Đời ly kỳ của 'nữ hoàng truyện trinh thám' Agatha Christie

 

Agatha Christie có tên trong danh sách "10 tác giả nổi tiếng nhất mọi thời" do Discover Walks đăng hôm 13/3. Bà là một trong những nhà văn quan trọng và sáng tạo nhất của thể loại tiểu thuyết trinh thám.

Christie (1890-1976) có hơn 80 tác phẩm trong sự nghiệp. Theo Sách kỷ lục Guinness thế giới, bà là nhà văn có tác phẩm trinh thám bán chạy nhất mọi thời, đứng thứ hai nếu tính các thể loại khác, sau William Shakespeare. Ước tính có khoảng một tỷ bản in bằng tiếng Anh và một tỷ bản bằng 103 ngôn ngữ những tác phẩm của Christie được bán ra. Năm 2008, UNESCO công nhận Christie là tác giả được dịch nhiều nhất thế giới.

Vở kịch The Mousetrap (Cái bẫy chuột) của bà lập kỷ lục tác phẩm được công diễn lâu nhất trong lịch sử sân khấu London. Kịch ra mắt lần đầu năm 1952, đến nay diễn hơn 30.000 buổi. Năm 1955, bà trở thành tác giả đầu tiên nhận giải Grand Master Award của Hội nhà văn trinh thám Mỹ. Đa phần các tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình hoặc trò chơi điện tử. Barry Forshaw - biên tập cuốn Từ điển văn học trinh thám Anh, nhận định Christie hấp dẫn độc giả mọi tầng lớp bởi ngôn ngữ đơn giản, kết cấu truyện chặt chẽ.

Cuốn And then there were none (tựa Việt: Mười người da đen nhỏ là một trong những cuốn nổi tiếng nhất của Christie. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Cuốn "And then there were none" (tựa Việt: Mười người da đen nhỏ" là một trong những cuốn nổi tiếng nhất của Christie. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Cuộc đời Christie trải qua nhiều thăng trầm, trong đó có vụ mất tích 11 ngày. Theo Agatha Christie: an autobiography, Christie trải qua những năm tháng đầu đời hạnh phúc, trong gia đình có bố là nhà đầu tư người Mỹ, mẹ thuộc dòng dõi quý tộc Anh. Bà biết đọc từ năm bốn tuổi, dù không được mẹ cho đi học. 10 tuổi, bà viết bài thơ đầu tiên The Cow Slip.

11 tuổi, cha Christie qua đời, tài chính gia đình tồi tệ khiến cuộc sống của bà bị đảo lộn. Bà đi học tại trường nữ sinh Miss Guyer nhưng không thích nghi được với môi trường kỷ luật. Sau đó, Christie đến Paris học về piano và thanh nhạc. Tuy nhiên, bà từ bỏ vì cảm thấy thiếu khí chất và tài năng.

18 tuổi, bà viết truyện ngắn đầu tiên The House of Beauty, khi đang nằm trên giường bệnh. Tác phẩm khoảng 6.000 từ, kể sự điên rồ và những giấc mơ - chủ đề khiến bà mê mẩn. Sau đó, bà viết cuốn tiểu thuyết Snow Upon the Desert nhưng bị các nhà xuất bản từ chối.

Agatha Christie vào những năm 1910. Ảnh: Hulton Archive

Agatha Christie vào những năm 1910. Ảnh: Hulton Archive

Christie sớm kết hôn với sĩ quan không quân Archibald. Khi Chiến tranh Thế giới Thứ Nhất nổ ra, chồng đi chiến đấu, bà lăn lộn đủ nghề. Bà làm y tá tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Tòa thị chính, sau đó làm trợ lý cho nhà bào chế thuốc. Công việc cung cấp chất liệu và kiến thức cho các sáng tác sau này của bà, khi nhiều vụ giết người trong tác phẩm được miêu tả thực hiện bằng thuốc độc như thạch tín, ricin và thallium.

Christie viết tiểu thuyết trinh thám đầu tiên - The Mysterious Affair at Styles, từ lời thách thức của chị gái. Nhân vật chính là thám tử Hercule Poirot, sau này xuất hiện trong 30 tiểu thuyết và 50 truyện ngắn của Christie. Bản thảo ban đầu bị sáu nhà xuất bản từ chối, mất 5 năm để ra mắt độc giả - năm 1920. Sau đó, bà thành công với loạt tác phẩm.

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Christie gặp nhiều biến cố đời tư. Tháng 4/1926, mẹ Christie - bà Clarissa Miller - qua đời khiến tác giả rơi vào trạng thái trầm cảm. Tháng 8 cùng năm chồng bà đòi ly dị vì có nhân tình. Ngày 3/12/1926, hai người cãi nhau khi Archibald thông báo ông sẽ đi chơi cuối tuần với bạn bè nhưng không cho vợ đi theo. Tối đó, Christie hôn con gái Rosalind, bảy tuổi, chúc ngủ ngon rồi lái ôtô rời đi, biến mất.

Theo The Times, xe của bà được tìm thấy tại Newlands Corner ở Surrey, trong tình trạng bánh trước bị long ra, bên trong có nhiều quần áo. Các thám tử cho rằng đây là một vụ tự sát, nhà văn đắm mình xuống hồ tên Silent Pool - nơi tương truyền là sâu không thấy đáy.

Theo Yorkshire Evening Post, vụ mất tích của Christie giống những âm mưu trong tiểu thuyết của bà, thu hút sự chú ý của dư luận. Bộ trưởng Nội vụ William Joynson-Hicks gây sức ép với cảnh sát, một tờ báo treo thưởng 100 bảng Anh (tương đương 6.000 bảng Anh vào năm 2021), hơn 1.000 cảnh sát, 15.000 tình nguyện viên và một số máy bay được huy động để tìm kiếm tác giả.

Một tuần sau khi Christie biến mất, cảnh sát cho biết bà để lại ba bức thư, gửi thư ký, anh rể và chồng. Archibald từ chối tiết lộ những gì vợ viết. Thư gửi anh rể nói rằng bà đến một spa ở Yorkshire để nghỉ ngơi và điều trị, còn bức của thư ký chỉ đơn giản là lịch trình làm việc. Một số tin đồn rằng Christie để lại một phong thư niêm phong, chỉ được mở ra nếu thi thể của bà được tìm thấy. Một số người còn nghi ngờ bà đã bị chồng giết. Arthur Conan Doyle, tác giả nổi danh với nhân vật Sherlock Holmes, nhờ một bà đồng tìm kiếm Christie qua tâm linh nhưng không thành.

Ngày 14/12/1926, Christie được tìm thấy ở một spa tại khách sạn Swan Hydropathic ở Yorkshire, giống như bức thư gửi cho anh rể. Tuy nhiên, bà bị mất trí nhớ, không biết mình là ai. Khi nhân viên phục vụ nhận ra gương mặt Christie trên báo, nhà văn khẳng định mình đến từ Nam Phi. Bà cũng không nhận ra chồng và con.

Tự truyện của Christie không đề cập đến vụ mất tích. Trên Western Daily Press, hai bác sĩ khẳng định bà thực sự mất trí nhớ. Nhà viết tiểu sử Andrew Norman tin rằng nhà văn bị trầm cảm, rối loạn tinh thần. Tác giả Jared Cade nhận định Christie lên kế hoạch mất tích để trừng phạt người chồng ngoại tình nhưng "không lường trước được kết quả lại là một bộ phim kịch tính trước công chúng". Theo Chicago Reader, đa phần công chúng phản ứng tiêu cực về sự việc. Họ cho rằng bà âm mưu gài bẫy chồng tội giết người.

Tờ Daily Herald thông báo Christie được tìm thấy. Ảnh: Daily Herald

Tờ Daily Herald thông báo Christie được tìm thấy. Ảnh: Daily Herald

Sau khi trở về nhà, Christie dành thời gian hồi phục sức khỏe. Tháng 10/1928, Christie ly hôn, giành quyền nuôi con. Chồng cũ kết hôn ngay sau đó một tuần. Hồi tưởng về khoảng thời gian đó, tác giả viết trong tự truyện: "Vì vậy, sau bệnh tật là nỗi buồn, sự tuyệt vọng và đau lòng. Không cần phải bận tâm về nó". Năm 1930, bà kết hôn với nhà khảo cổ học Max Mallowan, kém 14 tuổi và sống hạnh phúc đến cuối đời.

Hiểu Nhân

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống