Samsung đã giới thiệu nhẫn thông minh đầu tiên của mình tại sự kiện diễn ra vào tháng trước, với giá 399 USD (khoảng 10 triệu đồng). Galaxy Ring được đánh giá cao khi nhồi nhét rất nhiều thành phần nhỏ và phức tạp trong một thiết kế nhỏ gọn của sản phẩm, nhưng điều này lại dẫn đến một vấn đề là không thể sửa chữa nếu bị hỏng hoặc pin cạn kiệt.
Theo những phát hiện tại iFixit, Galaxy Ring cũng gặp điều tương tự như một sản phẩm dùng một lần trong trường hợp nó bị hỏng, vỡ hoặc cần thay pin. Điều này giống như tai nghe nhét tai Galaxy Buds3 của Samsung. Công ty đã tiến hành chụp X-quang và tháo rời phụ kiện nhẫn thông minh này, với phương pháp tháo rời dẫn đến kết luận về việc mở thiết bị sẽ gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho các bộ phận bên trong và khung máy, khiến nhẫn hoàn toàn không sử dụng được sau khi nạy mở.
iFixit cũng cảnh báo người dùng rằng pin lithium-ion của Galaxy Ring có chu kỳ ngắn hơn so với các cell trong smartphone. Họ ước tính pin được sử dụng có thể có khoảng 400 chu kỳ sạc, tương tự như hầu hết các nhẫn thông minh như Oura Gen 3. Tuy nhiên, tuổi thọ pin của Galaxy Ring được đánh giá là vài ngày hoặc một tuần trước khi cần sạc. Điều này có nghĩa nó có thể hoạt động trong hơn một năm trước khi cần vứt bỏ.
iFixit cũng phát hiện ra rằng Galaxy Ring sử dụng đầu nối ép để kết nối cuộn cảm ứng và pin với bảng mạch thay vì hàn. Đây là một lựa chọn sản xuất thú vị vì phương pháp này thường được sử dụng trong các thiết bị đeo có kích thước lớn hơn và smartphone để có thể thay thế pin. Mặt khác, việc tháo rời đã chứng minh rằng chiếc nhẫn thông minh này không thể sửa chữa được. Do đó, phương pháp thiết kế này thực sự khó hiểu.
Trong khi các nhà sản xuất tiếp tục cải thiện tính bền vững trên smartphone, tình hình đối với thiết bị đeo dường như lại đi theo hướng ngược lại. Không rõ khi nào chúng ta sẽ thấy những chiếc nhẫn thông minh và smartwatch không bị đưa vào bãi rác như rác thải điện tử sau khi hết thời hạn sử dụng.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống