Ngày thơ trở lại trên cả nước

 

Ở Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp ban quản lý Hoàng thành Thăng Long tổ chức sự kiện từ ngày 3 đến 5/2 (tức 13 đến 15 tháng giêng âm lịch), các hoạt động chính tập trung vào ngày cuối.

Cổng chào Ngày Thơ Việt Nam 2023. Ảnh: Hữu Việt

Cổng chào Ngày Thơ Việt Nam 2023. Ảnh: Hữu Việt

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội - cho biết sự kiện lần đầu chuyển địa điểm từ Văn Miếu Quốc Tử Giám sang Hoàng Thành Thăng Long, với mong muốn lan tỏa tình yêu thơ ở nhiều không gian khác nhau. Thay vì tập trung trong buổi sáng như mọi năm, ban tổ chức sắp xếp các hoạt động suốt ngày rằm (tức 5/2). Cụ thể, lễ khai mạc Đường Sách diễn ra lúc 8h-8h30, tọa đàm Thơ Hiện nay với Hôm nay (9h-11h), Đêm thơ Nguyên Tiêu (19h-21h).

Sân khấu chính mang tên Đàn thơ, dựng trước cửa Đoan Môn, có điểm nhấn là hai tấm pano lớn được thả từ trên xuống, chép bài Nam quốc sơn hàNguyên tiêu (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Không gian cổng chào Ngày Thơ Việt Nam. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Hình ảnh đôi rồng đối diện sân khấu chính. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Ngoài các hoạt động chính ở sân khấu, ban tổ chức dựng màn hình LED trước cổng Đoan Môn, chiếu các đoạn trích tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp các nhà thơ nổi tiếng, những ca khúc phổ nhạc từ thơ được khán giả yêu thích.

Trên khu vực Đường thơ, khán giả sẽ được thưởng lãm 100 câu thơ hay của thi ca Việt Nam viết trên giấy dó, tạo hình thành những chiếc quạt, cánh bướm. Cuối Đường thơ là Nhà ký ức, nơi trưng bày hiện vật đặc biệt của các tác giả tên tuổi qua nhiều thời kỳ, do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. Bên cạnh Nhà ký ức là Quán thơ, nơi nhiều thế hệ người viết giao lưu với công chúng, đọc thơ và trò chuyện về thi ca.

Phối cảnh không gian Nhà ký ức tại Ngày Thơ Việt Nam. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Phối cảnh không gian Nhà ký ức tại Ngày Thơ Việt Nam. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Song song Đường thơ, trên phố Nguyễn Tri Phương, ban tổ chức dựng Đường sách, gồm 40 ki-ốt dành cho các Nhà xuất bản, công ty văn hóa, phát hành sách, nhằm quảng bá văn hóa đọc. Êkíp thực hiện gồm đạo diễn Lê Quý Dương, họa sĩ Phạm Hà Hải, Lê Đình Nguyên.

Năm 2020, Ngày Thơ ở Hà Nội phải hoãn dù đã hoàn tất công tác chuẩn bị. Hai năm tiếp theo, các văn nghệ sĩ đọc thơ online, hưởng ứng sự kiện qua mạng. Ngày Thơ Việt Nam tổ chức lần đầu năm 2003, trở thành sự kiện thường niên diễn ra vào Rằm tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các năm qua, chương trình thu hút hàng đông đảo tác giả và hàng nghìn khán giả trong, ngoài nước.

Hội nhà văn TP HCM cũng tổ chức Ngày Thơ vào ngày 4 và 5/2 tại khuôn viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM (quận 3). Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, trưởng ban tổ chức - cho biết năm nay, sự kiện có quy mô lớn hơn với chủ đề Khát vọng phương Nam.

"Chúng tôi muốn truyền tải ý chí của người dân thành phố và vùng đất phương Nam khi vượt qua các biến cố lớn lao, gần đây nhất là kiên cường chống chọi đại dịch, những khát vọng về một tương lai tươi sáng của TP HCM và đất nước", bà Bích Ngân nói.

Không gian trưng bày ở các lều thơ tại Ngày thơ TP HCM năm 2019. Ảnh: Diễm Mi

Không gian trưng bày ở các lều thơ tại Ngày thơ TP HCM năm 2019. Ảnh: Diễm Mi

Điểm nhấn chương trình là không gian trưng bày với một khinh khí cầu in chữ về Ngày thơ Việt Nam, giúp độc giả nghe thơ, xem thơ và chụp hình lưu niệm. Ban tổ chức cũng dựng một đường thơ, với poster in tác phẩm của các tác giả tiêu biểu, gắn bó vùng đất phương Nam, từ thời cận hiện đại đến hiện đại, như Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tuấn Khải, Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Viễn Phương, Chim Trắng, Trần Quang Long... Ngoài sân khấu chính, sân khấu thơ trẻ là nơi hội ngộ của các tác giả tiềm năng, với chủ đề Góc nhỏ thành phố.

Sáng 4/2 (ngày 14 tháng giêng), tọa đàm Dòng thơ giữa phố sẽ bàn về sức sống thi ca ở đô thị, đề cao giá trị thơ nuôi dưỡng tâm hồn con người giữa không gian thành phố, do nhà thơ Lê Thiếu Nhơn dẫn dắt. Tọa đàm đặt ra các vấn đề: với đặc trưng một thành phố dẫn đầu cả nước về kinh tế, thi ca có vị trí ra sao, các tập thơ đến với công chúng như thế nào trong một đời sống xuất bản sôi động... Cùng ngày, 24 câu lạc bộ sẽ trình diễn văn nghệ, giao lưu thi ca.

Chương trình chính diễn ra sáng 5/2, với sự tham dự của lãnh đạo TP HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM. Hội Nhà văn TP HCM sẽ tổng kết, trao giải cuộc thi bút ký Những hy sinh thầm lặng. Chương trình còn có tiết mục vẽ chân dung tặng các nhà thơ, do họa sĩ Lê Sa Long thực hiện.

Nhật Thu

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống