Sử dụng nhiều tài khoản trong Windows 10

 

Trước Windows 10, hầu hết PC đều hoạt động dựa trên một tài khoản người dùng duy nhất. Điều này có nghĩa là chiếc máy tính đó mang tính cá nhân, dành cho một người và chỉ một người mà thôi. 

Windows 10 cho phép mọi thành viên trong gia đình, hoặc bạn bè cùng phòng, đồng nghiệp, khách khứa đến chơi cuối tuần… có những tài khoản riêng biệt trên một máy tính. Mỗi toàn khoản người dùng đều có cả tài khoản email riêng, thư mục riêng, wallpaper màn hình desktop riêng, ứng dụng Windows và cả menu Start cũng được tuỳ biến riêng.

Sử dụng nhiều tài khoản trong Windows 10

Cách thiết lập đa tài khoản không giống như thiết lập PC ảo, là tạo một hệ thống hoàn toàn mới bên trong cấu hình phần cứng, nhưng ích lợi của kiểu thiết lập đa tài khoản cũng tương tự như vậy nhưng nhanh hơn và dễ hơn nhiều. Dưới đây là những cách mà bạn có thể làm theo.

Thiết lập tài khoản cho thành viên gia đình
Khi bạn thiết lập một tài khoản mới, Windows 10 phân biệt rất rõ ràng các thành viên trong gia đình với người dùng khác (other user). Lý do chính là Windows muốn cho người lớn giám sát tài khoản của trẻ em, như cho phép/không cho phép chúng được tải ứng dụng, thiết lập thời gian sử dụng máy tính và nhiều tính năng quản lý khác. Trong trường hợp bạn không có con trẻ trong nhà thì có thể những tính năng này vẫn hữu ích trong nhiều trường hợp khác.

Sử dụng nhiều tài khoản trong Windows 10
Windows 10 sẽ hỏi bạn tạo tài khoản cho người lớn hay trẻ em.

Nếu trong nhà bạn toàn người lớn thì điều này cũng không ảnh hưởng gì đến cấu hình tài khoản mà bạn chọn. Quyết định chính là bạn có muốn sử dụng tài khoản Microsoft hay không mà thôi.

Nếu không muốn, bạn có thể thiết lập một tài khoản hoàn toàn local, nội bộ. Điều này nghĩa là bạn không phải đồng bộ thiết lập, đồng bộ  bookmark và nhiều thứ khác trên nhiều PC khác nhau qua một tài khoản Microsoft, và việc này có thể khiến bạn mua ứng dụng trên Windows Store khó khăn hơn một chút. Nhưng nếu bạn quyết định không đưa cho Microsoft địa chỉ email và các thông tin cá nhân khác, bạn có thể chọn “Add someone else to this PC” ở trong mục “other users”.

Còn nếu các thành viên khác trong gia đình muốn sử dụng tài khoản Microsoft của họ, bạn mở Settings trong menu Start và chọn Accounts. Nhấn vào tab “Family & other users” phía bên trái của cửa sổ, sau đó nhấn “Add a family member”. Đến đây, bạn sẽ được yêu cầu thiết lập một tài khoản cho một người lớn hoặc một trẻ em, và hệ thống nhắc bạn nhập vào địa chỉ email của người dùng mới. Tiếp theo, bạn sẽ được hỏi để thiết lập một tài khoản Microsoft (nếu bạn chưa có dùng email đó đăng ký tài khoản Microsoft). Sau đó theo hướng dẫn trên màn hình để đăng ký.

Sử dụng nhiều tài khoản trong Windows 10
Tab Family & other users cho bạn quản lý các tài khoản Standard và Guest.

Chuyển một tài khoản cấp Standard thành Admin
Mặc định, người dùng đầu tiên thiết lập hệ thống sẽ có tài khoản cấp “administrator” và các tài khoản từ thứ hai trở đi sẽ được hệ thống gán cấp “Standard” thấp hơn.

Người có tài khoản Standard có ít quyền hạn hơn: không thể cài hầu hết phần mềm nếu không có mật khẩu của tài khoản Admin; không thể xem các thư mục cá nhân của các tài khoản khác; và không truy cập được hết những thiết lập của PC.

Ý tưởng ban đầu là cho trẻ nhỏ sử dụng máy tính của cha mẹ mà không làm chiếc máy tanh bành. Nhưng những quyền hạn và ràng buộc của tài khoản Standard đôi khi lại hạn chế chúng ta muốn chia sẻ máy tính trong gia đình, với những người thực sự cần đến những quyền hạn cao hơn để làm việc, học tập. Vi dụ nếu bạn muốn cài một chương trình nào đó nhưng không có người giữ tài khoản Admin ở nhà thì bạn không làm được gì, trừ khi phải liên lạc lấy được mật khẩu Admin.

Nhưng may mắn là trong Windows 10, bạn có thể nâng cấp một tài khoản thứ hai, tin tưởng lên cấp Admin. Và để làm được điều này, tài khoản Admin gốc phải cấp phép cho tài khoản thứ hai. Bạn vào Settings, Accounts, sau đó chọn “Family & other users” và chọn tài khoản được phép nâng cấp. Nhấn “Change account type” và chọn Administrator.

Năm lý do sử dụng đa tài khoản

  1. Tiết kiệm tiền: thay vì mua máy tính mới cho từng người, bạn có thể chia sẻ một máy tính dùng chung, nhưng vẫn giữ được tính riêng tư của mỗi người.
  2. Không người nào thấy được lịch sử trình duyệt của người nào.
  3. Mỗi thành viên trong gia đình có thể có được thiết lập Windows riêng, màn hình wallpaper riêng và menu Start riêng, tạo cảm giác PC này là của riêng mình.
  4. Bảo mật cải thiện hơn rất nhiều bằng cách ngăn những người dùng cấp Standard cài đặt ứng dụng, mà thường ứng dụng có những phần mềm quảng cáo.
  5. Tài khoản Standard này không thể xem được thư mục của tài khoản Standard khác nên bạn không lo bị người khác vô tình xoá file.

 Thêm tài khoản Guest tạm thời
Nếu có bạn bè hay thành viên gia đình nào đến ở chơi nhà vài ngày, bạn có thể thiết lập cho họ tài khoản riêng trên PC. Những tài khoản Guest này không truy cập được vào file, email hay các dữ liệu cá nhân khác trên máy của bạn.

Sử dụng nhiều tài khoản trong Windows 10
Thêm một tài khoản mới mà không cần tài khoản Microsoft.

Bạn vào Settings, sau đó chọn User Accounts và chọn “Add someone else to this PC” dưới mục “Other users”. Nếu vị khách ấy đã có tài khoản Microsoft thì họ có thể gõ vào địa chỉ email hoặc số điện thoại để tải về mọi thiết lập, bookmark và ứng dụng cá nhân có chứa trong tài khoản trực tuyến riêng của họ.

Còn nếu vị khách đó chưa có tài khoản Microsoft, hoặc họ không muốn rắc rối đăng ký với Microsoft thì bạn có thể nhấn vào link “I don’t have this person sign-in information” ở phía cuối màn hình khi PC yêu cầu nhập địa chỉ email. Trên màn hình tiếp theo, bạn nhấn vào một link nhỏ có tựa là “Add a user without a Microsoft account” ở phía dưới màn hình. Sau đó, bạn sẽ được hỏi chọn một tên username và mật khẩu cho tài khoản mới.

Chia sẻ chương trình và ứng dụng với người dùng khác
Bất kỳ phần mềm PC truyền thống nào, như là Microsoft Office, đều được người admin cài trên PC và mọi tài khoản trên PC ấy đều có thể dùng được phần mềm.

Nhưng với những phần mềm mới hiện nay, khi người admin tiến hành cài đặt, phần mềm ấy sẽ hỏi chương trình đó cho phép nhiều tài khoản dùng được hay chỉ có người cài đặt mới được dùng.

Sử dụng nhiều tài khoản trong Windows 10
Tải app cho tài khoản phụ bằng cách nhấn vào nút download.

Ứng dụng Windows Store không chia sẻ được, nhưng có cách để bạn chia sẻ chúng cho tài khoản khác. Nếu admin đã trả tiền cho ứng dụng hay game đó, họ có thể chia sẻ nó với một tài khoản mới sau khi làm vài bước sau. Trong tài khoản mới, mở ứng dụng Windows Store và nhấn vào biểu tượng hình Profile kế bên thanh tìm kiếm. Nhấn vào tài khoản ở bên trên của menu sổ xuống, chọn tên tài khoản và đăng xuất. Sau đó, bạn đăng nhập lại, lần này đăng nhập với tài khoản Admin.

Bây giờ, bạn đến My Library và bạn sẽ thấy một danh sách ứng dụng của Admin. Nhấn vào mũi tên nhỏ để tải bất kỳ ứng dụng nào về mà bạn muốn cho tài khoản mới sử dụng. Đảm bảo là sau đó bạn phải đăng xuất tài khoản Admin khi đã tải mọi ứng dụng cần thiết cho tài khoản mới.
Có một tuỳ chọn mới trong Windows 10 tên là “Assigned access”, cho một tài khoản người dùng có thể truy cập một ứng dụng Windows Store cụ thể. Ví dụ, bạn có thể tạo một tài khoản chỉ cho ứng dụng Dropbox, hoặc Kindle.

Để thiết lập tài khoản kiểu này, bạn tạo một tài khoản thứ hai rồi vào mục Settings, Accounts, “Family & other users” và nhấn vào link “set up assigned access” ở phía cuối trang. Chọn tài khoản và ứng dụng, sau đó khởi động lại máy tính.

Tài khoản cho con nhỏ
Con trẻ rất thích thú ngồi trước màn hình máy tính, và bạn buộc phải chấp nhận sự thật rằng nếu kéo chúng ra khỏi chiếc máy tính, nhiều lúc chúng sẽ quấy và lắm lúc làm bạn bực mình. PC rõ ràng là cách tốt nhất để giữ chúng ngồi yên.

Windows 10 cho bạn thiết lập tài khoản cho con nhỏ. Những tài khoản này được thiết kế để ngăn chúng cài phần mềm, di chuyển các file lòng vòng và làm rối các thiết lập của bạn.

Tài khoản loại này cũng cho bạn (là Admin) rất nhiều quyền hạn để quản lý, trong đó có hạn chế giờ giấc con trẻ dùng PC, chặn một số trang web cụ thể nào đó. Cha mẹ cũng có thể xem được toàn bộ danh sách trang web mà con trẻ đến, cộng thêm cảnh báo đâu là trang web “người lớn”.

Thậm chí, bạn cũng có thể quản lý tài khoản cho trẻ từ xa, bằng một PC khác hoặc một máy tính bảng, qua giao diện web của Microsoft (https://account.microsoft.com/family).

 PC WORLD VN, 01/2016
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống