VTV đưa tin, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố đấu tranh, làm rõ nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức kêu gọi từ thiện.
Cảnh báo lừa đảo bằng cách kêu gọi từ thiện trên mạng
Thủ đoạn chung của các đối tượng là lợi dụng lòng thương, sự đồng cảm, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để lừa đảo, trục lợi từ hoạt động từ thiện.
Ngô Trường Thịnh (SN 1993, trú tại phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đã chiếm đoạt của hơn 3.000 người số tiền lên tới hơn 3,6 tỷ đồng.
Hành vi của đối tượng này chỉ bại lộ khi Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện nhiều người chuyển tiền giúp đỡ các trường hợp do Ngô Trường Thịnh đưa lên mạng xã hội.
Công an xác định tất cả các trường hợp đối tượng này kêu gọi giúp đỡ đều không đúng sự thật, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một đối tượng khác là Hoàng Công Trường (SN 1986, trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Kẻ này đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 5,6 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi từ thiện.
Trong vòng hai năm, Hoàng Công Trường đã lên mạng internet tìm kiếm thông tin, tải hình ảnh các trường hợp bệnh tật hiểm nghèo, dễ làm lay động cộng đồng rồi bịa ra hàng trăm chuyện bi đát kèm với hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Bắc Giang, những kẻ lừa đảo dạng này thường đưa các thông tin không có thật về một số hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ hoặc sử dụng chính những thông tin có thật về các hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật… nhằm lợi dụng niềm tin, lòng tốt của mọi người, kêu gọi chuyển tiền ủng hộ vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.
Các đối tượng đăng bài về các cá nhân khác nhau có hoàn cảnh thương tâm, khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật... nhưng số tài khoản và tên chủ tài khoản nhận tiền ủng hộ hảo tâm thì không thay đổi (cùng là một người).
Ngoài ra, các đối tượng viết bài đăng với cùng một nội dung hoàn cảnh, hình ảnh khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật... giống hệt nhau nhưng tên người thân đứng ra nhận tiền ủng hộ lại là hai người khác nhau với số tài khoản và tên tài khoản khác nhau.
Làm thế nào để không bị đối tượng xấu lừa đảo, lợi dụng lòng tốt?
Để phòng tránh bị đối tượng xấu lừa đảo, lợi dụng lòng tốt, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội.
Thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các nội dung thông tin đăng tải hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin.
Các nhà hảo tâm nên lựa chọn ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước đứng ra tổ chức hoặc các tổ chức, cá nhân có uy tín.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống