Cú phản ứng “nhanh như điện” của bạn đọc
Vào năm 2000 trong làng báo chí Việt Nam đã không còn ấn phẩm nào mang tên Tin tức buổi chiều. Bởi vì tờ nhật báo duy nhất xuất bản vào buổi chiều ở Việt Nam đã được sáp nhập với Tuần Tin tức từ đầu năm 1999 để cho ra đời tờ Tin tức, theo quyết định của Ban lãnh đạo TTXVN. Tuy nhiên, ấn phẩm hằng ngày của Tin tức vẫn được phát hành vào buổi chiều, giống như tờ Tin tức buổi chiều.
Lúc đó, tôi mới về nước sau nhiệm kỳ thường trú lần thứ nhất tại Liên bang Nga và được phân công về Phòng Văn hóa – Xã hội của báo Tin Tức,
Một buổi sáng tháng bảy, tôi nhận được bài viết của một cộng tác viên ở tỉnh Thái Bình. Câu chuyện kể về em Nguyễn Thị Hương. Em Hương có hoàn cảnh gia đình rất éo le – bố, mẹ đều ốm yếu, không có việc làm ổn định, hai anh em hằng ngày đi bán nước dạo ở bến xe khách của thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình). Vượt lên số phận, Hương và anh trai đều chăm học và học khá.
Người anh trai đang học ở Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, còn Hương đạt điểm chuẩn vào Trường Cao đẳng Bách khoa và vài trường chuyên nghiệp khác. Tuy nhiên, gia đình không thể cáng đáng việc học hành của cả hai anh em cùng một lúc. Hương sẽ không về Hà Nội làm sinh viên mà tiếp tục “học trường đời” ở Bến xe Thái Bình.
Tôi gọi điện trao đổi với cộng tác viên, tìm hiểu thêm thông tin về Hương và gia đình, viết bài báo với tiêu đề “Từ chối” giảng đường dù đỗ nhiều trường”. Nộp bài cho anh Trưởng phòng, tôi có chút ngậm ngùi về hoàn cảnh của em Hương. Tuy nhiên, tôi thực sự không đặt nhiều kỳ vọng về tác động của bài viết. Vào thời điểm đó trên cả nước có nhiều em gặp hoàn cảnh tương tự Hương.
Quá trưa, chưa đến giờ làm việc buổi chiều, tôi nhận được cú điện thoại từ Phòng thường trực – có người chờ ở cổng cơ quan. Hóa ra, bài báo về em Hương đã được đăng và sau hơn 30 phút kể từ khi tờ Tin tức của ngày hôm ấy được phát hành, có một bạn đọc tìm gặp phóng viên.
Chị Thu Hạnh (xin phép đượi gọi nhà hảo tâm bằng cái tên này) là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm thủ công – mỹ nghệ, nhà ở phố Bà Triệu (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chị Hạnh nói ngắn gọn: “Tôi đã đọc bài bào về em Hương và muốn hỗ trợ em cho đến khi tốt nghiệp cao đẳng và liên thông lên đại học. Học phí và mọi chi phí sinh hoạt trong 3 đến 5 năm tôi xin phép được đảm nhận”.
Sáu đó là những ngày bận rộn nhưng rất vui đối với tôi. Tôi về Thái Bình gặp cộng tác viên, tìm đến gia đình em Hương và chính quyền địa phương để trao đổi, làm các thủ tục cần thiết. Rồi tôi đưa em Hương đến gặp chị Hạnh, đến Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để làm thủ tục nhập học. Đáng mừng là lãnh đạo nhà trường thấy hoàn cảnh em Hương khó khăn, cảm động trước sự nhiệt tình của bạn đọc báo Tin tức, nên quyết định miễn hoàn toàn học phí cho em Hương.
Em Hương được chị Hạnh đón về nhà, được đối xử như con cháu trong gia đình để yên tâm học hành.
Tiếp theo chị Hạnh là anh Văn Cường (giám đốc một xưởng cơ khí ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) và một số bạn đọc khác cũng có thiện chí giúp đỡ em Hương. Sau khi trao đổi, em Hương, chị Hạnh, anh Cường và tôi đi đến thống nhất: Chị Hạnh đỡ đầu em Hương, anh Cường hỗ trợ anh trai của Hương còn tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm khác thì dành cho rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền đất nước.
Tấm lòng nhân ái của chị Hạnh, anh Cường và những bạn đọc khác của báo Tin tức đã làm cho tôi có cái nhìn tươi mới hơn về cuộc sống vốn còn nhiều gập ghềnh, khó khăn lúc bấy giờ và khiến tôi càng yêu thêm nghề cầm bút.
Ngôi nhà tình thương đầu tiên ở Ninh Bình
Rời báo Tin tức vào cuối năm 2000 để làm Trưởng Phân xã TTXVN tại tỉnh Ninh Bình (nay gọi là Trưởng Cơ quan đại diện), tôi mang theo quan niệm “cho đi là nhận lại” theo gương của những chị Hạnh, anh Cường.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống