TP. HCM: Rác thải sinh hoạt vứt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường

TP. HCM: Rác thải sinh hoạt vứt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường

TP. HCM: Rac thai sinh hoat vut tran lan, gay o nhiem moi truong hinh anh 1Một bãi rác tự phát với nhiều loại rác cồng kềnh, kích thước lớn như đệm giường, bàn ghế cũ... (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Dù đã tăng cường công tác thu gom và tuyên truyền nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường nhưng rác thải vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan, ô nhiễm là vấn đề nhức nhối của Thành phố Hồ Chí Minh.

Gần đây, tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận Tây, quận 7) xuất hiện bãi rác tự phát lớn trước một căn nhà không có người ở, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo người dân sinh sống quanh tuyến đường, rác ở đây chủ yếu là rác sinh hoạt do những người thiếu ý thức chở từ nơi khác đến đổ trộm; trong đó có rất nhiều loại rác cồng kềnh như nệm giường, bàn, ghế, tủ… tràn ra vỉa hè và lòng đường, chắn cả lối đi. Rác để lâu ngày không được dọn nên phát sinh ruồi, muỗi, chuột… tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch bệnh.

Cách khu vực này không xa, tại giao lộ Huỳnh Tấn Phát-Trần Xuân Soạn, gần cầu Tân Thuận cũng phát sinh một điểm tồn đọng rác trái phép. Chính quyền phường Tân Thuận Tây đã thu dọn vệ sinh và lắp camera giám sát, đồng thời dựng bảng cảnh báo, tuy nhiên đến nay, xung quanh nơi này vẫn có rác.

Chị Trần Thị Ngọc Diễm (phường Tân Thuận Tây, quận 7) cho biết những bãi rác tự phát trên xuất hiện cách đây nhiều tháng, lúc đầu chỉ là vài bao rác nhỏ, sau đó lượng rác dần nhiều lên.

Bãi rác lại nằm trên tuyến đường nhiều cửa hàng buôn bán và gần chợ Tân Thuận, thường xuyên có nhiều phương tiện qua lại, do đó người dân không xác định được rác do ai xả ra. Bãi rác tại nhà không người ở trên đường Huỳnh Tấn Phát đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Theo chị Diễm, rác tràn kín vỉa hè gây ảnh hưởng đến người đi bộ và làm mất mỹ quan đô thị. Chị mong muốn cơ quan địa phương nhanh chóng kiểm tra, xử phạt nghiêm những đối tượng xả rác; thu gom bãi rác tự phát này.

Các điểm tồn đọng rác nêu trên nằm trong số hàng trăm điểm xuất hiện trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết phát sinh từ việc các loại rác thải sinh hoạt bị đổ bỏ không đúng nơi quy định, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Theo báo cáo số 7066/STNMT-CTR của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn ghi nhận còn 204 điểm tồn đọng rác thải; trong đó 129 điểm đã từng được dọn vệ sinh nhưng tái phát, 20 điểm phát sinh mới và 55 điểm chưa dọn dẹp vệ sinh.

Các bãi rác này tập trung tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố, ngoại trừ các quận 10, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Củ Chi, Hóc Môn đã báo cáo cơ bản hoàn thành dọn dẹp vệ sinh toàn bộ.

TP. HCM: Rac thai sinh hoat vut tran lan, gay o nhiem moi truong hinh anh 2Rác lấp kín miệng cống thoát nước trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tình trạng phát sinh các bãi rác tự phát, các điểm tồn đọng rác thải trên địa bàn xuất phát từ chính ý thức giữ vệ sinh của người dân. Phần lớn mọi người chỉ tập trung thu gom rác tại khu nhà ở của mình mà quên đi trách nhiệm đó ở nơi công cộng.

Tại nhiều khu dân cư tập trung, các chợ, công viên…, rác thải bị vứt tràn lan. Một số người còn thẳng tay vứt rác xuống kênh rạch hoặc ra lòng, lề đường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tắc cống thoát nước, tắc nghẽn dòng chảy lưu thông của các kênh nội đô, gây tình trạng ngập sâu, thoát nước chậm sau các cơn mưa lớn tại thành phố.

Bên cạnh đó, quá trình phân loại rác thải tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, trong khi một số đơn vị thu gom rác thải lại gặp khó khăn về nhân lực, trang thiết bị... nên chưa phát huy hết vai trò của mình.

[Các điểm rác thải tự phát vẫn tồn tại khắp nơi ở Hà Nội]

Nhiều gia đình đã phân loại rác nhưng các xe vận chuyển lại gom chung rác lại với nhau. Những loại rác cồng kềnh, kích thước lớn đòi hỏi một khoản chi phí xử lý khá cao, nhiều người chọn cách lén đem bỏ tại những khu vực đất trống hoặc các bãi rác tự phát trái phép để đỡ phải tốn khoản phí này.

Sự thiếu thống nhất và đồng bộ từ nguồn phát thải, đơn vị thu gom xử lý đến việc ý thức của nhiều người dân còn kém đã dẫn đến tình trạng rác sinh hoạt khó kiểm soát và bị xả thải tràn lan.

Theo ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Phòng Quản lý Chất thải Rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), để khắc phục tình trạng phát sinh các điểm tồn đọng rác thải, Sở đã chỉ đạo cho Ban Quản lý các Khu liên hợp Xử lý Chất thải trực thuộc tăng cường giám sát, ghi nhận vị trí tồn đọng rác thải hoặc những khu vực xuất hiện tình trạng không đảm bảo vệ sinh môi trường và gửi thông báo đến các quận, huyện để tìm cách khắc phục kịp thời, cũng như gửi thông báo định kỳ đến Sở để báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

TP. HCM: Rac thai sinh hoat vut tran lan, gay o nhiem moi truong hinh anh 3Một điểm tồn đọng rác nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận Tây, quận 7). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường dọn dẹp vệ sinh tại các điểm tồn đọng rác thải; kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không để phát sinh thêm các điểm tồn động rác thải trên địa bàn; tiếp nhận phản hồi của người dân về những bãi rác tự phát và có hướng xử lý kịp thời.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh tại các điểm đã được dọn dẹp vệ sinh theo nội dung báo cáo của các quận, huyện, các điểm tồn đọng trên địa bàn các địa phương chưa báo cáo để ghi nhận, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo.

Trước đó, từ tháng 4/2023, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải trên địa bàn. Thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng rà soát, dự báo lượng rác phát sinh tại các khu vực công cộng để kịp thời điều chỉnh, xây dựng dự toán kinh phí thu gom, vận chuyển lượng rác phát sinh tại các khu vực.

Các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát khối lượng rác phát sinh tại nguồn và chất lượng dịch vụ của các đơn vị đang thực hiện thu gom, vận chuyển trên địa bàn. Điều này nhằm đảm bảo toàn bộ rác phát sinh được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định, tránh nguy cơ ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường tại các điểm, trạm trung chuyển và các nơi công cộng trên địa bàn./.

Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận