nằm ở màn hình: MIP (Memory-in-Pixel) trên Fenix và OLED trên Epix Pro. Mặc dù phiên bản MIP có thời lượng pin tốt hơn, màn hình OLED lại mang đến khả năng hiển thị nổi bật hơn trong môi trường trong nhà, khiến nó trở thành lựa chọn rõ ràng cho các vận động viên, nhưng lại gây khó khăn cho những người khác.

Với Fenix 8, người dùng có thể lựa chọn giữa MIP và OLED. Tuy nhiên, một nhược điểm nhỏ là những người có cổ tay nhỏ chỉ có thể chọn màn hình OLED, vì phiên bản MIP chỉ có kích thước 47mm và 51mm. Điều này có thể gây khó chịu cho những vận động viên sở hữu cổ tay nhỏ nhưng muốn trải nghiệm thời lượng pin ấn tượng từ màn hình MIP.

Có khách hàng chia sẻ “Tôi đã trải nghiệm được 9 đến 11 ngày với chiếc Fenix 7S Pro 42mm, trong khi chiếc Fenix 8 OLED 43mm của tôi chỉ cho thời gian sử dụng khoảng 8 đến 9 ngày khi tắt màn hình luôn bật. Thời gian này giảm xuống còn khoảng bốn ngày khi bật màn hình”.

Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm khả năng hiển thị tốt trong nhà, tôi khuyên bạn nên chọn màn hình OLED. Ngược lại, nếu bạn thường xuyên đi bộ đường dài dưới ánh nắng mặt trời, màn hình MIP sẽ là lựa chọn lý tưởng.

Dù còn một số điểm cần cải thiện, việc hợp nhất các dòng sản phẩm trong Fenix 8 là một bước đi mới mẻ. Hy vọng Garmin sẽ tiếp tục cải tiến thêm các dòng sản phẩm đồng hồ thông minh khác của mình.

Tăng giá quá cao so với thế hệ tiền nhiệm

Mặc dù Fenix 8 có một số nâng cấp, nhưng nó chỉ cải thiện một chút ở vai trò đồng hồ thông minh. Vẫn là một thiết bị tập luyện xuất sắc với thời lượng pin vượt trội so với các mẫu Apple và Samsung, nhưng khó có thể tin rằng người dùng sẽ từ bỏ mức giá tăng cao tới 350 đô la (khoảng 8,5 triệu đồng) so với thế hệ tiền nhiệm Fenix 7 chỉ để có thể tương tác với trợ lý giọng nói hoặc thực hiện cuộc gọi từ cổ tay.

Được biết, Fenix 8 chính thức bán ra vào ngày 09/09/2024 tại Cửa hàng trực tuyến Garmin.com.vn, Cửa hàng Thương hiệu Garmin tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, Nghệ An, Vũng Tàu, Bình Dương cũng như các chuỗi bán lẻ và đại lý ủy quyền của Garmin trên toàn quốc.

Phiên bản Fenix 8 AMOLED có sẵn 3 tùy chọn 43mm, 47mm và 51mm với bán lẻ đề xuất:

Fenix 8: từ 26,990,000 VNĐ

Fenix E: 20,990,000 VNĐ

Phiên bản Solar sẽ được ra mắt tại Việt Nam vào tháng 10/2024.

Đây không phải là một mức tăng nhỏ từ 50 đến 100 đô la mà người tiêu dùng có thể chấp nhận trong bối cảnh lạm phát. Với mức giá này, bạn có thể mua một chiếc máy tính xách tay. Trong khi đó, Apple Watch Ultra 2 có giá khoảng 19,5 triệu đồng và Galaxy Watch Ultra khoảng 16 triệu đồng, cả hai đều hỗ trợ LTE. Bên cạnh đó, Garmin cũng có nhiều lựa chọn khác rẻ hơn như chiếc Forerunner 265 có giá khoảng 11 triệu đồng hoặc các mẫu Fenix 7 Pro và Epix Pro.

Những người sử dụng đồng hồ Fenix chủ yếu là vận động viên ba môn phối hợp, siêu marathon hay những người đủ điều kiện tham gia Giải chạy marathon Boston với thời gian chạy dưới ba giờ. Họ chọn Fenix vì cần một thiết bị theo dõi có thời gian pin dài, độ chính xác GPS tuyệt vời, chương trình đào tạo chuyên sâu và bản đồ để chinh phục các cung đường mòn. Những tính năng này là lý do khiến họ từ bỏ Apple hay Samsung, nhưng với Fenix 8 thì không có nhiều cải tiến đáng kể để họ phải bỏ thêm tiền để nhận thêm tính năng thông minh chưa tới mức so với các sản phẩm cũ.

Có lẽ, Garmin đã đi đúng hướng khi cải thiện các tính năng thông minh. Trong bối cảnh không còn nhiều thứ để nâng cấp về thể dục, việc làm cho đồng hồ trở nên hữu ích hơn ngoài tập luyện là hợp lý. Tuy nhiên, rõ ràng Garmin vẫn cần phải bắt kịp với thị trường, và quá trình này sẽ không diễn ra nhanh chóng. Mặc dù Fenix 8 đang đi đúng hướng, nhưng nó vẫn chưa đạt được giá trị và khả năng thực hiện mà người dùng mong đợi.

Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống