Một cảnh trong vở ballet chuyển thể từ tác phẩm kinh điển Anna Karenina. Ảnh: The Washington Post. |
Đoàn múa ballet Joffrey đã công bố tin chuẩn bị diễn vở Anna Karenina - được biên đạo múa Yuri Possokhov chuyển thể từ kiệt tác văn học những năm 1870 của Leo Tolstoy. Tác phẩm này được diễn tại Trung tâm Kennedy từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 4. Tác phẩm này đã được ra mắt lần đầu tại Mỹ năm 2019. Tiếp đó, từ ngày 24 đến 28 tháng 5 tại đây, đoàn ballet Scotland sẽ biểu diễn vở The Crucible do Helen Pickett biên đạo từ vở kịch nổi tiếng của Arthur Miller.
Tại các nơi khác của nước Mỹ, nhiều vở ballet cũng đang được chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Vào tháng 3, vở ballet Summer and Smoke, được biên đạo múa Cathy Marston diễn giải lại từ vở kịch của Tennessee Williams, cũng ra mắt tại Houston Ballet. Vở Like Water for Chocolate, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của Laura Esquivel, cũng có buổi ra mắt tại Costa Mesa, California trong tháng 4 này.
Văn học là nguồn cảm hứng cho ballet
Tất nhiên, văn học đã là một nguồn cảm hứng cho ballet từ rất lâu. Giám đốc nghệ thuật Ashley Wheater của đoàn ballet Joffrey cho biết qua email: “Thế giới khiêu vũ và ballet đã kể những câu chuyện lấy cảm hứng văn học từ lâu: Hồ thiên nga, Công chúa ngủ trong rừng, Giselle, Kẹp hạt dẻ... Và tôi nghĩ ngoài kia còn rất nhiều câu chuyện mà ngôn ngữ khiêu vũ có thể chuyển tải và nói lên nhiều điều về chúng ta”.
Wheater cho biết các vở ballet mới lấy cảm hứng văn học cũng bán vé rất chạy. Anna Karenina là vở có doanh thu cao nhất trong lịch sử của đoàn múa ngoài The Nutcracker. Là một người ham đọc sách, Wheater là nhân tố chính thúc đẩy ra đời vở diễn này. Ông tôn sùng bản gốc của Tolstoy và coi đây là một tác phẩm thể hiện sự suy ngẫm vượt thời gian về những điểm yếu của con người.
Trước đó, ông Wheater từng biểu diễn vở Anna Karenina năm 1979 của biên đạo múa André Prokovsky với phần âm nhạc của Tchaikovsky. Phiên bản đó Wheater tự thấy không đạt yêu cầu. “Nó gần như quá tải. Bạn thực sự không thể hiểu được bản chất của cuốn sách”, ông nhớ lại.
Với tư cách là người đứng đầu đoàn Joffrey, Wheater muốn có một Anna Karenina mới, vì vậy ông tìm đến Possokhov, biên đạo múa của đoàn San Francisco Ballet, người mà ông biết rất đam mê văn học. Possokhov cũng cho rằng cuốn tiểu thuyết của Tolstoy là một trong những cuốn sách ông yêu thích nhất mọi thời đại. Mục tiêu của ông khi chuyển thể Anna Karenina sang ballet là “thoát khỏi những cách tiếp cận lỗi thời và thổi sức sống mới vào câu chuyện”.
Ballet chuyển thể sống động tác phẩm gốc
Đây là một điều không hề dễ dàng vì nội dung tác phẩm gốc vừa phức tạp vừa dài. Ở dạng sách, Anna Karenina dài hơn 800 trang và số lượng nhân vật chính có thể lên tới gần 50 người. Ông Possokhov chia sẻ rằng để chuyển thể tác phẩm văn học thành công, một biên đạo múa cần một nhóm hợp tác “cảm nhận câu chuyện theo cùng một cách”. Và Possokhov đã làm được điều đó và cho ra đời tác phẩm đoàn ballet Joffrey đang trình diễn.
Một cảnh trong vở ballet The Crucible. Ảnh: The Washington Post. |
Giống Possokhov, biên đạo múa Pickett tại Philadelphia cũng đã có một đội ngũ làm việc cùng chí hướng. Trong đó có James Bonas, một đạo diễn có uy tín quốc tế, đã cùng hỗ trợ bà Pickett trong quá trình xử lý câu chuyện và các khía cạnh khác của việc sáng tạo ballet hay nhà soạn nhạc người Anh Peter Salem đã thường xuyên sáng tác nhạc cho các vở ballet chuyển thể này.
Pickett cũng rất tin tưởng vào việc chuyển thể các vở ballet từ văn học, đặc biệt là từ tác phẩm như The Crucible. Trong câu chuyện này, người phụ nữ được tôn vinh khi đã dũng cảm đấu tranh. Bà Pickett bày tỏ: “Tôi muốn người phụ nữ được thể hiện vị thế trong những câu chuyện này, thay vì những người phụ nữ hy sinh vì tình yêu hoặc phải sống cam chịu”.
Christopher Hampson, Giám đốc nghệ thuật của đoàn ballet Scotland cho biết: “Nội dung tác phẩm gốc sẽ được thể hiện rõ ràng và trực quan trong tác phẩm ballet. Khi chuyển thể văn bản, khiêu vũ ‘có thể lấp khoảng trống của từ ngữ, những ý tứ không được thể hiện thành lời và có thể đi sâu vào những tình huống khó khăn mà các nhân vật đang gặp phải”.
Bà Pickett cũng chia sẻ rằng chìa khóa để đưa các câu chuyện văn học sang thế giới ballet là đảm bảo rằng cách kể chuyện rõ ràng và hấp dẫn cho mọi khán giả, những người có thể chưa đọc tác phẩm gốc.
Ballet sẽ tiếp tục lật giở nhiều tiểu thuyết lịch sử kinh điển khác. Cuối năm nay, vở ballet Emma Bovary của Pickett, lấy cảm hứng từ cuốn Bà Bovary của Gustave Flaubert, với phần nhạc của Peter Salem, sẽ được công chiếu lần đầu trên toàn thế giới tại Nhà hát Ballet Quốc gia Canada. Và Joffrey's Wheater nói rằng ông cũng muốn đoàn ballet của mình tiếp tục khám phá những câu chuyện tuyệt vời. “Các chuyển động ballet là một cách chuyển thể từ ngữ tuyệt vời”, ông nhấn mạnh.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống