Tờ Business Insider (BI) cho hay Amazon sau khi sa thải hơn 27.000 lao động kể từ cuối năm 2022 đang dùng các chiêu trò tồi tệ để ép nhân viên tự nghỉ việc, qua đó tránh bị ảnh hưởng đến danh tiếng bản thân.
Thuật ngữ của các chiêu trò này được gọi là "Sa thải thầm lặng" (Quiet Firing) khi Amazon liên tục gây khó dễ để tạo sức ép buộc nhân viên tự nghỉ việc nhằm tránh các khoản bồi thường hay điều tiếng.
Nguồn tin của BI cho hay công ty đã nâng xếp hạng đánh giá để đẩy nhiều hơn số lao động vào nhóm hiệu suất làm việc thấp và qua đó ép thôi việc chính đáng. Thậm chí hãng còn nâng cao tỷ lệ cho thôi việc những nhân viên bị xếp hạng đánh giá kém.
Ngoài ra hãng cũng nâng cao yêu cầu về chính sách đến công ty làm việc tại các địa điểm chỉ định, hay thậm chí tồi tệ hơn là chẳng giao việc cho nhân viên nữa để họ tự biết đường xin nghỉ.
Sa thải thầm lặng
Theo BI, Amazon đã liên tục sa thải đầu năm 2024 ở các bộ phận như dịch vụ phát trực tuyến Twitch, dịch vụ truyền thông Prime Video, Audible và Amazon Pay.
Điều đáng nói ở đây là việc sa thải thầm lặng này khiến công chúng không biết nhiều về động thái cắt giảm hàng loạt của Amazon. Hãng cũng kín tiếng trong chiến thuật cắt giảm chi phí nhân lực này với cổ đông hay nhân viên toàn cầu.
Thông thường khi sa thải hàng loạt, Amazon sẽ phải cảnh báo trước theo luật định khiến công đoàn, báo chí và các cơ quan vào cuộc, tạo nên sự chú ý không cần thiết.
Tồi tệ hơn, những chiến thuật này khiến lao động tự nghỉ mà không có tiền bồi thường, qua đó cắt giảm chi phí một lần nữa cho Amazon. Ngoài ra việc kín tiếng sa thải như trên cũng tránh được ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu.
Anh Justin Garrison, một cựu nhân viên cấp cao của Amazon Web Services nói với BI rằng công ty đã thông báo nhóm của anh bị giải tán nhưng lại không bị sa thải chính thức.
Thay vào đó, bản thân anh Garrison chẳng được giao thêm công việc gì, qua đó ảnh hưởng đến thu nhập, và được khuyến khích tìm một công việc làm thêm bên ngoài.
"Sa thải thầm lặng là cách mà Amazon đang sử dụng để tránh làm ảnh hưởng tiêu cực giá cổ phiếu khi cắt giảm chi phí hoạt động. Việc tiết kiệm chi phí này sẽ chuyển biến thành những con số chi phí thấp hơn trong báo cáo tài chính và làm giá cổ phiếu tăng lên sau đó, nhưng chúng cũng tác động xấu đến tinh thần và niềm tin người lao động, qua đó phá hủy công ty từ bên trong", anh Garrison ngán ngẩm.
Chỉ tiêu nghỉ việc
Tờ BI cho hay một chiến thuật tồi tệ mà Amazon hay sử dụng là nâng cao chỉ tiêu đánh giá xếp hạng để đưa nhiều lao động hơn vào diện không đạt.
Ban đầu, hệ thống đánh giá được xây dựng tại Amazon dưới thời Jeff Bezos nhằm cải thiện hiệu suất lao động, loại bỏ các nhân viên yếu kém. Thế nhưng giờ đây chúng lại trở thành chỉ tiêu sa thải của từng bộ phận.
Nguồn tin của BI cho hay Amazon đặt mục tiêu ép nghỉ việc khoảng 6% cho mỗi nhóm và bộ phận thông qua các chiêu trò như trên.
Thậm chí một quản lý giấu tên nói với BI rằng tỷ lệ này đã lên đến 10-12% nhằm tăng cường tái cơ cấu chi phí nhân lực trong năm 2024.
Nhiều bộ phận của Amazon chưa từng áp dụng tỷ lệ ép nghỉ việc này như Audible hay Twitch thì nay đã phải thực hiện.
Hiện Amazon còn khoảng 1,5 triệu nhân viên theo báo cáo chính thức mới nhất.
Không tôn trọng lao động
Tờ BI cho hay một chiêu trò nữa mà Amazon hay áp dụng là siết chặt yêu cầu đến văn phòng làm việc.
Đầu năm 2023, Amazon yêu cầu nhân viên đến văn phòng ít nhất 3 ngày mỗi tuần. Thế nhưng đến tháng 7/2023, hãng bất ngờ thực hiện chính sách yêu cầu các nhóm nhân viên phải đến văn phòng chỉ định để chấm công thay vì bất kỳ cơ sở Amazon nào gần nơi họ sống.
Bất kỳ ai không tuân thủ chính sách này sẽ bị công ty đề nghị tự nguyện thôi việc với lý do không tuân thủ quy định.
"Ngày mai là ngày làm việc cuối cùng của tôi ở Amazon. Văn hóa lãnh đạo thiếu tôn trọng cơ bản với người lao động thông qua chính sách ép nghỉ việc là hoàn toàn không thể chấp nhận được", một nhân viên bức xúc đăng tải trên Slack.
*Nguồn: BI
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống