Những quốc gia nào có thể bị cuốn vào cuộc xung đột giữa Israel-Hamas?

Những quốc gia nào có thể bị cuốn vào cuộc xung đột giữa Israel-Hamas?

Theo Military Watch, một tuần sau khi bùng nổ xung đột giữa lực lượng Israel và nhóm dân quân Hamas của Palestine, khả năng các bên khác có thể sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến này ngày càng gia tăng. 

Quân đội Israel đã đọ súng với lực lượng dân quân có mối liên kết với Iran ở biên giới Syria và Lebanon, đây được coi là những khu vực chính mà tình trạng thù địch đã diễn ra lâu dài và rất có thể dẫn đến mở rộng chiến tranh. 

Các chuyên gia quân sự của Military Watch đã đưa ra những phân tích rằng, Iran cùng nhóm dân quân Lebanon và đảng chính trị Hezbollah, trong khi ở mức độ thấp hơn là chính phủ Syria, được suy đoán là những bên hàng đầu có thể can thiệp vào cuộc chiến chống lại Israel. Còn Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khả năng can thiệp để hỗ trợ cho Israel.

Tàu USS Gerald R. Ford được nhìn thấy đang neo đậu ở Vịnh Trieste ở Ý vào ngày 18/9, trước khi di chuyển về phía đông Địa Trung Hải.

Tàu USS Gerald R. Ford được nhìn thấy đang neo đậu ở Vịnh Trieste ở Ý vào ngày 18/9, trước khi di chuyển về phía đông Địa Trung Hải.

Mỹ

Mỹ đã hành động nhanh chóng sau khi các hành động xung đột leo thang ở Trung Đông. Ngày 11/10, siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ USS Gerald R. Ford, chiếc tàu đầu tiên trong lớp của nó, đã được triển tới Israel. 

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Tướng Erik Kurilla đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về mục đích của việc triển khai, ông nêu rõ: “Sự xuất hiện của các lực lượng Mỹ với khả năng chiến đấu cao tới khu vực, là một tín hiệu răn đe mạnh mẽ cho bất kỳ thế lực thù địch nào với Israel khi họ có ý định cố gắng lợi dụng tình huống này".

Lầu Năm Góc đồng thời cũng thực hiện những bước tăng cường cho các phi đội máy bay chiến đấu và máy bay phản lực tấn công F-35, F-15, F-16 và A-10 của Không quân Mỹ trong khu vực. 

Việc triển khai được cho là chủ yếu nhằm gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Iran, Hezbollah và các lực lượng dân quân khác. Đáng chú ý, Hezbollah được đánh giá là lực lượng có năng lực chiến đấu mạnh gấp hàng trăm lần so với Hamas.

Lực lượng Hezbollah.

Lực lượng Hezbollah.

Hezbollah

Hezbollah cũng là bên duy nhất đã đánh bại Israel trong một cuộc chiến lớn, Hezbollah đã xung đột với Israel kể từ khi thành lập vào những năm 1980. Sự thù địch leo thang kể từ khi lực lượng Hezbollah tới Syria vào năm 2013 để hỗ trợ các nỗ lực chống nổi dậy của quân đội chính phủ. Điều này dẫn đến lực lượng và ban lãnh đạo của Hezbollah thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc không kích từ Israel.

Các chuyên gia phân tích suy đoán, sau nhiều năm căng thẳng cao độ có thể tạo ra khả năng đáng kể là Hezbollah sẽ tìm cách lợi dụng tình hình xung đột ở Gaza, để mở mặt trận thứ hai chống lại lực lượng Israel. 

Nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ cho Israel và răn đe các lực lượng khác có ý định can thiệp, vào ngày 14/10, Lầu Năm Góc thông báo rằng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ hai, USS Dwight D. Eisenhower sẽ được triển khai tới khu vực cùng với hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke và chín phi đội máy bay quân sự. 

Mục đích là để ngăn chặn các hành động thù địch chống lại Israel hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng cuộc chiến này sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin giải thích: “Việc tăng cường lực lượng của Mỹ báo hiệu cam kết sắt đá của Mỹ đối với an ninh của Israel và của chúng ta, khẳng định quyết tâm ngăn chặn bất kỳ chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nào đang tìm cách leo thang cuộc chiến này”.

Ông Austin trước đó đã thông báo cho người đồng cấp Israel, Yoav Gallant về “những nỗ lực đang diễn ra nhằm tiếp tục chuyển giao năng lực phòng không và đạn dược cho Lực lượng Phòng vệ Israel”.

Các chiến binh của Mặt trận Al-Nusra.

Các chiến binh của Mặt trận Al-Nusra.

Thổ Nhĩ Kỳ

Cùng với Mỹ, một thành viên NATO khác đang có sự hiện diện quân sự rất lớn ở Trung Đông là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này cũng được coi là có khả năng can thiệp nếu chiến tranh leo thang và đặc biệt nếu lực lượng chính phủ Syria hoặc các nhóm dân quân có trụ sở tại Syria tiến vào Israel. 

Ngoài Israel, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất tham gia các hoạt động chiến đấu chống lại Hezbollah kể từ những năm 1980. Hiện quốc gia này đang hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang hoạt động ở miền bắc Syria, trong đó đáng chú ý nhất là Mặt trận Al Nusra và Đảng Hồi giáo Đông Turkestan. 

Những lực lượng dân quân này đi đầu trong các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây nhằm lật đổ chính phủ Syria trong những năm 2010, trong khi đó Hezbollah, Iran và Nga đã giúp chính phủ Syria đẩy lùi lực lượng này. Sau khi thất bại, các chiến binh do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuận đã lui về một vùng đất nằm giữa biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để hoạt động. 

Đặc phái viên Mỹ tại liên minh chống Nhà nước Hồi giáo, Brett H. McGurk trước đây đã nhấn mạnh rằng “Tỉnh Idlib (ở Bắc Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ) là nơi trú ẩn an toàn lớn nhất của Al Qaeda kể từ vụ 11/9”, lực lượng phiến quân thánh chiến đóng tại đó có số lượng đông đảo, lên tới hàng chục nghìn người. 

Những lực lượng này thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của không quân và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ khi giao chiến với Quân đội Syria hoặc các đồng minh của họ. 

Do đó, mối nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh dưới ảnh hưởng của nước này là một trở ngại nghiêm trọng đối với khả năng hành động của Syria, Hezbollah và các bên khác, thậm chí còn đáng lo hơn cả sự hiện diện của các nhóm tàu ​​sân bay Mỹ. Hiện Ankara vẫn xác định việc lật đổ chính phủ Syria - đồng minh với Hezbollah là một trong những mục tiêu chính của mình.

Một căn cứ UAV của Iran.

Một căn cứ UAV của Iran.

Iran

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Hezbollah và Syria, khả năng Iran can thiệp vào cuộc xung đột này là không thể bị loại trừ, đặc biệt nếu Mỹ liên quan trực tiếp đến các cuộc đụng độ leo thang giữa Hezbollah và Israel. 

Đáng chú ý, sức mạnh không quân của Iran có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột trong khi họ không cần triển khai lực lượng mặt đất. Những chiếc máy bay không người lái của Iran cho đến nay vẫn được coi là đáng gờm nhất trong khu vực và minh chứng rõ nhất là chúng đã từng xâm nhập một cách bí mật vào không phận Israel. 

Khả năng chống tàu chiến của Iran cũng có thể gây ra những khó khăn cho các hoạt động của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, tên lửa đạn đạo của Iran cũng là một mối đe dọa, chúng có tầm bắn vươn tới tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực và các địa bàn hoạt động của các nhóm thánh chiến được Thổ Nhĩ  Kỳ hậu thuẫn. 

Tuy nhiên, bất chấp việc nhiều bên có thể tham gia can thiệp vào cuộc chiến hiện tại, thì vẫn có nhiều ý kiến cho rằng các hoạt động quân sự sẽ vẫn chỉ giới hạn trong các vùng lãnh thổ mà Israel và Hamas tuyên bố chủ quyền.

Lê Hưng(Military Watch)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận