Bộ Tài chính khuyến cáo ứng dụng công nghệ bảo mật mới để an toàn trong CMCN 4.0

Bộ Tài chính khuyến cáo ứng dụng công nghệ bảo mật mới để an toàn trong CMCN 4.0

Bộ Tài chính khuyến cáo ứng dụng công nghệ bảo mật mới để an toàn trong CMCN 4.0

Ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê, Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/11, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê, Bộ Tài chính cho hay việc ứng dụng CNTT tại Bộ này đã được triển khai sớm, từ những năm 1989.

Đến nay có hơn 110 cổng thông tin điện tử trong ngành, cổng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Từ năm 2013 đã đẩy mạnh phát triển cổng và các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Có 944 thủ tục hành chính đã được chuyển đổi sang dịch vụ công, trong đó hơn 600 dịch vụ cấp độ 1-2, 331 cấp độ 3-4. Cùng đó có 632.954 doanh nghiệp đã triển khai thuế điện tử; trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc đã hình thành CSDL chuyên ngành.

Đối với ứng dụng CNTT phục vụ nghiệp vụ, Bộ Tài chính phát triển các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi, mang tính tích hợp cao theo phương thức tập trung trên các lĩnh vực chuyên ngành thuế, hải quan, ngân sách, kho bạc, chứng khoán, dự trữ; từng bước hình thành hệ thống thông tin tài chính tích hợp.

Có thể kể đến Hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc , Hệ thống trao đổi dữ liệu thu nộp thuế giữa các cơ quan Thuế-Kho bạc-Hải quan-Tài chính, Hệ thống Đăng ký tài sản nhà nước; hệ thống Thông tin Quản lý nợ (DMFAS); Hệ thống Hải quan điện tử, Hệ thống quản lý thuế tập trung; Hệ thống giao dịch chứng khoán, lưu ký (HOSE, HNX, VSD).

Đối với ứng dụng CNTT trong nội bộ, Bộ Tài chính đã triển khai chương trình quản lý văn bản và điều hành, hệ thống điện tử đa phương tiện hỗ trợ chỉ đạo điều hành của Bộ, hệ thống thư điện tử, hệ thống các ứng dụng quản lý tài sản nội ngành…

Công tác xây dựng kế hoạch, chiến lược, việc thực hiện Luật CNTT, công tác xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính được chú trọng ngay từ giai đoạn đầu triển khai CNTT thông qua các kế hoạch, đề án tin học hoá.

Bộ Tài chính đã trang bị mới, thay thế thiết bị hết khấu hao 2.246 đơn vị; kết nối thêm 241 đơn vị trong ngành và 40 Bộ, ngành tham gia sử dụng TABMIS.

Ngoài ra nâng cấp băng thông cho 1.907 đơn vị; bổ sung kênh truyền dự phòng. Tổng cộng, hệ thống hiện gồm 2.827 điểm kết nối và 5.067 kênh truyền.  

100% đơn vị cấp Trung ương, tỉnh, huyện có mạng nội bộ và kết nối Internet. Toàn ngành có trên 5.300 máy chủ, 77.000 máy trạm (100% cán bộ nghiệp vụ được trang bị máy tính phục vụ công việc).

Cũng theo ông Đặng Đức Mai, trong quá trình hoạt động, vấn đề đảm bảo an toàn an ninh thông tin luôn được Bộ chú trọng.

Bộ Tài chính đã ban hành quy định áp dụng toàn ngành về đảm bảo an toàn thông tin, tiêu chuẩn hóa các thiết bị an toàn thông tin chính yếu.

Bước đầu triển khai áp dụng tiêu chuẩn quản lý an toàn thông tin TCVN ISO/IEC 27001:2009.

Ngoài ra thành lập các bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin tại Kho bạc nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán, Tổng cục Dự trữ.

Các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho cán bộ tin học, cán bộ nghiệp vụ được triển khai thường xuyên.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ đang đẩy mạnh đổi mới về chính sách quản lý, công cụ quản lý trong lĩnh vực tài chính trên nền tảng CNTT&TT để thich nghi.

Cần quan tâm đến những công cụ bảo mật mới, chú trọng hơn nữa tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự phòng và nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn thông tin trong toàn hệ thống.

Trao đổi thêm về giải pháp nâng cao hiệu quả việc thi hành Luật CNTT trong bối cảnh mới, tại hội nghị, ông Đặng Đức Mai đề xuất cần bổ sung trong dự thảo Luật CNTT các điều khoản mới đáp ứng định hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bổ sung lĩnh vực chỉ đạo quản lý về tài chính - ngân hàng, bổ sung quy định quản lý về Cổng thông tin và dịch vụ công, Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận