Loại tiêm kích phương Tây Ukraine muốn sở hữu để thách thức phòng không Nga

Loại tiêm kích phương Tây Ukraine muốn sở hữu để thách thức phòng không Nga

Các tiêm kích F-16 sẽ là "sự cải thiện to lớn so với các chiến đấu cơ phi công Ukraine đang sử dụng hiện nay", ông Justin Bronk, Giáo sư tại Học viện Không quân Hoàng gia Na Uy nhận định. Theo ông, chiến đấu cơ thế hệ thứ tư do Mỹ sản xuất này sẽ đi cùng với chuỗi cung ứng toàn cầu khổng lồ và những đặc điểm nâng cấp mà các tiêm kích hiện tại của Ukraine không có.

Với những động thái gần đây của Mỹ và đồng minh liên quan đến vấn đề này, có khả năng các phi công Ukraine sẽ bắt đầu được huấn luyện sử dụng tiêm kích F-16 vào tháng 8 và chiến đấu cơ này sẽ xuất hiện ở chiến trường Ukraine vào cuối năm nay, nhằm giúp các lực lượng của Kiev thách thức các hệ thống phòng không của Nga và yểm trợ cho các chiến dịch mặt đất.

Mặc dù chưa có khung thời gian cụ thể khi nào Ukraine sẽ nhận được tiêm kích F-16 nhưng việc cung cấp chúng cho Kiev sẽ là một cú hích cho không quân nước này.

Thách thức của Không quân Ukraine

Ukraine hiện đang sử dụng các chiến đấu cơ MiG-29 và Su-27 để đối phó với không quân Nga vốn lớn hơn về lực lượng và vượt trội hơn về công nghệ.

Theo các chuyên gia, những tiêm kích này chỉ ở "chiếu dưới" so với các chiến đấu cơ Nga như MiG-31 và Su-25, được trang bị hệ thống radar tiên tiến cho phép Moscow quan sát và xác định các mục tiêu từ xa cùng một số khả năng hiện đại khác. Đặc biệt, MiG-31 có thể theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc trong khi tiết kiệm nhiên liệu hơn so với MiG-25.

Kiev cũng đang đối mặt với các vấn đề bảo trì chiến đấu cơ này.

"Việc bảo trì các chiến đấu cơ đang trở nên ngày càng khó khăn bởi họ không thể tiếp cận các bộ phận được sản xuất ở Nga", Brynn Tannehill, chuyên gia quốc phòng, đồng thời là cựu phi công thuộc Hải công Mỹ cho hay. Theo bà, Ukraine sẽ phải tăng cường tự sản xuất các thành phần của máy bay hoặc tiếp nhận từ các nước NATO sở hữu trang thiết bị thời Liên Xô.

Điều đó không có nghĩa là tiêm kích hiện nay của Ukraine không có lợi thế. Thứ nhất, Kiev đã có kinh nghiệm vận hành các chiến đấu cơ này. Ngoài ra, một chiếc "MiG-29 thực sự tốt hơn đáng kể trong việc thực hiện các chiến dịch chưa được chuẩn bị" so với một tiêm kích như F-16, chuyên gia này cho hay, đồng thời nhắc đến khả năng hạ cánh trên địa hình gồ ghề và hệ thống lọc khí của các tiêm kích thời Liên Xô.

Lực lượng không quân của Ukraine đang hoạt động tại các vị trí và địa điểm từ xa mà Nga không ngờ tới, chuyên gia Tannehill cho hay. Tuy nhiên, các tiêm kích F-16 có thể sẽ gặp rắc rối với điều đó.

"Các tiêm kích F-16 phải vận hành trong môi trường không có nhiều bụi đất và đường băng bằng phẳng. Chúng không được thiết kế để hoạt động trong những địa hình gồ ghề hoặc cần ứng biến linh hoạt".

Một thách thức khác của lực lượng không quân Ukraine là các hệ thống phòng không mạnh mẽ của Nga. Chẳng hạn các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 giúp cho Moscow có khả năng loại bỏ các mục tiêu khác nhau ở khoảng cách lên tới gần 500km.

Lực lượng Ukraine, được trang bị các hệ thống phòng không và vũ khí phương Tây như Patriot, mặc dù có thể cản trở các chiến dịch trên không của Nga nhưng Kiev vẫn cần tăng cường khả năng chiến đấu.

Lợi thế của tiêm kích F-16

Từ lâu Ukraine đã cho rằng các tiêm kích F-16, được trang bị radar, vũ khí, tốc độ và tầm bắn tốt hơn, sẽ giúp nước này đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ Nga. Chúng cũng hữu ích với lực lượng không quân của Kiev về dài hạn, chẳng hạn như ngăn chặn các hành động quân sự của Moscow trong tương lai.

Vào tháng 5/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ ủng hộ việc huấn luyện phi công Ukraine sử dụng F-16. Đây là dấu hiệu cho thấy có thể NATO đã lên kế hoạch hỗ trợ chuẩn bị và cung cấp tiêm kích trên cho Kiev, mặc dù trước đó, Mỹ không đồng ý việc này do lo ngại Nga leo thang căng thẳng.

Hiện chưa rõ liệu các tiêm kích F-16 có giúp Ukraine đạt được "ưu thế trên không" hay không nhưng các chiến đấu cơ phương Tây có tiềm năng hỗ trợ Kiev kiểm soát không phận của mình hiệu quả hơn so với các tiêm kích MiG-29 và Su-27, đồng thời cung cấp hỗ trợ và hỏa lực cho chiến dịch tấn công.

Các tiêm kích F-16 còn có khả năng tương thích tốt hơn với các hệ thống và vũ khí NATO, chuyên gia Tannehill cho hay.

"Dựa vào những gì được cung cấp cho Ukraine, việc này sẽ cho phép triển khai hiệu quả các hệ thống vũ khí đa dạng của NATO".

Chẳng hạn, ông Bronk giải thích, "một tiêm kích F-16 sẽ phối hợp ăn ý với tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 hơn là các tiêm kích MiG-29 và Su-27 đang được Không quân Ukraine sử dụng hiện nay".

Tiêm kích F-16 sẽ cho phép các phi công Ukraine phát hiện và phá hủy dễ dàng hệ thống radar của đối phương bằng AGM-88 HARM trong khi các tiêm kích Liên Xô phải được điều chỉnh để có thể mang tên lửa này.

Ngoài các tên lửa AGM-88, các vũ khí khác của Mỹ như Tên lửa Không đối không Tầm trung tiên tiến AIM-120 và Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) được trang bị trên các tiêm kích F-16 cũng có thể gây ra tổn thất lớn cho các phương tiện trên không và lực lượng mặt đất của Nga.

F-16 không phải viên đạn bạc

Trong khi F-16 có những lợi thế nhất định thì việc vận hành tiêm kích này ở Ukraine đang đối mặt với một vài thách thức. Chuỗi hậu cần của F-16 sẽ rất phức tạp, đòi hỏi sự thay đổi lớn về nơi Ukraine tiếp nhận các bộ phận cũng như cách thức tiến hành bảo trì và sửa chữa. Các phi công sẽ cần được huấn luyện trên một hệ thống hoàn toàn mới, điều mà một quan chức Mỹ nhận định với Reuters rằng, có thể phải mất ít nhất 4 tháng với một phi công có kinh nghiệm và sẽ lâu hơn đáng kể để nắm vững các chiến thuật cũng như cách sử dụng. Việc vận hành tiêm kích F-16 cũng khá đắt đỏ.

"Một mặt hạn chế là việc vận hành chúng rất đắt đỏ so với các tiêm kích thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng và giống như bất kỳ tiêm kích nào của phương Tây, chúng đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác với các hoạt động bảo trì và chiến đấu nói chung", ông Bronk nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận