Thương mại điện tử - một lĩnh vực đang phát triển vượt bậc, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc mua sắm và kinh doanh. Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong năm 2022, thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt giá trị ước lượng là 16,4 tỷ USD. Con số này tương đương với 7,5% tổng doanh thu từ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên toàn quốc. Đặc biệt, với mức tăng trưởng ấn tượng là 20% hàng năm, Việt Nam đã được eMarketer đánh giá là một trong 5 quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Với sức hấp dẫn kể trên, thị trường Việt Nam là "miếng bánh" hấp dẫn, đồng thời là "chiến trường" khắc nghiệt của các tay chơi lớn, bao gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki,... Dẫu vậy, nhiều năm qua, Shopee đã chiếm lĩnh được thị phần áp đảo và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường.
Báo cáo do công ty dữ liệu YouNet ECI cập nhật đến ngày 25/12/2023 cho thấy, tháng 11/2023, 4 sàn thương mại điện tử mang về tổng cộng 31.195 tỷ đồng giá trị giao dịch (GMV) đến từ 405 nghìn nhà bán. Doanh thu tháng 11/2023 tăng 9,3% so với tháng 10.
Trong đó, sàn Shopee tiếp tục độc chiếm ngôi đầu thị phần doanh thu với 72,7% (tương đương 22,674 nghìn tỷ đồng). Theo sau Shopee là TikTok Shop với 17,2% thị trường và Lazada với 9% thị trường.
Shopee là một nền tảng thương mại điện tử được thành lập bởi tập đoàn SEA vào năm 2015, có trụ sở tại Singapore và hoạt động tại Đông Nam Á và Đài Loan. Shopee không chỉ cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến, mà còn kết nối người mua và người bán, hỗ trợ việc kinh doanh trên nền tảng số. Shopee cung cấp nhiều loại sản phẩm khác nhau, như thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện thoại, tivi, xe máy,...
Khi mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam, không chỉ riêng Shopee mà các sàn thương mại điện tử đã phải tham gia vào "cuộc chơi đốt tiền" để có thể tranh giành thị phần và thay đổi thói quen người dùng khi chuyển từ mua sắm tại siêu thị truyền thống hay chợ sang mua hàng online.
Không những phải chạy đua đốt tiền để thay đổi thói quen người dùng, các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện vẫn gặp một trở ngại không nhỏ là chi phí logistics khá cao. Trong một buổi hội thảo do Shark Tank tổ chức, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Đầu tư Thế giới Di động (MWG) từng phân tích về khoản chi phí này giữa doanh nghiệp thương mại truyền thống như Thế giới di động với Tiki, Shopee, Lazada.
Vị doanh nhân này cho biết tỷ lệ chi phí thuê cửa hàng trên doanh thu của Thegioididong.com dưới 2%. Ông Tài bảo đảm con số này rẻ hơn chi phí logistics của các đơn vị đang kinh doanh thương mại điện tử hiện nay. Chủ tịch MWG lấy dẫn chứng, ngay chính Bách Hoá Xanh cũng làm thương mại điện tử và chi phí logistics để có thể giao một túi hàng đến khách hàng đang chiếm đâu đó khoảng 10% trên doanh thu.
"Với cuộc chơi một ông bỏ ra 2% cho tiền thuê mặt bằng và một ông bỏ ra cho DC, logistics, khuyến mãi tè le này thì cuộc chơi này không có hồi kết. Chỉ có khi nào có ai đó rút máu ra khỏi các bạn thương mại điện tử thì các bạn đó chết bất đắc kỳ tử thôi. Và có nhiều bạn bị rút máu giữa chừng và 'đi' lắm rồi. Đây là cuộc chơi để tạo thói quen dữ dằn. Nhưng thói quen nó là một chuyện, cho đến ngày bạn không cam kết được hiệu quả so với các ông offline", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Kết quả kinh doanh của Shopee tại Việt Nam đã phần nào phản ánh được sự "đốt tiền" của các sàn thương mại điện tử. Theo số liệu của chúng tôi, khi mới thâm nhập vào Việt Nam, Shopee thậm chí đã sử dụng chiêu "trắng" doanh thu từ năm 2016 đến 2018 để tung hàng loạt mã khuyến mại và chiếm thị phần tại Việt Nam. Đi kèm với việc không có doanh thu, công ty này cũng liên tục báo lỗ.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019 Shopee đã bắt đầu có doanh thu và tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Tuy nhiên, khoản lỗ của công ty này cũng tăng theo với con số lỗ nghìn tỷ. Số lỗ lũy kế đến năm 2021 của "ông lớn" thương mại điện tử này đã ở mức gần 7.500 tỷ đồng.
Bất ngờ đến năm 2022, công ty đã ghi nhận doanh thu tăng vọt lên 11.000 tỷ đồng, gấp gần hai lần so với năm trước đó. Đây cũng là năm đầu tiên Shopee có lãi với con số 3.000 tỷ đồng, bù đắp được phần nào số lỗ lũy kế trước đó. Shopee cũng là đơn vị thương mại điện tử duy nhất có lãi trong năm 2022.
Vài ngày gần đây, nhiều chủ shop trên sàn thương mại điện tử Shopee bất ngờ bị trừ từ vài chục triệu đồng đến cả tỉ đồng trong tài khoản bán hàng vì bị cho là đã vi phạm chính sách của sàn, cố tình lạm dụng mã giảm giá trong các đợt khuyến mãi, trục lợi bất chính.
Liên quan đến vụ việc này, đại diện Shopee cho biết sau khi kiểm tra và xác minh tính hợp lệ cho các đơn hàng của shop theo quy định, sàn đã tiến hành các biện pháp xử lý tài khoản vi phạm, bao gồm việc cấn trừ từ số dư tài khoản của shop trên Shopee số tiền tương ứng với giá trị ưu đãi mà Shopee đã tài trợ cho các đơn liên quan đến hành vi gian lận trong thời gian qua theo các chính sách hiện hành.
"Việc lạm dụng ưu đãi của Shopee được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng được quy định trong các chính sách của chúng tôi. Thời gian qua, lợi dụng chính sách của sàn, nhiều shop đã cố tình lạm dụng mã giảm giá trong các đợt khuyến mãi, trục lợi bất chính. Hai hình thức gian lận chính là cố tình tạo đơn ảo để chiếm đoạt mã giảm giá trên các phiên livestream và sửa ngành hàng sản phẩm để lấy voucher sai quy định" – Shopee nhấn mạnh.
Số tiền gian lận tối đa lên đến 10 triệu đồng/đơn hàng gian lận (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đại diện Shopee cho biết đã tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của các đơn hàng, xử lý hành vi trục lợi bằng cách cộng dồn khoản phí này theo số lượng đơn hàng gian lận được phát hiện và cấn trừ từ số dư tài khoản của Shop trên Shopee.
"Chính sách này đã được chúng tôi thông báo đến nhà bán hàng qua các kênh truyền thông chính thức của Shopee (thông báo trong ứng dụng, trang Shopee Uni…) từ ngày 26/12/2023.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống