Mã độc trên MacOS gần gấp đôi Windows

 

Hiện nay, nhiều người dùng vẫn tin sản phẩm của Apple có khả năng bảo mật tuyệt đối và chỉ dùng PC như thiết bị dự phòng. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Malwarebytes cho thấy, số lượng virus và mã độc trên hệ điều hành của Apple đã lần đầu vượt qua Windows.

Mối đe dọa gia tăng trên macOS một phần do sự chủ quan của người dùng máy tính Mac. Ảnh: Panda Security.

"Người dùng cần hiểu rằng chỉ sử dụng máy tính Mac không đảm bảo dữ liệu được an toàn", Thomas Reed, chuyên gia bảo mật trên Mac và thiết bị di động của Malwarebyte cho biết.

Máy tính Windows chiếm phần lớn thị trường và thường có nhiều lỗ hổng bảo mật hơn khiến chúng trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng. Nhưng hacker sẽ tập trung khai thác lỗi của macOS khi máy tính Mac dần trở nên phổ biến.

Theo ghi nhận của công ty bảo mật này, hiểm họa đối với máy tính Mac đã tăng gấp bốn lần trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2019. Các chuyên gia đã tìm thấy trung bình 11 phần mềm chứa mã độc trên mỗi máy Mac, gần gấp đôi so với Windows.

Malwarebytes nhận định, làn sóng các mối đe dọa phản ánh sự gia tăng về lượng người dùng máy tính Mac. Trong năm 2018, mỗi máy Mac trung bình chỉ có 4,8 phần mềm độc hại và số này đã tăng gấp đôi chỉ sau một năm.

Tuy nhiên, 10 mối đe dọa hàng đầu đối với máy tính Mac liên quan mã độc quảng cáo (adware) và "các chương trình không mong muốn", không nguy hiểm như mã độc trên Windows.

Một mã độc quảng cáo tự chuyển hướng người dùng tới trang web khác khi mở trình duyệt trên macOS. Ảnh: 9to5mac.

Ngoài ra, Malwarebytes cũng phát hiện số lượng lớn điện thoại Android chứa mã độc quảng cáo. Các chuyên gia cho biết, đây là vấn đề nhức nhối từ lâu nhưng Google rất khó kiểm soát bởi Android là nền tảng mã nguồn mở.

Trong khi đó, iOS vẫn tồn tại phần mềm độc hại nhưng lại thiếu phương pháp hiệu quả để quét và các mối đe dọa trên iOS chưa ảnh hưởng tới người dùng phổ thông.Mã độc quảng cáo sẽ tự chuyển hướng tới trang web khác khi người dùng kết nối Internet.

Phần lớn trong số chúng chỉ gây phiền toái và một số có thể theo dõi hành vi trực tuyến. Còn chương trình không mong muốn tích hợp sẵn trên thiết bị hoặc trong phần mềm mà người dùng tải xuống, thường dưới dạng tối ưu hóa hệ thống.

"Người dùng cần quan tâm đến liên kết, phần mềm có nguồn gốc từ đâu và cấp quyền truy cập cho ai", Reed khuyến cáo.

Một trong những phần mềm chứa mã độc quảng cáo phổ biến nhất trên macOS là NewTab. Theo 9to5Mac, NewTab, ngụy trang một tiện ích mở rộng của trình duyệt giúp người dùng theo dõi lịch trình giao hàng, đã thu hút gần 30 triệu lượt tải trong năm 2019.

Ngoài ra, người dùng có xu hướng tải xuống phần mềm giả mạo bộ cài Adobe Flash Player. "Giả mạo bộ cài Adobe Flash Player là phương thức phổ biến để phát tán mã độc trên Mac", Reed nói thêm.

Nếu đã tải xuống phần mềm độc hại, người dùng Mac có thể xóa theo phương pháp thủ công, đồng thời cài thêm phần mềm diệt virus để bảo vệ dữ liệu tốt hơn. Việc sử dụng mật khẩu khác nhau cho các tài khoản và thay đổi chúng một cách thường xuyên cũng giúp giảm thiểu rủi ro khi rò rỉ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, người dùng chỉ nên cảnh giác với phần mềm miễn phí và chỉ tải xuống từ nguồn đáng tin cậy.

Theo Vox

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống