WHO: Trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh không nhất thiết tiêm mũi vaccine Covid tăng cường

 

Khuyến nghị được WHO đưa ra ngày 28/3, trong bối cảnh toàn cầu đã bước sang một giai đoạn mới của đại dịch, nhiều quốc gia coi Covid như mầm bệnh theo mùa.

Trong thời kỳ này, WHO xác định nhóm dân số có nguy cơ cao là người lớn tuổi, cũng như người trẻ hơn có các yếu tố rủi ro sức khỏe như mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Với nhóm này, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc khuyến nghị nên tiêm nhắc lại từ 6 đến 12 tháng sau lần tiêm chủng cuối cùng.

Trong khi đó, trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm ưu tiên thấp trong việc chủng ngừa. WHO kêu gọi các quốc gia xem xét những yếu tố như gánh nặng bệnh tật trước khi tiêm vaccine cho nhóm này. Trong đại dịch, cơ quan khuyến nghị trẻ 5-12 tuổi và thanh thiếu niên tiêm ít nhất hai liều vaccine Covid.

Hồi tháng 1/2022, bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của WHO, cho rằng không có bằng chứng cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh cần tiêm liều vaccine tăng cường. Theo bà Swaminathan, mục đích của mũi tăng cường là để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Đó là người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch với các bệnh lý tiềm ẩn và nhân viên y tế. Do đó, nhà khoa học trưởng cho rằng không cần thiết phải tiêm mũi ba cho trẻ khỏe mạnh.

Ngoài ra, WHO không khuyến nghị tiêm bổ sung cho những người có nguy cơ trung bình, bởi lợi ích không đáng kể.

Một người được tiêm vaccine Covid-19 tại Waterford, Michigan, Mỹ, tháng 4/2022. Ảnh: Reuters

Một người được tiêm vaccine Covid-19 tại Waterford, Michigan, Mỹ, tháng 4/2022. Ảnh: Reuters

Hiện vaccine nguyên bản và vaccine đã điều chỉnh với biến chủng đều an toàn. Tuy nhiên, các quốc gia nên xem xét về hiệu quả và chi phí khi hoạch định chính sách tiêm phòng. Theo WHO, mục tiêu là tập trung nỗ lực vào việc tiêm chủng cho người yếu thế, dễ chuyển nặng hoặc tử vong nếu mắc Covid-19, xét đến khả năng miễn dịch cộng đồng cao trên toàn cầu.

Cơ quan này nhận định khuyến nghị mới phản ánh bức tranh dịch bệnh hiện tại và mức độ miễn dịch toàn cầu. Tuy nhiên, đây không phải hướng dẫn dài hạn về lịch tiêm liều tăng cường hàng năm.

Hiện các quốc gia có những chính sách tiêm chủng vaccine khác nhau. Nhóm nước phát triển như Anh và Canada đã tiêm liều tăng cường cho người có nguy cơ cao vào đầu năm nay, 6 tháng sau liều cuối cùng. Phần Lan không còn đề xuất tiêm vaccine cho trẻ khỏe mạnh 5-11 tuổi. Trong khi một số quốc gia như Thái Lan triển khai tiêm ngừa cho trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, bằng vaccine Pfizer.

Hanna Nohynek, chủ tịch Ủy ban Chuyên gia Chiến lược của WHO về tiêm chủng, cho biết: "Lộ trình sửa đổi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng". Ủy ban này cũng kêu gọi các nước khẩn cấp nối lại lịch tiêm chủng định kỳ các bệnh thường quy trong đại dịch.

Thục Linh (Theo Reuters)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống