Tên lửa cải tiến đặc biệt được Ukraine sử dụng trong chiến dịch phản công

Tên lửa cải tiến đặc biệt được Ukraine sử dụng trong chiến dịch phản công

Ngày 28/6, Ukraine phóng hai tên lửa phòng không S-200 (NATO định danh là SA-5 Gammon) vào phía tây nam nước Nga. Điều này cho thấy mức độ căng thẳng leo thang khi đây là những tên lửa tầm xa Ukraine sử dụng tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trên kênh Telegram rằng: “Kiev đã thực hiện cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân cư ở Taganrog (vùng Rostov), bằng tên lửa đất đối không S-200 được chuyển đổi thành phiên bản tấn công tầm xa”.

Các hệ thống phòng không của Nga đã phát hiện và đánh chặn thành công tên lửa do Ukraine phóng. Tuy nhiên, mảnh vỡ của tên lửa bị đánh chặn đã rơi xuống Taganrog, gây hư hại cho một số tòa nhà.

Thống đốc tỉnh Rostov, ông Vasily Golubev cho biết, vụ nổ xảy ra gần Bảo tàng Nghệ thuật Taganrog và gây ra thiệt hại đáng kể. Một tòa nhà lân cận cũng bị hư hại. Ông Golubev nói thêm rằng, tên lửa thứ hai bị đánh chặn ở khu vực Azov, nhưng thông tin chi tiết và những thiệt hại do tên lửa này gây ra vẫn chưa được tiết lộ. 

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, đây là lần đầu tiên, một thành phố nằm cách biên giới Ukraine gần 50 km bị tấn công bằng tên lửa. Trước đó, Ukraine đã phóng một tên lửa S-200 vào thành phố Bryansk cách biên giới Ukraine khoảng 180 km, trúng vào một khu công nghiệp.

Để trả đũa, ngày 28/7, Nga đã tấn công bằng tên lửa vào một tòa nhà chung cư cao tầng và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ở Dnipro, khiến ít nhất 5 người bị thương. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova tuyên bố rằng, Nga có quyền thực hiện "các hành động trả đũa kiên quyết" để đáp trả các cuộc tấn công tên lửa vào Taganrog.

Hai bệ phóng S-200 và một mặt cắt của tên lửa V-880 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Ketzel Park ở Hungary năm 2009.

Hai bệ phóng S-200 và một mặt cắt của tên lửa V-880 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Ketzel Park ở Hungary năm 2009.

S-200 của Ukraine trong vai trò tấn công mặt đất

Việc Ukraine phóng tên lửa vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga được coi là trường hợp hiếm gặp, điều này cho thấy khả năng xung đột sẽ mở rộng phạm vi ra ngoài lãnh thổ Ukraine. 

Cho đến nay, Mỹ vẫn luôn từ chối trong việc cung cấp tên lửa tầm xa ATACM cho Ukraine, vì động thái này có thể đẩy cuộc xung đột lên một mức độ nguy hiểm, khó kiểm soát.

Vào tháng 5/2023, Vương quốc Anh cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Ukraine, tuy nhiên Kiev phải cam kết chỉ sử dụng loại vũ khí này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine mà Nga đã tuyên bố sát nhập.

Nhưng cam kết này không áp dụng cho vũ khí tấn công tầm xa được sản xuất ở Ukraine. Vì vậy, các tên lửa S-200 do Ukraine cải tiến có tầm bắn khoảng 300 km, được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga mà không bị ràng buộc.

Theo một báo cáo trước đó của Forbes, “Ukraine đã rút các hệ thống tên lửa đất đối không S-200 lỗi thời ra khỏi các kho dự trữ và thay thế hệ thống dẫn đường của tên lửa V-860/880 bằng các thiết bị tìm kiếm GPS, chuyển đổi hiệu quả những tên lửa này thành vũ khí tấn công mặt đất và sau đó sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu nằm trong nước Nga".

Việc không có các bức ảnh mô tả hoạt động của bệ phóng S-200, cho thấy rằng phía Ukraine đang làm rất tốt để bảo vệ cho các hệ thống S-200, ngăn chặn việc vô tình tiết lộ vị trí của các bệ phóng này.

Ukraine đã ngừng sử dụng S-200 từ lâu, nhưng họ vẫn sở hữu một kho dự trữ bao gồm ít nhất khoảng 24 bệ phóng. 

Tên lửa V-880 trên bệ phóng 5P72V tại Công viên Yêu nước ở Moskva vào tháng 10/2016.

Tên lửa V-880 trên bệ phóng 5P72V tại Công viên Yêu nước ở Moskva vào tháng 10/2016.

Hệ thống phòng không S-200

S-200 là hệ thống tên lửa đất đối không do Liên Xô phát triển vào những năm 1950, nhằm chống lại các mối đe dọa từ trên không như máy bay ném bom siêu thanh B-58 và máy bay do thám U2 của Mỹ.

Trong những năm qua, hệ thống phòng không này thường xuyên được cải tiến nâng cấp với các biến thể như S-200V “Vega” và S-200D “Dubna”, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm bắn mở rộng lên tới 300 km. 

Đến năm 1985, Liên Xô đã triển khai hơn 130 địa điểm phóng với khoảng 2.030 bệ phóng, cho thấy sự hiện diện rộng rãi của hệ thống phòng không này như một công cụ răn đe quan trọng trước các mối đe dọa tiềm ẩn từ trên không.

Các khẩu đội S-200 có thể được tích hợp hiệu quả vào hệ thống chỉ huy của các hệ thống kế nhiệm như S-300 và S-400, thể hiện khả năng thích ứng của chúng trong các chiến lược phòng thủ hiện đại.  

Phiên bản xuất khẩu S-200VE được nhiều quốc gia ưa chuộng, đặc biệt là Bulgaria và Ba Lan, cả hai quốc gia thành viên NATO, đến nay vẫn sử dụng một số hệ thống này. Mỹ cũng đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Bulgaria chuyển giao tên lửa S-200 và S-300 từ kho vũ khí của họ cho Ukraine.  

Việc sử dụng tên lửa đất đối không tầm xa để tấn công mục tiêu mặt đất không phải là một khái niệm mới lạ, mà đã xuất hiện từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc sử dụng hệ thống phòng không để tấn công mặt đất chỉ là vai trò thứ yếu, tuy nhiên trong nhiều tình huống những hệ thống phòng không vẫn thể hiện được sức mạnh trong vai trò thứ yếu. 

Ngay trong cuộc xung đột này, cả quân đội Nga và Ukraine đã thể hiện sự linh hoạt bằng cách sửa đổi các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa để tấn công các mục tiêu trên mặt đất, thể hiện khả năng tối ưu hóa vũ khí sẵn có và đáp ứng linh hoạt các yêu cầu của chiến tranh hiện đại. 

Lê Hưng(Nguồn: EurAsian Times)

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận