Tác hại của AI khi giả ảnh 'Giáo hoàng mặc áo phao'

 

Hơn một tuần qua, một bức ảnh về Giáo hoàng Francis gây sốt trên mạng, theo đó, Giáo hoàng mặc áo phao dáng dài, thắt đai ở eo, khác biệt với trang phục truyền thống điển hình của ông. Một số người tưởng bức ảnh là thật, một số khác nhanh chóng phát hiện ra ảnh giả mạo - sản phẩm của trí tuệ nhân tạo AI Midjourney. Vài ngày sau, chủ nhân bức ảnh Pablo Xavier, công nhân xây dựng 31 tuổi ở Chicago, công khai đã tạo ra nó bằng một phần mềm.

Bức ảnh Giáo hoàng Francis mặc áo phao do AI tạo ra đánh lừa nhiều người. Ảnh: Midjourney

Bức ảnh Giáo hoàng Francis mặc áo phao do AI tạo ra đánh lừa nhiều người. Ảnh: Midjourney

Theo CNN, AI càng phát triển, những hình ảnh không có thật ngày càng lại trông giống thật hơn, dẫn tới lo ngại về đạo đức và sự phát triển của ngành thời trang.

Trong cuộc họp tại Vatican hôm 27/3, Giáo hoàng Francis đề cập đến sự xuất hiện của công nghệ AI và kêu gọi các nhà khoa học xem xét tác động của nó đối với con người.

"Tôi tin rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có tiềm năng đóng góp tích cực cho tương lai của nhân loại. Tôi chắc chắn rằng tiềm năng này sẽ chỉ được hiện thực hóa nếu có một cam kết liên tục và nhất quán từ những người phát triển các công nghệ này để hành động có đạo đức và trách nhiệm", ông nói.

Nhà báo Leah Dolan của CNN nhận định: "Nếu mặc quần áo là một hình thức quan trọng thể hiện bản thân, bộ trang phục do AI tạo ra không chỉ làm giảm sức mạnh và thông điệp vốn có của quần áo, mà còn cả quyền tự quyết của một người".

Trong lễ phục của giáo hoàng, mỗi bộ quần áo đều mang ý nghĩa tôn giáo. Màu sắc trang phục được chọn sao cho phù hợp với các lễ kỷ niệm. Do đó, những hình ảnh giả mạo về trang phục của Giáo hoàng có thể gây ra sự xúc phạm, báo động hoặc thậm chí là mất lòng tin trong cộng đồng Công giáo.

Paris Hilton diện áo tank top in slogan trong bức ảnh gốc (phải) và giả do AI tạo ra. Ảnh: FilmMagic

Paris Hilton diện áo tank top in slogan trong bức ảnh gốc (phải) và ảnh giả do AI tạo ra (trái). Ảnh: FilmMagic

Thay đổi trang phục của ai đó bằng kỹ thuật số cũng có thể gây tổn hại lâu dài về mặt uy tín. Leah Dolan cho rằng bằng AI, ai đó có thể đặt một người vào các tình huống bịa đặt mang tính phỉ báng hoặc ác ý. Năm 2021, một bức ảnh đã được chỉnh sửa cho thấy Paris Hilton mặc ba lỗ in dòng chữ Stop Being Poor (Hãy ngừng nghèo hèn). Slogan này khiến nhiều người xem Paris như một người thừa kế hợm hĩnh của tập đoàn Hilton.

Sau đó, ngôi sao đã phải lên tiếng bằng cách tung ảnh thật kèm dòng viết: "Mọi người không nên tin vào những gì mình thấy". Trong ảnh gốc, áo in chữ Stop Being Desperate, được cô mặc trong buổi ra mắt dòng thời trang Chick by Nicky Hilton năm 2005 của em gái tại Las Vegas.

Năm 2018, nhà tương lai học Sophie Hackford của Mỹ đã cảnh báo những tác hại của AI trong ngành thời trang. Ngoài việc dùng trí tuệ nhân tạo để làm giả các thiết kế, sự phát triển của AI có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ, khi ngành công nghiệp thời trang sử dụng AI để tạo ra các mẫu vải, màu sắc và kiểu dáng. Với các thuật toán được AI thúc đẩy, có nguy cơ thời trang sẽ trở nên kém sáng tạo hơn do chỉ nhấn vào yếu tố nhu cầu của khách hàng. Khi AI có khả năng thực hiện công việc của các nhà thiết kế, nhà tiếp thị và các chuyên gia thời trang, nguy cơ một số công việc sẽ biến mất.

Sao Mai

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống