Hồn Nam bộ trong sách 'Đất rừng phương Nam'

 

Dự án điện ảnh Đất rừng phương Nam - chuyển thể từ nguyên tác cùng tên - đang gây chú ý khán giả. Đại diện êkíp kỳ vọng chuyển tải được sự hào hùng lẫn hồn đất, người Nam bộ của tác phẩm gốc lên màn ảnh rộng. Trên VnExpress, nhiều độc giả cho biết sẽ tìm đọc tác phẩm kinh điển.

Bìa sách Đất rừng phương Nam. Ảnh: NXB Kim Đồng

Bìa sách "Đất rừng phương Nam". Ảnh: NXB Kim Đồng

Đoàn Giỏi sinh tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông tham gia kháng chiến từ sớm và năm 1954 tập kết ra Bắc. Quãng thời gian gắn bó với mảnh đất Nam bộ, cùng nỗi hoài hương, khiến Đoàn Giỏi viết nên tác phẩm.

Tác phẩm hấp dẫn độc giả nhiều độ tuổi. Thiếu nhi tìm thấy từ trang viết sự quyến rũ của một môi trường sống độc đáo, khi con người gắn bó mật thiết với đất rừng, sông rạch, mưu sinh bằng những nghề như bắt rắn, lấy mật ong, săn cá sấu, cuộc sống đầy ắp những chia ngọt sẻ bùi. Độc giả trưởng thành lại tìm thấy ở tác phẩm sự đồng cảm với những phận người mong manh, bơ vơ, thất lạc trong chiến tranh. Như cậu bé An phiêu dạt sông nước, đau đáu tâm sự: "Mình như chiếc lá rơi xuống dòng sông, nước trôi tới đâu mình đi tới đó". Những câu chuyện chân thực về nhiều mảnh đời, có vui buồn, có hạnh phúc, bất hạnh đan cài trong một bối cảnh lịch sử: Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

Độc giả nhiều thế hệ sẽ nhớ mãi những nhân vật như cậu bé An, ông già bắt rắn, chú Võ Tòng, dì Tư Béo - những con người phóng khoáng, gan dạ, thật thà, tốt bụng. Họ sẵn sàng đứng lên chiến đấu bảo vệ mảnh đất quê hương.

Trong văn đàn Việt, có thể xem Đoàn Giỏi là một trong những "chủ soái" của dòng văn học sinh thái, môi trường. Từ rất sớm, ngòi bút của ông dấn thân vào một chủ đề thời sự hiện nay: Văn học viết về môi trường để bảo vệ cuộc sống xanh, bảo vệ thiên nhiên.

Nhận xét về Đất rừng phương Nam, nhà văn Anh Đức từng cho biết: "Với một đời văn trên bốn mươi năm, nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại cho đời những dòng đẹp đẽ, đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam bộ thân yêu của Tổ quốc. Văn của nhà văn Đoàn Giỏi vừa mang chất trữ tình lại vừa mang tính chất lạ kỳ, sôi động". Đó là mảnh đất của rừng tràm, rừng đước bạt ngàn, dòng sông mênh mông đầy tôm cá, chiếc xuồng bập bềnh chở những phận người.

Đất và người trong tác phẩm còn được miêu tả bằng một ngôn ngữ sống động, giàu hình ảnh, với cách dùng tính từ, động từ gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Nhà thơ Chế Lan Viên từng khẳng định: "Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ. Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình".

Cố nhà văn Đoàn Giỏi. Ảnh: Hội nhà văn Việt Nam

Nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989). Năm 2001, ông được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với những tác phẩm đậm đà màu sắc Nam bộ. Ảnh: Hội nhà văn Việt Nam

Theo tư liệu, tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi (1925 - 1989) thuộc vào những truyện dài viết nhanh nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại, với thời gian đặt hàng và nộp bản thảo vỏn vẹn bốn tháng. Tác phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng in lần đầu vào tháng 12/1957 với 10 chương. Năm 1966, nhà văn Đoàn Giỏi viết bổ sung thành 20 chương để in lần thứ hai. Người đặt hàng cho Đoàn Giỏi viết tác phẩm này là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có lẽ cũng không ngờ rằng, Đất rừng phương Nam đã trở thành một "tác phẩm vàng" của văn học Việt suốt gần 70 năm qua.

Poster Đất rừng phương Nam bản điện ảnh. Ảnh: Galaxy

Poster "Đất rừng phương Nam" bản điện ảnh. Ảnh: Galaxy

Tính đến 2022, Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản Đất rừng phương Nam 21 lần. Ngoài ra, 20 lần sách được in ở những nhà xuất bản khác. Tác phẩm cũng được dịch ra tiếng Nga, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Trung Quốc.

Năm 1997, phim truyền hình Đất phương Nam gồm 11 tập của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn gây được tiếng vang trong lòng khán giả.

Ca khúc 'Bài ca đất phương Nam' (nhạc: Lư Nhất Vũ, thơ: Lê Giang) do Tô Thanh Phương trình bày
 
 

Ca khúc "Bài ca đất phương Nam" (nhạc: Lư Nhất Vũ, thơ: Lê Giang) do Tô Thanh Phương trình bày. Video: TFS

Hà Thanh Vân

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống