Proba-3 được ESA phóng từ Ấn Độ với mục tiêu quan sát vành nhật hoa, bầu khí quyển bên ngoài của mặt trời xuất hiện khi xảy ra nhật thực toàn phần. Proba-3 đã đạt được một thành tựu đáng chú ý khi hai tàu vũ trụ của nó bay cách nhau 150 mét, thực hiện một động tác bay chính xác để tạo ra Nhật thực nhân tạo nhằm cho phép quan sát vành nhật hoa mà không bị ánh sáng mặt trời cản trở.

Các nhà khoa học rất quan tâm đến vành nhật hoa, nhưng việc quan sát toàn bộ nó vẫn gặp nhiều khó khăn. Vành nhật hoa được chia thành ba vùng: vành nhật hoa cao, vành nhật hoa thấp và một khoảng trống ở giữa. Mặc dù có thiết bị để nghiên cứu hai vùng này, khoảng trống chỉ có thể được nhìn thấy từ Trái Đất trong các hiện tượng nhật thực tự nhiên. Một điều bí ẩn khác là nhiệt độ trong vành nhật hoa có thể lên tới hơn 1,1 triệu độ C, trong khi bề mặt mặt trời chỉ khoảng 5.500 độ C.
Sứ mệnh Proba-3 bao gồm 2 tàu vũ trụ - Occulter và Coronagraph - tạo ra nhật thực nhân tạo sau mỗi 19 giờ 36 phút trên quỹ đạo. Occulter, với đĩa dài 1,4 mét, chỉ tạo ra một cái bóng rộng 8 cm, đủ để chặn ánh sáng mặt trời và cho phép quan sát vành nhật hoa. Dietmar Pilz, giám đốc công nghệ của ESA, cho biết: “Thật thú vị khi thấy những hình ảnh tuyệt đẹp này chứng minh công nghệ của chúng tôi là đúng”.
Các nhà thiên văn học đang nhanh chóng thu thập những hiểu biết mới về Mặt Trời. Vào tháng 6 vừa qua, ESA và NASA đã công bố những hình ảnh đầu tiên về các cực mặt trời từ Solar Orbiter. Tàu thăm dò Parker của NASA cũng đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên bay qua vành nhật hoa vào năm 2021, cung cấp những quan sát gần nhất về Mặt Trời. Sứ mệnh Proba-3 không chỉ nhằm mục đích nghiên cứu vành nhật hoa mà còn cải thiện hiểu biết về thời tiết Mặt Trời, một yếu tố có thể ảnh hưởng đến vệ tinh viễn thông và lưới điện trên Trái Đất.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống