Nga - Ukraine chuẩn bị và chấp nhận cho cái giá của xung đột kéo dài ra sao?

Nga - Ukraine chuẩn bị và chấp nhận cho cái giá của xung đột kéo dài ra sao?

Thời điểm quyết định quan trọng

Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ ba, Kiev và phương Tây đang đứng trước thời điểm quyết định quan trọng và đối mặt với một câu hỏi căn bản. Đó là làm thế nào có thể ngăn chặn các cuộc tiến công xa hơn của Nga và đảo ngược tình thế hiện nay. Sau khi giành được thị trấn Avdiivka, các lực lượng của Nga đang tiến lên từng đợt trong các khu vực khác dọc tiền tuyến. Lợi thế của Nga về lực lượng, trang thiết bị và sản xuất quốc phòng đã gia tăng trong năm qua, trong khi việc cung cấp đạn dược của Mỹ cho Ukraine bị hạn chế và có nguy cơ bị cắt giảm gần như hoàn toàn do những bế tắc trong hỗ trợ ngân sách ở Quốc hội Mỹ.

Nguồn cung đạn dược thiết yếu trên tiền tuyến cho các đơn vị của Ukraine đang suy giảm và các binh lính buộc phải xoay vòng. Một số đơn vị đang trải qua tình trạng thiếu lực lượng đáng kể.

Những động lực trên chiến trường hiện tại không phải là nguyên nhân duy nhất mà thay vào đó, chúng hầu hết bắt nguồn từ các quyết định được đưa ra vào mùa thu năm 2022. Khi Nga đặt nền kinh tế vào chế độ thời chiến thì phương Tây không làm vậy còn Ukraine thì không thể làm vậy. Khi Nga tiến hành xây dựng mạng lưới phòng thủ trải dài hàng trăm km thì Ukraine cũng không có động thái tương tự. Nga đã tiếp nhận hơn 1 triệu (thậm chí theo một vài ước tính là 3 triệu) quả pháo và hàng nghìn UAV từ các đối tác. Phương Tây không thể theo kịp tốc độ đó và còn đang “chạm đáy thùng” dự trữ. Moscow cũng có những nỗ lực lớn để tái tạo nhân sự và bổ sung lực lượng trong khi Kiev vẫn chưa huy động đầy đủ.

Nếu không có sự gia tăng nguồn hỗ trợ quân sự từ phương Tây và những thay đổi lớn trong chiến lược của Kiev, vị thế trên chiến trường của Ukraine sẽ tiếp tục xấu đi. Trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà nhu cầu về đạn dược và lực lượng không được đáp ứng, các đơn vị của Ukraine có khả năng phải rút lui, khiến cho Nga dễ dàng đạt được đột phá.

Dù vậy, giới quan sát phương Tây cho rằng, đây không phải là lúc để Ukraine tuyệt vọng mà đã đến lúc Kiev và các đối tác của mình phải hành động khẩn cấp. Họ cho rằng, Nga có những điểm yếu có thể bị khai thác nhưng chỉ khi Ukraine có được những gì họ cần lúc này.

Nga và Ukraine chuẩn bị thế nào cho cái giá của xung đột kéo dài?

Để tạo ra một chiến lược hiệu quả nhằm khai thác các điểm yếu của Nga, phương Tây cho rằng cần đánh giá được tình trạng của quân đội Nga: Đó không phải là lực lượng suy kiệt và tan tác như nhiều người mong đợi mà là một lực lượng nguy hiểm đang tràn đầy khí thế tiến công. Hiểu được sức mạnh chiến đấu của Nga đồng nghĩa với việc xử lý các thông tin trái ngược nhau và trả lời một số câu hỏi phức tạp. Liệu đó là một lực lượng đang suy yếu, phụ thuộc vào trang thiết bị thời Liên Xô và nguồn cung UAV cũng như đạn pháo từ bên ngoài để tiến công với một cái giá đắt? Hay đây là một lực lượng ngày càng thích ứng và có năng lực tốt, có thể áp đảo các vị trí của Ukraine dọc tiền tuyến?

Các binh lính Ukraine gần đây đã chia sẻ với New York Times rằng, quân đội Nga không mạnh cũng không yếu, nhưng họ có khả năng chiến đấu lâu dài.

Trên thực tế, Nga đã chấp nhận những yêu cầu và cái giá phải trả cho một cuộc xung đột kéo dài. Điện Kremlin huy động 300.000 quân, tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và mua vũ khí thiết yếu từ các đối tác để tăng cường và duy trì sức chiến đấu. Trong khi đó, Ukraine không thể huy động ngành công nghiệp quốc phòng và nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất. Nước này phải dựa vào sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây. Ukraine cũng có dân số nhỏ hơn Nga, điều đó tức là thương vong của nước này sẽ nặng nề hơn.

Hồi tháng 2/2024, Nga đã thành công giành được thị trấn Avdiivka - thành trì chiến lược của Ukraine, đánh dấu thắng lợi quan trọng nhất của Moscow kể từ khi kiểm soát Bakhmut vào tháng 5 năm ngoái. Hiện nay, còn rất ít địa điểm trên chiến tuyến được phòng thủ nghiêm ngặt như Avdiivka, có nghĩa là Nga có thể dễ dàng tiến công hơn trong tương lai. Hơn nữa, những điểm yếu của Moscow sẽ không còn quan trọng nếu các đơn vị đã kiệt sức của Ukraine không thể xây dựng hệ thống phòng thủ hoặc không thể nhanh chóng tạo lại các tuyến phòng thủ họ từng xây dựng ở Avdiivka trong hơn 10 năm.

Hai lợi thế quan trọng của Nga là vũ khí và lực lượng. Sau một số tổn thất về trang thiết bị, Nga đã bù đắp bằng cách tân trang lại để sử dụng hàng nghìn xe tăng và xe bọc thép. Năm 2023, Nga đã “hồi sinh” 1.200 xe tăng và 2.500 xe bọc thép trước đây được cất giữ dài hạn trong khi chỉ sản xuất 200 xe tăng mới hoặc hiện đại hóa. Dù vậy, một số nhà quan sát cho rằng nguồn dự trữ của Nga không phải là vô hạn và nếu tiếp tục chiến đấu với tốc độ hiện tại, kho vũ khí của nước này sẽ giảm dần và các lựa chọn tương lai sẽ bị hạn chế. Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào việc Ukraine có đủ nguồn lực để xây dựng hệ thống phòng thủ chủ động và tái tạo sức mạnh chiến đấu của chính mình hay không.

Phương Tây đã không theo kịp tốc độ sản xuất đạn dược của Nga. Mặc dù Nga sử dụng kho đạn cũ nhưng nước này cũng đẩy mạnh sản xuất các hệ thống pháo mới. Họ đang trên đà sản xuất 2 triệu quả đạn pháo cỡ nòng 122mm và 152mm vào cuối năm nay, đồng thời đã mua khoảng 1 - 3 triệu quả đạn pháo từ bên ngoài.

Nếu Mỹ và châu Âu đạt được mục tiêu sản xuất, họ dự định sẽ sản xuất chung 2,6 triệu quả pháo nhưng không phải tất cả sẽ đến Ukraine. Đầu tháng này, Cộng hòa Séc tuyên bố có thể môi giới 800.000 quả đạn pháo cho Ukraine từ bên thứ ba nhưng thời gian giao hàng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt.

Lực lượng phòng không Ukraine cũng phải xoay vòng tên lửa đánh chặn. Các cuộc tấn công tên lửa của Nga ngày càng mang tính thử nghiệm và phức tạp hơn từ cuối năm 2022 và kết quả là tỷ lệ đánh chặn của Ukraine đã giảm. Vào đầu tháng 1, các quan chức Ukraine cho biết, các hệ thống phòng không độ cao thấp xung quanh Kiev chỉ có thể chống chọi được một vài cuộc tấn công lớn nữa.

Sự xói mòn lợi thế về thiết bị và đạn dược của Nga sẽ rất ít ảnh hướng nếu Ukraine không có đủ nguồn lực để tự vệ năm 2024. Việc xe tăng thời Liên Xô kém khả năng và ít cơ hội sống sót hơn sẽ chẳng có vấn đề gì nếu Ukraine không được cung cấp phương tiện để phá hủy chúng. Việc đạn pháo nước ngoài có tỷ lệ sai sót cao hơn đạn pháo trong nước cũng không ảnh hưởng quá lớn nếu Nga có thể duy trì lợi thế hỏa lực 5 - 1 trong khi việc sản xuất và cung cấp vũ khí của phương Tây tiếp tục bị trì hoãn. Việc sản xuất tên lửa tấn công chính xác tầm xa của Nga đạt đến đỉnh cao hoặc các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm giảm chất lượng tên lửa của Nga cũng không có vấn đề gì nếu Ukraine không được trang bị để bảo vệ không phận của mình.

Trong 5 tháng qua, chiến lược của Nga là tiến hành tấn công trên nhiều hướng nhằm làm suy kiệt các lực lượng của Ukraine dọc tiền tuyến. Sau đó, họ đã biến Avdiivka thành mục tiêu chính. Khi thành phố này thất thủ vào giữa tháng 2, Nga ngay lập tức tăng cường tấn công theo hướng đó và những nơi khác. Các lực lượng của Nga không có lý do gì để không tiếp tục tấn công.

Nhìn chung, đây là một dấu hiệu xấu đối với Ukraine và những người ủng hộ nước này khi Nga có đủ niềm tin vào khả năng của mình. Moscow được dự báo sẽ có nhiều thắng lợi hơn trên chiến trường.

Động thái tiếp theo của Nga và Ukraine

Mục tiêu hiện tại của Nga dường như là tiến công tới các ranh giới của khu vực Donetsk và đẩy lùi những kết quả cuộc phẩn công của Ukraine năm 2023 tại Zaporizhzhia. Ở Donetsk, họ có thể sẽ cố gắng tiến vào thành phố Pokrovsk nhằm đảm bảo các mạng lưới đường bộ và đường sắt quan trọng, đồng thời kiểm soát phần còn lại của Donetsk, từ đó tấn công các thành trì còn lại của Ukraine gần Kramatorsk và Sloviansk. Các lực lượng Nga có thể cũng sẽ cố gắng tiến tới tỉnh Zaporizhzhia, đặc biệt là xung quanh Orikhiv, nơi có địa hình rộng mở và có ít vị trí phòng thủ của Ukraine được chuẩn bị sẵn sàng. Ở phía Bắc, các lực lượng Nga đang cố gắng tiếp cận Kupiansk, nơi có thể đóng vai trò là cứ điểm ở khu vực Kharkiv.

Việc tái chiếm hoàn toàn phía Tây Kherson dường như khó xảy ra do địa hình khó khăn ở đó, bất chấp sự sẵn có về nhân lực và lực lượng của Nga. Hơn nữa, việc đập Kakhovka bị phá hủy năm ngoái hiện đã hạn chế các tuyến đường qua sông Dnieper ở Kherson. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang tích lũy lực lượng cần thiết để tái chiếm khu vực Kharkiv vào cuối năm 2024.

Để Nga thực hiện một cuộc tấn công mới trên toàn bộ khu vực, phần còn lại của tiền tuyến sẽ cần phải ổn định với các lực lượng Ukraine cố thủ tại chỗ hoặc không thể tái triển khai. Ngoài ra, Nga sẽ cần thành lập ít nhất một đội quân vũ trang tổng hợp khác gồm từ 50.000 đến 100.000 người, tùy thuộc vào tình trạng phòng thủ của Ukraine.

Những kịch bản này không tồn tại hiện nay. Nhưng nếu điều kiện trên chiến trường không thay đổi và nếu Nga xây dựng được đủ lực lượng thì đây có thể là tương lai của Ukraine.

Để giữ vững vị trí của mình vào năm 2024, lực lượng Ukraine cần được bổ sung khẩn cấp về đạn dược và lực lượng. Nếu quân tiếp viện đến, Ukraine có thể bảo vệ tiền tuyến trong năm nay và tái tạo sức mạnh chiến đấu trong khi các cơ sở công nghiệp của phương Tây có thể tăng cường cho năm 2025 và hơn thế nữa. Hỗ trợ quân sự của phương Tây, đặc biệt là viện trợ của Mỹ, phải được phê duyệt nhanh chóng để duy trì nguồn cung cấp đạn dược quan trọng và duy trì các hệ thống chiến đấu hiện có của Ukraine. Tiếp theo, Kiev phải xây dựng và đào tạo nhân sự để bổ sung cho các đơn vị tiền tuyến. Cuối cùng, Ukraine phải đẩy nhanh việc xây dựng các vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn.

Nếu không có những bước đi khẩn cấp này, việc xoay vòng đạn dược của Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài suốt mùa xuân và mùa hè. Đối mặt với các cuộc tấn công liên tục của Nga, các đơn vị không người lái có thể mất khả năng tự vệ. Trừ khi có những thay đổi ngay lập tức, nếu không đây sẽ là con đường mà Ukraine và phương Tây đang đi. Thời gian không đứng về phía Kiev và đang ngày càng cạn kiệt.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận