Các quốc gia khu vực Nam bán cầu lần đầu tiên có được tiếng nói chung

Các quốc gia khu vực Nam bán cầu lần đầu tiên có được tiếng nói chung

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Tiếng nói Phương Nam lần thứ 2, diễn ra theo hình thức trực tuyến vào sáng ngày 17/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, lần đầu tiên các quốc gia Nam bán cầu mới có được tiếng nói nhờ sự nỗ lực của hơn 100 nước với ưu tiên chung: "Về mặt địa lý, Nam bán cầu luôn tồn tại, nhưng lần đầu tiên khu vực này mới có được tiếng nói và điều này là do những nỗ lực chung. Chúng tôi có hơn 100 quốc gia nhưng ưu tiên của chúng tôi là tương tự nhau".

Ông Narendra Modi nhấn mạnh việc chủ đề Nam bán cầu cũng được đưa vào Tuyên bố New Delhi và đã nhận được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 diễn ra tại New Delhi hồi tháng 9.

Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nhấn mạnh, công nghệ mới không nên được sử dụng để làm tăng thêm khoảng cách giữa các nước giàu và các quốc gia đang phát triển. Chúng phải được sử dụng một cách có trách nhiệm. Để thúc đẩy điều này, Ấn Độ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đối tác Toàn cầu Nhân tạo vào tháng tới.

Đề cập đến tình hình khu vực Tây Á, Thủ tướng Ấn Độ lên án việc sát hại dân thường trong cuộc xung đột Israel-Hamas; ông kêu gọi kiềm chế, đối thoại và ngoại giao.

Ông Modi tuyên bố, đây là thời điểm mà các quốc gia Nam bán cầu nên đoàn kết vì lợi ích toàn cầu lớn hơn: "Đây là lúc mà các quốc gia ở khu vực Nam bán cầu nên thống nhất lên tiếng vì lợi ích toàn cầu lớn hơn. Vì mục đích Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai, chúng ta nên hướng tới với thông điệp 5C. Khi tôi nói đến 5C, điều này nghĩa là- tư vấn, hợp tác, truyền thông, sáng tạo và nâng cao năng lực".

Tại Hội nghị, Thủ tướng Modi đã công bố khánh thành một trung tâm xuất sắc toàn cầu dành cho các quốc gia Nam bán cầu có tên gọi DAKSHIN. Đề xuất thành lập Trung tâm này đã được Ấn Độ đưa ra trong Hội nghị Thượng đỉnh Tiếng nói phương Nam đầu tiên vào tháng 1 năm nay.

Hội nghị Thượng đỉnh Tiếng nói Phương Nam lần thứ 2 diễn ra trong hai ngày với sự tham dự của 125 quốc gia khu vực Nam bán cầu để thảo luận về các mục tiêu và quan điểm chung. Hội nghị gồm 10 phiên, là nơi để thảo luận về các biện pháp duy trì động lực, hướng tới khát vọng chung về một trật tự thế giới mang tính toàn diện, đại diện và tiến bộ hơn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận