Quá nguy hiểm việc 'vừa dùng điện thoại vừa sạc pin'

 

Như Thanh Niên đã đưa tin, vào tối 3.6 một bé trai 7 tuổi ở xã Thạch Sơn, H.Thạch Thành, Thanh Hóa đã bị điện giật tử vong tại nhà riêng. 

Cụ thể, khi đang ngồi trên giường tại nhà riêng và sử dụng điện thoại, do máy hết pin nên bé trai cắm sạc pin để dùng tiếp. Do còn nhỏ tuổi và bất cẩn nên trong lúc cắm sạc, bé trai bị điện giật nằm bất động trên giường. Khi người thân vào nhà thì phát hiện bé trai bị điện giật, và đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng bé không qua khỏi. 

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp gặp tai nạn chỉ vì vừa dùng điện thoại vừa sạc pin.

Quá nguy hiểm việc 'vừa dùng điện thoại vừa sạc pin' - Ảnh 1.

Một nạn nhân bị rách 2/3 màng nhĩ vì điện thoại phát nổ do thói quen vừa dùng điện thoại vừa sạc pin

C.T.V

Biết thì biết, nhưng... kệ (!?)

Việc vừa dùng điện thoại vừa sạc pin chứa đầy rủi ro có thể dẫn đến những tai nạn thương tâm mà báo chí đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Mặc dù vậy, nhiều người trẻ vẫn cố tình phớt lờ cảnh báo, họ thừa nhận "biết thì biết, nhưng... kệ". Và rồi, thói quen vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin vẫn tồn tại.

Thậm chí, theo một khảo sát nhỏ của PV với 14 người trẻ ở TP.HCM, cả 14/14 ý kiến đều cho biết "đã từng như vậy", có 9/14 người thú thật "thường xuyên như vậy".

"Mình có đọc được những tin tức về việc khi xài điện thoại mà đồng thời sạc pin cùng lúc khiến pin, khiến điện thoại phát nổ dẫn đến chấn thương. Nhưng mà... mình cũng là người trong cuộc. Chẳng hiểu sao không bỏ được thói quen có thể dẫn đến tai nạn này", Hoàng Phú Bình, sinh viên (SV) Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết.

Tương tự, Trần Thị Thùy Ngân, SV Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi, cũng nói: "Thường thì vào giờ đêm, trước khi ngủ, mình hay cắm sạc điện thoại và cùng lúc sử dụng để lướt Facebook, TikTok, nhắn tin. Đọc nhiều bài viết nói về mối nguy của việc ấy, nhưng mình vẫn chưa "dứt" được. Có nhiều khi bố mẹ la, cảnh báo thì mới bỏ điện thoại xuống. Nhưng hôm sau lại tiếp tục".

Đỗ Vũ Kim Dung, SV Trường ĐH Văn Lang, cho biết sở dĩ có thói quen vừa dùng điện thoại vừa sạc pin là vì không muốn gián đoạn một bộ phim đang ở phân khúc gay cấn, hoặc một chương trình ca nhạc đang có những tiết mục hay... "Thời điểm đó mà lỡ điện thoại hết pin thì tiếc lắm. Thế là vừa sạc điện thoại vừa mở xem. Dần dần thành thói quen chẳng bỏ được", Dung nói.

Quá nguy hiểm việc 'vừa dùng điện thoại vừa sạc pin' - Ảnh 2.

Rất nhiều tai nạn đã xảy ra chỉ vì thói quen vừa dùng điện thoại vừa sạc pin

C.T.V

Coi chừng!

Ngoài việc có thể bị điện giật như trường hợp như bé trai 7 tuổi ở Thanh Hóa không may gặp phải thì hành động vừa dùng điện thoại vừa sạc pin còn có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường khác.

Theo kỹ sư Ung Thanh Vũ, làm việc ở Công Ty TNHH thiết bị Điện Khang Thịnh, Q.1, TP.HCM, vừa sạc pin vừa dùng điện thoại có thể dẫn đến những tai nạn đau lòng.

Lý do vì khi sử dụng điện thoại và đồng thời cùng lúc sạc pin thì điện thoại phải tiêu thụ một nguồn năng lượng lớn. Trường hợp đối với các dòng điện thoại không có chế độ tự ngắt nguồn điện khi pin nóng thì pin điện thoại sẽ nóng dần lên và đến một ngưỡng nào đó sẽ phát nổ. 

Ngoài ra ngoài thị trường có những loại pin, sạc, dây sạc không rõ xuất xứ, nguồn gốc rất kém chất lượng, không đáp ứng đúng, đủ tiêu chuẩn dành cho điện thoại sẽ gây lỗi pin hoặc cung cấp dòng điện lớn hơn khả năng tiếp nhận của điện thoại. Chính vì thế sẽ dẫn đến tình trạng hỏng hóc cũng như khiến pin có thể phát nổ sau một thời gian sử dụng.

Một nguyên nhân nữa, là khi sạc pin ở nơi có nhiệt độ cao cũng dễ khiến điện thoại nổ vì quá nóng.

Quá nguy hiểm việc 'vừa dùng điện thoại vừa sạc pin' - Ảnh 3.

Tuyệt đối nói không với việc vừa dùng điện thoại vừa sạc pin

PHONG LINH

Anh Vũ khuyên: "Tuyệt đối nói không với việc vừa dùng điện thoại vừa sạc pin. Đó là thói quen khó bỏ của một bộ phận người trẻ. Nhưng khó chứ không phải là không thể. Hãy xem những tai nạn từng xảy ra là bài học để cảnh giác và "biết sợ". Vì cứ tiếp diễn thói quen ấy thì đồng nghĩa với việc chấp nhận những mối nguy lửng lơ trên đầu".

Có thể điểm lại một số vụ tai nạn liên quan như: một nạn nhân sinh năm 2001 ở H.Đam Rông, Lâm Đồng vừa cắm sạc pin điện thoại vừa sử dụng thì bất ngờ chiếc điện thoại phát nổ lớn và hậu quả là người này tử vong vào năm 2020. Sau đó không lâu, cũng vì sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc, một thiếu niên 17 tuổi tại Lệ Thủy (Quảng Bình) bị bỏng nặng toàn thân vì điện thoại phát nổ. Tai nạn tương tự khiến một nam sinh lớp 5 tại Nghệ An tử vong vào cuối năm 2021.

Cuối năm 2022, dù điện thoại đang sạc nhưng thiếu niên vẫn dùng, bất ngờ điện thoại phát nổ khiến thiếu niên 17 tuổi ở H.Núi Thành, Quảng Nam bị bỏng nặng vùng tay, mặt.

Đừng quên rút cục sạc điện thoại...

Đại úy Thái Ngô Hiếu, cán bộ Đội Chữa cháy & cứu nạn cứu hộ khu vực Trảng Bom (thuộc Phòng PC07 Công an tỉnh Đồng Nai) cho biết nhiều người có thói quen kéo cả dây sạc lên giường để sạc điện thoại. Đến khi đi làm chỉ rút điện thoại. Việc này có thể gây hỏa hoạn. Đó là vì bộ sạc cắm điện thoại nếu không được rút ra có thể khiến độ nóng tăng cao dẫn đến nổ cục sạc, sau đó bén vào những vật dụng dễ cháy như mền, mùng, chiếu, gối... dẫn đến bén lửa và bốc cháy.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống