Facebook và TikTok cam kết tuân thủ quy định kiểm duyệt nội dung của EU

 
Chú thích ảnh
Biểu tượng của Facebook trên màn hình điện thoại thông minh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo danh sách công bố, 42 nền tảng, trong đó có các nền tảng thuộc sở hữu của Google, Meta và Microsoft, đã đồng ý tuân thủ bộ quy tắc ứng xử của EU về những quy định nghiêm ngặt trong kiểm soát nội dung trực tuyến. Bộ quy tắc này là một phần trong Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU, yêu cầu các công ty công nghệ phải có biện pháp kiểm soát nội dung trực tuyến nhằm hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch.

Tuy nhiên, tỷ phú Musk - chủ sở hữu mạng xã hội X - đã nhiều lần phản đối các quy tắc kiểm duyệt nội dung của DSA.

Kể từ tháng 12/2023, EU đã tiến hành điều tra X về việc tuân thủ các quy định của DSA, bao gồm cả các biện pháp chống lại thông tin sai lệch trên nền tảng này.

Sự khác biệt trong cách các nền tảng kỹ thuật số tuân thủ DSA phản ánh những tranh cãi chưa có hồi kết về quản trị AI, nhất là sau Hội nghị cấp cao Hành động về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Paris (Pháp), đồng thời cho thấy tác động của cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt đối với lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance gần đây cho rằng các quy định của EU, trong đó có DSA, có thể tạo ra gánh nặng quá lớn cho các công ty, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách về chủ quyền công nghệ, an ninh và dân chủ, bà Henna Virkkunen khẳng định: "Người dân châu Âu xứng đáng có một không gian trực tuyến an toàn, nơi họ có thể tiếp cận thông tin mà không bị thao túng". Bà nhấn mạnh rằng bộ quy tắc nói trên là một cột mốc quan trọng giúp EU tăng cường cơ chế quản lý thông tin trên không gian mạng, đồng thời cam kết phối hợp với các bên ký kết để đảm bảo quá trình thực thi hiệu quả.

EC khẳng định, bộ quy tắc về chống thông tin sai lệch sẽ là thước đo quan trọng để đánh giá việc tuân thủ DSA khi chính thức có hiệu lực từ tháng 7 tới. Dù không bắt buộc các nền tảng phải triển khai tính năng xác minh thông tin (fact-checking), nhưng EU coi đây là một biện pháp hiệu quả để kiểm soát thông tin sai lệch.

Trong số các bên ký kết bộ quy tắc trên có tập đoàn phần mềm máy tính Adobe (Mỹ), nền tảng mạng xã hội tập trung vào lĩnh vực kinh doan và việc làm LinkedIn, dịch vụ phát trực tiếp nhiều loại nội dung Twitch cùng nền tảng Vimeo và YouTube.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống