NATO theo dõi sát tình hình sau vụ tên lửa bay qua không phận Ba Lan

NATO theo dõi sát tình hình sau vụ tên lửa bay qua không phận Ba Lan

Tướng Wieslaw Kukula, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ba Lan cho biết tên lửa của Nga đã bay khoảng 40 km vào không phận Ba Lan vào sáng 29/12, trước khi quay trở lại Ukraine.

“Một tên lửa của Nga đã vi phạm không phận Ba Lan. Các radar của chúng tôi đã theo dõi nó cho đến khi nó rời khỏi không phận Ba Lan. Điều này cũng được hệ thống radar của NATO xác nhận. Chúng tôi thậm chí còn cử máy bay chiến đấu phản lực đến chặn  và bắn hạ nếu cần thiết. Tuy nhiên, tên lửa chỉ ở trong không phận Ba Lan trong thời gian rất ngắn, sau đó rời đi”, ông Kukula nói.

Ngay sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu Đại biện lâm thời Liên bang Nga Andrei Ordash và trao cho công hàm, yêu cầu giải thích vụ việc tên lửa hành trình xâm phạm không phận Ba Lan và chấm dứt ngay những hành động tương tự.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã điện đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo quân sự nước này.

Thông báo của Nhà Trắng, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã điện đàm với Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Siewiera và hai quan chức đã thảo luận về vụ việc. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm, ông Sullivan đã bày tỏ tình đoàn kết của Mỹ đối với Ba Lan và cam kết hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Balan, khẳng định khối này theo dõi sát tình hình.

Phản ứng trước những cáo buộc của Ba Lan, hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Andrei Ordash, đại biện Nga tại Warsaw cho biết Ba Lan đã không cung cấp bằng chứng về hành vi vi phạm biên giới mà giới chức Ba Lan cho là do tên lửa của Nga gây ra và những yêu cầu của về bằng chứng bằng văn bản của ông đã bị từ chối.

Vụ việc là một trong những diễn biến mới nhất khiến gia tăng căng thẳng trong quan hệ Nga – Ba Lan, vốn đang ở mức rất xấu kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt nhằm vào Ukraine. Ba Lan là một trong những thành viên tích cực của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Kể từ đầu năm đến nay, giữa Nga và Ba Lan đã có hàng loạt các tranh chấp liên quan đến tài sản công và ngoại giao. Mới đây nhất, cuối tháng trước Ba Lan đã đề nghị cử các cố vấn quân sự tới giúp cảnh sát biên giới Phần Lan sau khi Phần Lan tuyên bố đóng cửa biên giới với Nga. Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ quyết định nào của Phần Lan cho phép lực lượng quân sự Ba Lan tập trung gần biên giới Nga sẽ bị coi là mối đe dọa và Nga sẵn sàng đáp trả.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận