Ukraine lâm vào tình thế cam go, phương Tây đứng trước lựa chọn khó khăn

Ukraine lâm vào tình thế cam go, phương Tây đứng trước lựa chọn khó khăn

Triển vọng của Ukraine sau 2 năm xung đột khốc liệt ngày càng trở nên không chắc chắn. Tổn thất về con người, cả do thương vong trên chiến trường và làn sóng di cư sau khi xung đột nổ ra sẽ khó có thể khắc phục và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế vốn đã đang điêu đứng của Ukraine.

Không chỉ vậy, chi phí chiến tranh cũng ngày càng tăng. Theo đánh giá chung mới đây của EU, World Bank và Liên Hợp Quốc, Ukraine sẽ cần 486 tỷ USD để tái thiết đất nước, tăng 75 tỷ USD so với năm ngoái. Điều này tức là nhu cầu của Ukraine đã tăng gấp rưỡi trong 12 tháng qua so với mức độ hỗ trợ sẵn có mà EU có thể cung cấp cho Kiev trong 4 năm tới.

Theo chỉ số rủi ro thường niên do Hội nghị An ninh Munich công bố năm 2023, Nga được coi là rủi ro hàng đầu với 5 trong số các quốc gia G7. Năm 2024, chỉ 2 thành viên G7 coi Moscow là mối đe dọa hàng đầu.

Giữa bối cảnh Ukraine phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự của các nước G7, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại. Điều này cũng báo trước mức độ sẵn sàng của các lãnh đạo châu Âu trong việc duy trì sự ủng hộ công khai cần thiết với việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Chẳng hạn, các cử tri ở Pháp và Đức lo ngại về làn sóng nhập cư quy mô lớn và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan nhiều hơn là cuộc xung đột ở Ukraine.

Hơn nữa, cuộc xung đột này không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất thu hút sự chú ý của phương Tây. Cuộc chiến ở Gaza và những rủi ro lớn hơn khắp Trung Đông đang và sẽ là đề tài thảo luận rộng rãi. Bên cạnh đó, cuộc nội chiến ở Sudan, xung đột leo thang ở phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo và căng thẳng gia tăng giữa Ethiopia và Somalia cũng có nguy cơ tiếp thêm mối lo ngại của công chúng phương Tây về một cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng khác.

Giữa bối cảnh đó, cuộc xung đột ở Ukraine trở thành nhân tố gây xao nhãng lớn và ngày càng tốn kém. Nhiều nhà lãnh đạo, đặc biệt là ở châu Âu, lo ngại về sự quay lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump cũng như nguy cơ rạn nứt của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Họ cũng lo ngại, nếu Mỹ dừng hỗ trợ, châu Âu sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn từ các hành động của Nga khi mà xung đột ở Ukraine tiếp diễn. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng hành động để hỗ trợ Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tại Hội nghị An ninh Munich vào 17/2 rằng, việc thiếu trang thiết bị quân sự trong những tháng qua là nguyên nhân chính khiến nước này mất thị trấn Avdiivka.

Tiền tuyến có lẽ chỉ dịch chuyển vài trăm mét nhưng tác động tâm lý đến các bên rất đáng kể, đặc biệt tại phương Tây, khi mà những nghi ngờ về ý chí và khả năng duy trì chiến đấu của Ukraine ngày càng gia tăng. Nếu xung đột tiếp tục đi theo hướng hiện tại thì Ukraine sẽ không tránh khỏi thất bại.

Một số nhà quan sát cho rằng, việc tìm kiếm một lối thoát không có nghĩa là để cho Nga giành chiến thắng. Thay vào đó, điều này tức là tạo điều kiện để Ukraine bảo vệ các khu vực hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của mình. Nỗ lực trên không chỉ yêu cầu nhiều sự hỗ trợ hơn từ phương Tây mà còn cần cân nhắc nghiêm túc đến việc đàm phán về một lệnh ngừng bắn. Ngừng giao tranh sẽ giúp châu Âu và Ukraine có thêm thời gian để tăng cường khả năng phòng thủ trong nước mạnh mẽ hơn.

Theo các nhà phân tích, Ukraine đã tiến hành các thỏa thuận an ninh song phương với Anh, Pháp, Đức và theo sau đó có thể là những thỏa thuận với các thành viên khác của G7. Những thỏa thuận này cung cấp đảm bảo cho nền dân chủ và chủ quyền của Ukraine nhiều hơn so với những nỗ lực mơ hồ hiện tại nhằm khôi phục toàn bộ sự thống nhất về lãnh thổ hoặc những hy vọng về việc trở thành thành viên NATO. Việc đánh giá lại những thực tế trên chiến trường theo cách này sẽ bị một số quan điểm cho là nhượng bộ. Tuy nhiên, rõ ràng việc đánh bại hoàn toàn Nga trên chiến trường hiện là mục tiêu nằm ngoài tầm với của Ukraine.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận