Trở lại dùng Sony với Xperia XZ: một cái chất rất Sony

Trở lại dùng Sony với Xperia XZ: một cái chất rất Sony

Chiếc Sony đầu tiên chạy Android đầu tiên mình xài chính là Xperia Arc, sau đó có lân la chơi với Xperia Z3 và bẵn đi hai năm mới lần đầu cầm lại một chiếc flagship khác của hãng: Xperia XZ. Đây là một thiết bị rất kì lạ, ngay từ lần đầu cầm vào sau khi giật nó từ tay @cuhiep thì đã có cảm giác rất không bình thường. Nhìn bên ngoài thì máy tựa tựa như những chiếc Xperia dòng Z trước đây, nhưng lúc trên tay thì bạn sẽ cảm nhận được cái chất Sony trong XZ đã tiến hóa theo một hướng rất mới lạ theo cách mà lâu lắm rồi mình mới thấy Sony làm như vậy.

Mình là fan bự của Sony, đây là chuyện cần nói rõ ngay từ đầu. Trong thế giới công nghệ, chỉ có Sony và Apple là hai công ty thật sự làm mình phục. Mình cũng rất thích máy HTC nhưng tình cảm dành cho HTC không thể nào so với cách mà mình thích Sony được. Mọi sản phẩm của Sony làm ra đều rất riêng, rất lạ, và đảm bảo là không giống với bất kì thiết bị nào khác trên thị trường. Laptop VAIO lúc trước nhìn qua là biết ngay, trong khi các máy Asus, Acer, HP, Dell thì tựa tựa như nhau (sau này các hãng làm tốt hơn nhiều). TV Sony nhìn chân đế và dải đèn LED cũng biết liền. Tương tự, điện thoại Sony nhìn qua là biết đó đúng là đồ Sony.

Sony_Xperia_XZ_cam_nhan_nhanh_4.jpg

Sony luôn đặt thiết kế lên hàng đầu cho mọi món đồ mà công ty làm ra, và Xperia XZ không phải là ngoại lệ. Nó không giống như bất kì chiếc điện thoại Android nào khác mà mình từng cầm trải nghiệm, cả về ngoại hình lẫn cảm giác trên tay. Những đường bo nhẹ nhàng kết hợp với các mảng ghép lớn tạo cho XZ một vẻ vừa thanh tao vừa mạnh mẽ, và đương nhiên là nhìn hơn hẳn Xperia X Performance hay Xperia XA mặc dù chúng cùng chia sẻ một ngôn ngữ thiết kế chung. Mình có thử đem máy vào công ty, và đúng thật mọi người đều hỏi máy đó máy Sony phải không, thứ mà mình cảm thấy khá bất ngờ vì tất cả những người này đều không xài điện thoại Sony từ rất lâu rồi.

Mình thích cách mà mảng lưng của XZ được ghép vào khung, tuy nó không liền lạc như mặt kính của Z-Series trước đây nhưng lại chính là điểm nhấn cho máy. Mình cũng thích cách mà phần gờ của XZ được vát mạnh xuống để gây ấn tượng về mặt thị giác. Tất cả những thứ này không hề gây khó chịu khi bạn cầm máy mà ngược lại còn giúp máy ôm khít hơn vào lòng bàn tay, mang đến cảm giác rất chắc chắn và dễ chịu, không sợ trơn như hồi mình còn xài Xperia Z3.

Sony_Xperia_XZ_cam_nhan_nhanh_2.jpg

Việc Sony nghĩ tới người dùng còn thể hiển ở việc hãng bố trí nút tăng giảm âm lượng xuống bên dưới để dễ thao tác 1 tay, kèm theo là nút chụp ảnh mà từ trước tới nay Sony kiên quan không bỏ. Mình thích cái nút chụp ảnh này lắm vì nó vừa giúp mình chạy camera nhanh, vừa làm điểm tựa để cầm máy chụp. Cái cảm giác được nhấn nút xuống, màn hình đen lại trong tích tắt và tiếng "click" vang lên vẫn là một thứ mình đánh giá cao khi chụp ảnh, dù là trên điện thoại hay máy chụp hình.

Dùng Xperia XZ mà không thử bản màu xanh dương là một tội ác! Màu xanh dương được Sony chọn cho máy đúng ra là màu xanh đen, thật tình cờ đây cũng là màu yêu thích của mình. Nếu bạn ở trong nhà hay trong tối thì máy hiện rõ màu đen, còn khi bước ra trời sáng thì ánh xanh sẽ chiếm tỉ lệ nhiều hơn, Bù lại máy sẽ hơi bám vân tay một chút nên sẽ phải lau khá thường xuyên.

Sony_Xperia_XZ_cam_nhan_nhanh_6.jpg

Xperia XZ có hai loa, tuy nhiên nó chỉ mang lại âm thanh to hơn chứ không hay và ấm như cách mà HTC làm được với One M8 và M9. Điều này cũng đúng với nhiều smartphone hai loa khác ra mắt trong thời gian gần đây. Có vẻ như loa BoomSound của HTC vẫn đang giữ chức vô địch ở mảng này.

Đây cũng là chiếc Sony đầu tiên có cảm biến vân tay mà mình được trải nghiệm trong thời gian dài, nhưng đáng buồn rằng cảm biến vân tay này lại không như kỳ vọng. Không rõ có phải vì diện tích tiếp xúc nhỏ hay không mà số lần Xperia XZ không nhận vân tay nhiều hơn số lần máy nhận được, trong khi giữ đúng ngón tay đó, ngay tại thời điểm đó rờ vào Nexus 6P thì máy unlock một cách vô cùng nhẹ nhàng. Cuối cùng mình đã phải tắt hẳn chức năng lock màn hình đi vì quá khó chịu với cái cảm biến vân tay này. Mà đó là trong trường hợp tay mình khô ráo, còn lúc ướt hay ra mồ hôi nhiều một chút là tèo luôn, trong khi Nexus 6P vẫn nhận ngon lành.

Điều này sẽ tạm chấp nhận nếu trên tay mình là một cái điện thoại tầm trung, nhưng ở đây lại là XZ, chiếc smartphone cao cấp nhất tính đến thời điểm hiện tại của Sony. Cảm biến vân tay không nhạy như vậy là điểm trừ rất lớn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến một thao tác mà hằng ngày chúng ta dùng cả chục, cả trăm lần. Trải nghiệm không nhận vân tay là thứ rất khó chịu, và lại càng khó chịu hơn khi bạn đã quen dùng một máy có cảm biến vân tay tốt mà chuyển sang XZ.

Sony_Xperia_XZ_cam_nhan_nhanh_1.jpg

Một điểm trừ nữa của Sony nằm ở độ phân giải hiển thị mặc định. Vụ này không chỉ có Sony mà còn nhiều hãng khác cũng không cải thiện mặc dù đã có rất nhiều người than phiền. Nếu bạn chưa biết thì độ phân giải hiển thị sẽ ảnh hưởng đến lượng nội dung mà bạn thấy trên màn hình, con số này không phải là độ phân giải vật lý và càng cao thì nội dung càng hiển thị được nhiều. XZ vẫn dùng con số quen thuộc 360 x 640. Nếu chui vào Settings của máy, Sony có trang bị tính năng chỉnh font chữ nhưng nó chỉ ảnh hưởng tới chữ mà thôi, còn khi lướt web hay chơi Facebook thì không thay đổi rõ rệt.

Bằng cách dùng tool do chính mình phát triển, mình đã chỉnh lại độ phân giải hiển thị của XZ lên thành 376 x 668 và mọi thứ trông dễ chịu và tuyệt vời hơn hẳn. Chỉ một thay đổi nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn là đây. Anh em có thể tham khảo tool này ở link bên dưới. Lưu ý khi chỉnh xong thì phần gợi ý app của máy sẽ bị lỗi hiển thị icon quá to, với mình thì không sao vì mình chẳng dùng đến tính năng gợi ý này.

Sony_Xperia_XZ_cam_nhan_nhanh_7.jpg

Nói về phần mềm thì Sony vẫn tiếp tục trung thành với kiểu không tùy biến nhiều so với Android gốc. Từ thanh notification, khu vực Quick Settings, giao diện đa nhiệm cho đến các app cài sẵn, Sony chỉ can thiệp rất nhẹ nhàng và cho chúng trông đẹp hơn chứ không đổi nhiều về tính năng. Đây cũng là điểm mình yêu thích trên các điện thoại Android của Sony vì nó đảm bảo rằng máy sẽ luôn hoạt động một cách nhẹ nhàng, trơn tru.

Mà thật vậy, Xperia XZ chạy rất ngon mặc dù RAM chỉ 3GB (chip thì vẫn là Snapdragon 820 giống như các thiết bị flagship khác của năm 2016). Bạn sẽ không có gì phản than phiền về độ mượt của giao diện. Mà thực chất từ trước đến nay các máy Sony đều thế rồi, ngay cả máy tầm trung hoạt động cũng rất ngon lành.

Có hai thứ mà mình chưa chia sẻ được nhiều với anh em trong bài này là pin và camera, lý do là vì mình mới xài trong ít ngày thôi, chưa thể cảm nhận rõ được về hai yếu tố này, nhất là về khoảng pin. Thử sơ qua thì pin khá tốt, xài đủ từ sáng tới chiều. Trong khi đó camera thì chụp ngoài sáng rất tuyệt vời, bắt nét nhanh, nhạy và theo dõi chuyển động tốt. Còn khi chụp trong tối thì máy lấy nét tương đối khó khăn và dễ bị mờ, lại bị thuật toán xử lý quá tay nên ảnh bệt, nhìn rất kì. Mod @sonlazio cũng có nhận định giống như mình trong topic Đánh giá nhanh Xperia XZ chính hãng. Nói cách khác, camera của XZ cũng giống các máy flagship Sony đi trước, chưa có gì ấn tượng hơn.

Pin thì có bài đánh giá chi tiết đây rồi, còn camera thì mời xem ảnh do @tuanlionsg chụp trong bài Ảnh chụp thử bằng camera của Xperia XZ. Cuối tuần này mình sẽ đi long nhong ngoài đường chụp ảnh, hi vọng không bị giật máy để còn làm review cho anh em xem :D

Điều cuối cùng mình muốn nói đó là Xperia XZ là một cái điện thoại rất sang, xịn và đẹp. Nhìn ở ngoài anh em sẽ cảm thấy thích hơn so với nhìn ảnh press trên mạng, mà đặc biệt màu xanh lại càng yêu hơn.
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận