Bảng chỉ dẫn lối đi tại ga ngầm Nhà hát TP.HCM (thuộc tuyến metro số 1) có nội dung "ke ga" và "platform" khiến nhiều người thắc mắc - Ảnh: HCMC Metro Confessions.
Theo Luật Đường sắt 06/2017 năm 2017 thì thuật ngữ "ke ga" được định nghĩa là "công trình đường sắt trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa".
Nói một cách dễ hiểu hơn, bảng chỉ dẫn đến tầng ke ga là chỉ nơi người dân đứng chờ tàu, khi tàu đến và cửa tàu mở thì người dân ra, vào tàu ở khu vực này.
Theo tìm hiểu của phóng viên từ cuốn từ điển tiếng Việt (chủ biên là giáo sư Hoàng Phê, thuộc Viện Ngôn ngữ học Việt Nam), danh từ "ke" có nghĩa là nền xây cao bên cạnh đường sắt ở ga để hành khách tiện lên xuống tàu hoặc xếp dỡ hàng hóa (khác với "ke" để chỉ thước kẻ góc - êke). Ghép với từ ga thành "ke ga" cũng thành nghĩa tương đương với nội dung trên.
Đối với từ "Platform", chủ đầu tư tuyến metro số 1 giải thích đó là viết tắt của cụm từ "Platform screen doors". Cụm từ này có nghĩa là cửa cạnh sân ga, được dùng tại một số ga xe lửa, tàu điện ngầm và ga chở người để tách khu vực đó ra khỏi đường ray xe lửa.
Sơ đồ thiết kế của ga Nhà hát thành phố. Phần màu vàng là khu vực đã soát và tầng ke ga - Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.
Chủ đầu tư cho biết cụ thể hơn: Platform screen doors là bộ phận ngăn cách không gian ke ga và đường ray tàu, gồm có phần kính chắn cố định và phần cửa (mở sang hai bên). Mục đích cửa này là để giữ an toàn cho người dân, phòng tránh ngã xuống hay đi vào khu vực đường ray trái phép.
Đồng thời Platform screen doors gắn trong các nhà ga ngầm là để ngăn cách môi trường nhà ga với đường hầm để giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng (điều hòa không khí).
Hiện nay hệ thống "Platform screen doors" đã được lắp đặt cho tuyến metro số 1 gồm 2 loại. Trong đó, loại cao (kín hoàn toàn) được thiết kế cho 3 nhà ga ngầm (ga Bến Thành, Nhà hát TP.HCM và nhà ga Ba Son). Còn loại lửng được thiết kế tại 11 nhà ga trên cao.
Nhiều lối kết nối ga ngầm tuyến metro số 1
Theo quy hoạch tuyến metro số 1, toàn tuyến sẽ có 5 tòa nhà được kết nối trực tiếp. Trong đó, ga Bến Thành được kết nối với tầng hầm tòa nhà The One hay còn gọi là dự án khu tứ giác Bến Thành qua 2 lối lên xuống số 4 và 5 (tổng 6 lối lên xuống).
Ga Nhà hát TP.HCM có 5 lối lên xuống tại công viên Lam Sơn trước nhà hát, tầng hầm của UnionSquare Tower, những lối còn lại ở đường Pasteur.
Ga Ba Son có lối kết nối nằm trên vỉa hè gần tòa nhà VP Bank Tower, lối đi bộ ngầm xuyên qua đường Tôn Đức Thắng để dẫn vào ga, tòa nhà văn phòng - thương mại dịch vụ khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống