Vợ chồng tiến sĩ bỏ việc, về quê làm nông dân

 

VỢ CHỒNG TIẾN SĨ BỎ VIỆC, VỀ QUÊ LÀM NÔNG DÂN

Sau vài tháng, Chinh từ tiến sĩ trắng trẻo thành anh nông dân đen nhẻm, tóc tai bờm xờm. Chị Duyên, vợ anh, sụt 5 kg nhưng tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ.

“Nay các cô chia làm 2 nhóm. Làm cỏ mấy luống rau xà lách tím và gieo hạt hương nhu cần 2 cô thôi ạ. Nhóm còn lại làm cỏ luống cà rốt vừa thu xong, sau đó bón phân chuồng lên luống gieo các loại cải”.

5h50 sáng, chị Nguyễn Thị Duyên (39 tuổi) gọi điện thoại giao việc cho công nhân ở trang trại. Xong đâu đấy, chị cùng chồng là anh Nguyễn Đức Chinh (40 tuổi) kiểm tra lại một lượt số lượng rau cần cung cấp cho bếp ăn và cửa hàng thực phẩm theo lịch cố định vào thứ hai hàng tuần.

Ăn sáng xong, khoảng 7h, anh chị cho bé Mèo (5 tuổi) dậy để đến nhà trẻ. Đây là buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, cu cậu đang học chữ nên không theo bố mẹ xuống vườn.

Gửi con xong, anh Chinh và chị Duyên chạy xe máy xuống trang trại rau hữu cơ của họ ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội), cách nhà 15 km. Ngày nào cũng vậy, dù nắng nóng hay mưa rét, hai người cũng đi làm.

“Hôm nào mưa to, ngại ra vườn, ở nhà được nửa ngày thì cảm giác chân tay bồn chồn, đầu óc mệt mỏi. Đến trưa trời ngớt, vợ chồng tôi lại đội mưa xuống, không làm gì nhưng cứ đi dọc ngắm rau vẫn thoải mái hơn”, anh Chinh cười nói.

Bỏ việc về trồng rau

Đến trang trại lúc 8h, chị Duyên chạy ngay ra vườn để chụp ảnh rau, đăng lên mạng rao bán. “Lẽ ra phải đăng từ tối qua cho đỡ gấp gáp. Rao sớm để khách đặt, tôi gom đơn rồi chồng đi ship khắp Hà Nội”.

Nói rồi chị xắn quần, tới gần kiểm tra công nhân làm việc và dạo một vòng thăm vườn. Đôi bàn tay thoăn thoắt bắt sâu, bẻ lá già, nhổ cỏ dại như nông dân thực thụ.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 5

Nhìn cánh đồng 2 ha xanh mướt với hàng trăm loại rau củ, khó tưởng tượng rằng 2 năm trước, nơi đây chỉ là bãi đất gần như bị bỏ hoang.

Sau khi thuê lại của 35 hộ dân địa phương, anh Chinh, chị Duyên cùng 2 đồng nghiệp trẻ lập ra trang trại rau hữu cơ GenXanh.

Khi đó, anh Chinh vừa hoàn thành chương trình tiến sĩ công nghệ sinh học ở Nhật Bản, còn chị Duyên có bằng thạc sĩ nông nghiệp tại Australia. Họ đều công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

“Chọn cây rau là vì từ lúc đi học đến đi làm, nghiên cứu đều gắn với nó. Hơn nữa, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm về cây rau luôn nhức nhối. Chúng tôi đặt mục tiêu tạo ra sản phẩm tươi ngon, tinh khiết với giá thành phải chăng để có thể phục vụ nhiều người hơn”, anh Chinh nói.

Tuy nhiên, con đường họ đi không hề dễ dàng.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 8

Suốt 6 tháng đầu mở trang trại, 4 người vừa đi làm ở cơ quan, vừa cải tạo khu đất. Họ tự làm hàng rào, đào mương, xây bể lọc nước, kéo điện, dựng nhà container… để tiết kiệm chi phí.

Bao nhiêu vốn liếng tích cóp đều bỏ vào đây, anh Chinh, chị Duyên không cam tâm khi một năm đầu, tháng nào cũng thua lỗ.

Không thể làm một lúc 2 việc, tháng 8/2020, chị Duyên xin nghỉ ở cơ quan, tập trung trồng rau. Tháng 6/2021, bỏ qua cơ hội thăng tiến, anh Chinh nối gót vợ, trở thành nông dân toàn thời gian.

Dầm mưa dãi nắng nhiều, chị Duyên sụt 5 kg, còn anh Chinh từ trắng trẻo thành đen nhẻm, tóc tai bờm xờm như “người rừng”. Gia đình thông cảm nhưng người ngoài nói anh chị ngược đời, mỉa mai: “Học cho lắm rồi về làm nông dân”.

Đôi khi có chút chạnh lòng nhưng hai người gạt đi hết vì lượng khách dần đông lên và bắt đầu hòa vốn.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 11

Chỉ vào đám rau trước mặt, anh Chinh bảo trồng hữu cơ, rau không thể đều tăm tắp, mười cây như một như dùng thuốc hóa học. Quy trình sản xuất được hình thành dựa trên 3 yếu tố chính là thuận tự nhiên, công nghệ và bản địa.

Họ tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu 5 không (không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng và giống biến đổi gen).

Tất cả khâu làm cỏ, bắt sâu phải làm bằng tay. Luống nào không có cây con thì cắt cỏ bằng máy, sau đó dùng máy cày xới đất lên. Anh Chinh nói quan niệm cỏ dại có hại cho cây trồng chưa chắc đã đúng. Trong điều kiện cho cỏ thấp hơn cây trồng, chúng không cạnh tranh ánh sáng mà còn có tác dụng giữ nước, tránh xói mòn đất, giữ hệ vi sinh vật trong lòng đất.

Anh chị tuyệt đối không đốt cỏ, tránh ô nhiễm môi trường. Cứ thu xong là để trên bờ, phun vi sinh học vào cho đất mủn, một thời gian bốc xuống ruộng sẽ thành phân tự nhiên.

Xa xa ở cuối vườn là nhà ủ phân. Ông bà chủ trang trại dùng trứng ủ với vi sinh vật làm chế phẩm phun cho rau để bổ sung dinh dưỡng. Nhiều cây như cà chua hợp, cứ thế phát triển tươi tốt, cao ngang thân người.

Chợt nhìn thấy con bọ rùa trên búp ổi non, anh Chinh bảo đây là loài thiên địch, giúp xử lý côn trùng có hại. Còn sâu xanh, bướm trắng là địch vì phá hoại rất lớn. Đặc biệt, chúng chỉ ăn rau họ cải, còn như xà lách thì không bao giờ động tới.

Đi dọc luống bắp cải, chẳng mấy chốc, anh Chinh, chị Duyên bắt được cả nắm sâu xanh.

Để hạn chế sâu bệnh hại, họ áp dụng phương pháp đa dạng hóa cây trồng, trồng xen, luân canh, đồng thời tuân theo nguyên tắc mùa nào thức nấy.

Nhớ lại năm ngoái mưa nhiều hơn bình thường, hồi tháng 7-8, anh Chinh, chị Duyên trồng 4-5 lần mà cây không lên, mưa xuống lại chết, phải làm đi làm lại. Có lúc bất lực, nước mắt hòa lẫn vào trong mưa.

Trồng rau thuận tự nhiên là vậy, trái vụ là khó lên và chịu ảnh hưởng rất nhiều của thời tiết.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 17

Bên cạnh yếu tố thuận tự nhiên, anh Chinh từng bước ứng dụng nhiều công nghệ nông nghiệp vào quy trình sản xuất.

Đầu tiên phải kể đến công nghệ vi sinh. Anh cùng đồng sự thu thập, nhân nuôi các chủng vi sinh vật bản địa để nhanh chóng cải tạo đất; sử dụng các chủng vi sinh vật đã được phân lập và thương mại dùng để ủ phân chuồng, đạm cá, đạm trứng; ủ mục tàn dư thực vật và cỏ dại thành phân trả lại cho đất.

Bên cạnh đó, anh Chinh sử dụng công nghệ tưới bón nhỏ giọt tự động để tăng hiệu quả sử dụng nước, giảm cỏ dại, giảm công tưới nước và bón phân.

Nhằm tiết kiệm chi phí, anh tham khảo trên mạng, tự lắp đặt đường ống tưới nhỏ giọt và hệ thống lọc nước. Đây là công nghệ anh học hỏi được trong thời gian tu nghiệp một năm ở Israel.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 20

Đặc điểm của rau hữu cơ là sinh trưởng chậm nên để có thể quay vòng thật nhanh, anh Chinh sử dụng nhà ươm cây giống nhằm rút ngắn thời gian canh tác trên đồng ruộng, từ đó tăng hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm mật độ tối ưu và chủ động cây giống trong điều kiện thời tiết bất thuận.

“Chúng tôi không trồng rau trong nhà kính hoàn toàn vì như vậy vô tình làm hạn chế sự đa dạng sinh học”, anh giải thích.

Ngoài ra, anh Chinh còn có sở thích mày mò, tìm tòi để tự chế máy móc, dụng cụ nhằm tiết kiệm sức lao động. Trong đó phải kể đến khay gieo hạt bán tự động được làm từ gỗ và tấm nhựa.

Trông thì đơn giản nhưng chỉ với vài thao tác trong khoảng 2-3 phút, một khay hạt giống đã được gieo xong. Trong khi đó, máy gieo hạt ngoài thị trường có giá hơn 10 triệu đồng.

“Nhìn thế thôi chứ trong vườn đang có hơn 100 loại rau khác nhau. Mỗi thứ chúng tôi trồng một chút, tùy theo nhu cầu khách hàng”, ông chủ trang trại nói.

Hạnh phúc giản đơn

Kể về quá trình gây dựng trang trại, anh Chinh, chị Duyên nhắc nhiều đến 2 đồng sự trẻ là chị Nguyễn Thị Thanh và anh Trần Văn Luyện.

Gắn bó với GenXanh từ những ngày đầu thành lập nhưng tới tháng 12 năm ngoái, chị Thanh (34 tuổi) mới chính thức nghỉ việc cơ quan để toàn tâm toàn ý trồng rau.

“Chồng tôi ủng hộ vì thấy vợ ngày nào đi làm ở cơ quan về mặt mày cũng ủ rũ. Bố mẹ thì khuyên cứ làm Nhà nước cho ổn định, xuống đây không biết thế nào. Nhưng đây mới là công việc tôi thực sự yêu thích, thấy anh chị quyết tâm quá nên mình cũng theo”.

Mấy ngày nay, anh Luyện không có mặt ở trang trại vì bận việc. Bởi vậy, công việc chính hàng ngày của anh là giao rau được anh Chinh đảm nhận thay.

Hôm nào rau nhiều, anh phải đi 2 chuyến sáng, chiều. Nếu ít hơn thì cố dồn vào một lượt vì đường xa, có khi phải chạy cả trăm km.

Từng túi rau khách đặt được chất đầy lên cáng phía sau xe rồi buộc chặt, còn lại, anh Chinh xếp trước mặt và treo sang 2 bên. Anh luôn xuất phát trước giờ cơm hơn một tiếng để mọi người kịp nhận rau và nấu nướng.

Mấy tuần nay mưa nhiều, con đường đất dẫn vào trang trại lầy lội, dễ trượt ngã. Như mọi khi, chị Duyên ra cổng, nhìn theo xe chồng và chắp tay cầu bình an. Thời gian tới, anh chị cố gắng mua ôtô phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng để việc ship hàng đỡ vất vả.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 23

Hiện tại, GenXanh cung cấp rau cho vài bếp ăn, cửa hàng thực phẩm và khách lẻ. Với họ, trồng rau sạch đã khó, bán được sản phẩm khó hơn. Nhiều khi thu hoạch không hết phải bỏ. Siêu thị cũng không nhập vì mẫu mã không đều, số lượng không ổn định.

“Nhiều bạn bè của tôi từng mở trang trại trồng hữu cơ nhưng được một thời gian chán rồi bỏ vì làm vất vả, khó tiêu thụ”, chị Duyên nói.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, GenXanh được chứng nhận sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11041), mỗi tháng cũng cấp cho thị trường khoảng 3,5-4 tấn với giá bán chỉ bằng một nửa so với nhiều nhà cung cấp khác. Năng suất năm 2021 ước đạt 20-25 tấn/ha/năm - cao gấp đôi năng suất của trang trại năm trước và bằng năng suất của những vùng trồng rau hữu cơ từ lâu.

Không chỉ cung cấp rau sạch ra thị trường, anh Chinh, chị Duyên còn tạo công ăn việc làm cho 8 lao động địa phương, trong đó có người khuyết tật. Họ đều gắn bó ở đây 1-2 năm.

Đang tỉ mẩn dọn cỏ trên luống xà lách, bà Nguyễn Thị Dần (60 tuổi) bảo công việc ở đây ổn định, phù hợp với sức khỏe, tuổi tác của bà. Cứ 6h sáng, bà lại có mặt ở vườn, hái rau, dọn cỏ, gieo hạt… theo như phân công.

Hàng ngày chuyện trò, vui đùa cùng mọi người, bà thấy khỏe ra, nghỉ một hôm là nhớ. Ai cũng quen việc nên bảo ban nhau làm.

“Vợ chồng cháu Chinh và Duyên hiền lành, tử tế, nhiệt tình lắm. Biết các bà vất vả nên rất tâm lý, bảo làm được đến đâu thì làm, nắng nôi cứ vào nghỉ, không phải cố”.

Ngồi kế bên, bà Nguyễn Thị Dậu (65 tuổi) cũng thừa nhận chủ tốt nên khi nào khách hàng có nhu cầu lấy sớm, các bà sẵn sàng đi làm lúc 5h sáng, đội đèn pin lên đầu để cắt rau. Những hôm mưa rét, mọi người vẫn đi làm đều.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 28

Theo thỏa thuận, mỗi ngày công nhân làm 8 tiếng, chia làm 2 buổi sáng, chiều. Tuy nhiên, hôm nào nhỡ việc, họ sẵn sàng làm thêm giờ.

Trong số công nhân, có hai chị em ruột bị câm và điếc. Chị Duyên dặn mọi người khi làm việc thì nhường nhịn vì họ vốn thiệt thòi hơn.

Làm lâu và gắn bó như gia đình nên mỗi khi rau không bán được hết, mọi người đều xót xa. Để tránh lãng phí, những cây được cho là quá tiêu chuẩn họ đều chia nhau mang về ăn.

Người làm cỏ, người xới đất, người hái rau, tiếng cười nói không khi nào ngớt trên cánh đồng.

Gần giờ trưa, sực nhớ ra chiếc bánh sinh nhật mang theo từ nhà, chị Duyên ra vườn bảo công nhân nghỉ tay sớm, mời các cô vào ăn. Dù lao động liên tục vài tiếng, ai nấy đều vui vẻ chuyện trò, không có vẻ mệt nhọc.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 31

Trong ngày nắng hiếm hoi sau chuỗi ngày mưa rét, chú mèo mướp của anh Chinh, chị Duyên đi quanh vườn rình chuột. Ngày trước, họ đau đầu khi ngày nào lũ chuột cũng phá phách, gặm nham nhở giàn dưa chuột. Từ khi nuôi người bạn 4 chân này, vườn không mất quả dưa, củ cà rốt, khoai tây nào.

Ngoài ra, anh chị cũng nuôi thêm vài con gà mái cho vui cửa vui nhà.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 32

Khi công nhân về nghỉ, chị Duyên và chị Thanh tranh thủ lo bữa trưa. Thường ngày, họ chạy ra chợ mua ít thịt về nấu, còn rau luôn sẵn trong vườn. Hôm nào xong việc muộn, họ ăn tạm bát phở, cơm rang ở chợ cách đó vài km.

Căn nhà container 9 m2 vừa là kho tập kết rau, vừa là nơi nấu nướng, ngả lưng. Được làm từ mái tôn nên bên trong hè nóng hầm hập, mưa thì xối xả. Thời điểm TP Hà Nội giãn cách xã hội, cả nhà anh Chinh từng ở đây suốt 3 tháng.

Ngóng anh Chinh đi ship rau chưa về, chị Duyên sốt ruột gọi điện thoại và thở phào khi anh nói đang giao đơn cuối cùng.

Từ khi làm trang trại, anh Chinh bảo không cần chơi thể thao. Hàng ngày đi sớm, về muộn, năng lượng được giải phóng trên đồng.

So với thời đi làm cơ quan, anh vất vả hơn vì chẳng bao giờ hết việc. Thế nhưng, cảm giác thoải mái khi được làm điều mình thích. Hôm nay có thêm người biết tới, rau bán được nhiều hơn một chút, bấy nhiêu cũng đủ để anh cảm thấy hạnh phúc cả ngày.

Vo chong tien si bo pho ve que anh 35

Thời gian tới, vợ chồng anh Chinh, chị Duyên sẽ còn bận rộn hơn khi chuẩn bị mở rộng thêm khu trồng cây ăn quả ngắn ngày.

Với nhiều người, hạnh phúc là được đi đây đi đó, khám phá thế giới. Còn với anh Chinh và chị Duyên, tất cả gói gọn trong mảnh vườn và ước mơ đem rau sạch, giá thành rẻ đến tay mọi người.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống