Theo The Wired, râu được lấy từ loài bướm đêm tên Manduca sexta. Nhóm nghiên cứu của Melanie Anderson từ Đại học Washington gây mê lạnh cho một con rồi lấy râu ra khỏi cơ thể nó.
Kế đó, Anderson cắt hai đầu sợi râu và gắn mỗi đầu vào một sợi dây nhỏ, nối vào một mạch điện. Kết quả, mối nối giữa vật liệu tự nhiên và vật liệu công nghiệp tạo nên một cảm biến mùi hiệu quả.
Trong một thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đặt nhiều loại cảm biến cuối đường gió. Khi hương hoa hoặc mùi etanol bay xuống đường hầm, bộ cảm biến có gắn râu bướm phản ứng nhanh hơn những loại khác.
Đưa vào máy bay kích thước nhỏ bước đầu cũng đã cho thấy thành công. Máy bay có thể tự di chuyển về nguồn phát ra mùi, có thể vượt qua vật cản để hướng về mục tiêu.
"Bằng cách dùng một sợi râu bướm thật, chúng tôi có thể tận dụng tối đa cả hai thế giới: độ nhạy của một sinh vật sinh học trên một nền tảng robot. Chúng tôi có thể kiểm soát chuyển động và hiệu quả sản phẩm của mình", Anderson nói.
Theo nhóm nghiên cứu, râu chỉ hoạt động về mặt sinh học và hóa học trong tối đa bốn giờ sau khi được lấy ra khỏi một con bướm đêm sống. Dù vậy, nhóm cho biết điều này có thể được kéo dài khi bảo quản trong nhiệt độ lạnh phù hợp.
Mẫu máy bay có gắn râu của bướm ở trên. Ảnh: THE WIRED
Khứu giác rất quan trọng với những loài bướm đêm. Bướm dùng đôi râu lông để đánh hơi hương hoa, tìm bạn tình và phán đoán nguy hiểm rình rập…
Nhờ khứu giác, bướm đêm đạt được độ nhạy cảm khá cao. Chỉ một phân tử mùi trong không khí ở gần bướm cũng nhanh chóng kích hoạt một loạt phản ứng tế bào trong cơ thể chúng.
Nhóm cho biết máy bay có thể hữu ích trong việc phát hiện các mùi trong những không gian khó tiếp cận. Chẳng hạn, máy bay sẽ truy tìm dấu hiệu của hóa chất, một vụ nổ tiềm ẩn hay những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Theo Tạp chí Điện tử
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống