Khu Công nghệ cao TP.HCM tái lập cơ chế một cửa tại chỗ

Khu Công nghệ cao TP.HCM tái lập cơ chế một cửa tại chỗ

Đây là thông tin vừa được Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) chia sẻ, nhân dịp gặp gỡ doanh nghiệp đang đầu tư tại Khu Công nghệ cao.

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng chi hội doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, doanh nghiệp rất trông chờ vào sự cải cách thủ tục hành chính lần này, vấn đề tái lập cơ chế một cửa tại chỗ đã được doanh nghiệp kiến nghị từ lâu. "Việc giải quyết các thủ tục một cửa tại chỗ được coi là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao", bà Uyên nói.

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM thông tin về tình hình thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM thông tin về tình hình thu hút đầu tư

CTV

Với việc cải thiện môi trường đầu tư rất tốt từ cơ chế một cửa tại chỗ, SHTP đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM phân quyền cho Ban quản lý thực hiện một số thủ tục khác như: kiểm tra doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức giám định, điều tra, giải quyết sự cố đối với các công trình; cấp phép và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Khu Công nghệ cao (hiện thuộc thẩm quyền của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho biết, tại Điều 46 Nghị định 10 (quy định chức năng, địa vị pháp lý của Ban quản lý Khu Công nghệ cao) đã tạo hành lang để SHTP thực hiện một cửa tại chỗ. Trong năm 2024, với quy định phân cấp ủy quyền việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ có sự cải thiện đột phá với tinh thần nhanh nhất, gọn nhất cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, do đó, năm 2023 Khu Công nghệ cao đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của TP.HCM và cả nước, đặc biệt là về vốn giải ngân, xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thu hút thành công các dự án trong giai đoạn 2021 - 2023 góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27.9.2019 của Trung ương ban hành về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0: thu hút các ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông, an toàn, an ninh mạng, chế tạo thông minh.

Tính đến nay, Khu Công nghệ cao có 164 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 247.793 tỉ đồng (tương đương 12,4 tỉ USD), cụ thể: Dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 198.061 tỉ đồng, tương đương 10,14 tỉ USD/53 dự án (chiếm 32,32%); Dự án trong nước chiếm 49.732 tỉ đồng, tương đương 2,24 tỉ USD/111 dự án (chiếm 67,68%).

Trong đó có 110/164 dự án đã đi vào hoạt động (chiếm 67,07%); 49/164 dự án chưa đi vào hoạt động (chiếm 29,88%), 5/164 dự án tạm ngừng hoạt động (chiếm 3,05%). Các doanh nghiệp triển khai đưa vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hơn 47.000 lao động.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận