Một nghiên cứu đã tìm ra đáp án câu hỏi: Tại sao bạn thông minh mà vẫn nghèo?

Một nghiên cứu đã tìm ra đáp án câu hỏi: Tại sao bạn thông minh mà vẫn nghèo?

Những người thành công nhất không phải là những người tài năng nhất, mà chỉ nhờ may mắn nhất, một mô hình nghiên cứu mới dựa trên máy tính đã khẳng định điều này, theo Technologyreview. 

Sự phân chia của cải tuân theo một quy luật nổi tiếng thường được gọi là quy luật 80/20: 80 phần trăm tài sản trên thế giới do 20 phần trăm dân số nắm giữ. Thật vậy, vào năm ngoái, một báo cáo đã kết luận tổng tài sản của 8 người giàu nhất tương đương với khối tài sản sở hữu bởi 3,8 tỷ người nghèo nhất trên thế giới.

Quy luật này dường như xuất hiện trong mọi xã hội ở mọi quy mô. Người ta đã nghiên cứu rất sâu, và xem nó như quy luật mạnh mẽ sở hữu khả năng bùng phát rộng như một hiện tượng xã hội. Nhưng vì làm dấy lên những vấn đề về bình đẳng và giá trị, sự phân chia của cải đang là chủ đề gây ra nhiều tranh cãi. Tại sao chỉ ít người có tài sản khủng?

Câu trả lời ta thường nghe là do chúng ta đang sống trong một thế giới công bằng, ở đây ai tài năng, thông minh, chăm chỉ,… thì sẽ thành công. Theo thời gian, nhiều người nghĩ đó chính là lí do của sự phân chia giàu nghèo mà ta thấy, mặc dù yếu tố may mắn có thể góp phần không nhỏ.

Một nghiên cứu đã tìm ra đáp án câu hỏi: Tại sao bạn thông minh mà vẫn nghèo?

Tuy nhiên, có vấn đề với câu trả lời này: trong khi sự phân chia tài sản diễn ra theo quy luật 80/20, thì sự phân bổ về kỹ năng của con người, nhìn chung, lại đi theo một quy luật bình thường, cân đối ở một mức trung bình. Ví dụ, trí thông minh, được đo bằng các bài kiểm tra IQ, đi theo quy luật này: chỉ số IQ trung bình là 100, nhưng không ai có IQ cao đến tận 1.000 hay 10.000.

Sự chăm chỉ, được tính bằng số giờ làm việc, cũng tương tự. Vài người làm nhiều giờ hơn mức trung bình và vài người làm ít hơn, nhưng chẳng ai lao động hơn người khác đến tận tỷ giờ đồng hồ.

Rồi khi nói đến thành quả công việc, một số người lại giàu hơn người khác cả tỷ lần. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu dựa theo các cách đo lường khác đã cho thấy, nói chung, người giàu nhất không phải là người tài năng nhất.

Vậy yếu tố nào quyết định ai đó trở nên giàu có? Phải chăng yếu tố cơ hội đóng vai trò lớn hơn những gì mà chúng ta tưởng? Và làm thế nào, các yếu tố này, dù chúng là gì đi nữa, có thể được áp dụng để thay đổi thế giới trở nơi tốt đẹp và công bằng hơn?

Chúng ta đã có câu trả lời nhờ vào Alessandro Pluchino tại Đại học Catania ở Ý và một số đồng nghiệp của anh. Họ đã tạo ra một mô hình nghiên cứu dựa trên máy tính tập trung tìm hiểu tài năng con người và cách chúng ta sử dụng tài năng để khai thác cơ hội từ cuộc sống. Mô hình này cho phép họ nghiên cứu vai trò của cơ hội trong quá trình này.

Kết quả đưa ra khiến chúng ta phải thốt lên "Ồ!". Mô phỏng của họ diễn giải chính xác sự phân chia tài sản trong thế giới thực. Nhưng các cá nhân giàu nhất không phải do họ tài năng nhất (dù họ phải sở hữu mức độ năng lực nhất định), mà là vì họ may mắn nhất. Điều này đem lại thông tin đáng kể cho xã hội áp dụng để tối ưu lợi ích từ các dạng đầu tư khác nhau, từ kinh doanh đến khoa học.

Mô hình của Pluchino và đồng nghiệp không hề phức tạp. Họ sử dụng một số lượng người nhất định, và mỗi người có mức độ tài năng riêng (kỹ năng, trí thông minh, khả năng…). Tài năng được phân chia cho những người này một cách bình thường xoay quanh mức trung trình, với độ sai lệch tiêu chuẩn. Do đó vài người sẽ tài năng hơn, và vài người không tài năng bằng mức trung bình, nhưng không nguyên tắc phân chia vượt trội nào được áp dụng.

Cách phân chia này giống như chúng ta thấy ngoài đời khi nói đến các kỹ năng khác nhau, hay đặc điểm về chiều cao, cân nặng. Một số người cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình, nhưng không ai nhỏ bé tựa con kiến hay cao bằng nhà chọc trời. Chúng ta khá là giống nhau.

Mô hình máy tính sắp xếp mỗi cá nhân vào một cuộc sống làm việc dài 40 năm. Trong thời gian này, mỗi cá nhân trải qua những sự kiện may mắn mà họ có thể khai thác nhằm tăng giá trị tài sản nếu đủ tài năng.

Tuy nhiên, họ cũng đối mặt những trường hợp không may mắn khiến tài sản giảm đi. Tất cả thời điểm này đều diễn ra ngẫu nhiên.

Khi 40 năm kết thúc, Pluchino cùng đồng nghiệp xếp hạng các cá nhân dựa theo mức độ tài sản và nghiên cứu những cá nhân thành công nhất. Họ cũng tính toán sự phân chia của cải. Sau đó, họ lặp lại mô phỏng nhiều lần để kiểm tra tính chất chắc chắn của kết quả.

Lúc họ xếp hạng cá nhân dựa trên tài sản, kết quả thể hiện quy luật phân chia không khác gì ngoài đời thật. "Quy luật 80/20 được củng cố, khi 80 phần trăm tổng số người sở hữu 20 phần trăm của tổng tài sản và ngược lại," họ cho biết.

Chẳng có gì bất ngờ hay không công bằng nếu như thật sự số người giàu nhất là những người tài năng nhất? Không chính xác. Những cá nhân giàu nhất thường chẳng phải vì tài năng nhất hay bởi yếu tố tương tự gần nhất. Nhóm nghiên cứu nói: "Mức độ thành công tối đa không bao giờ đi liền với tài năng tối đa, và ngược lại."

Nếu không phải tài năng, vậy yếu tố nào quyết định sự phân chia của cải? "Mô phỏng của chúng tôi chỉ ra rõ ràng câu trả lời nằm ở sự may mắn," họ kết luận.

Nhóm kết luận như vậy qua việc xếp hạng các cá nhân trong mô phỏng theo số lượng thời điểm may mắn và không may mắn mà họ trải qua trong 40 năm sự nghiệp. Họ tiếp tục: "Hiển nhiên những người thành công nhất cũng là những người "đỏ" nhất, và các cá nhân ít thành công nhất là các cá nhân ít gặp hên nhất."

Thông tin này mang ý nghĩa áp dụng lớn trong cuộc sống. Cần tận dụng sự may mắn như thế nào để thành công?

Pluchino và đồng nghiệp nghiên cứu vấn đề này từ góc nhìn của các nhà nghiên cứu trong một chương trình được tài trợ, rất giống với trường hợp của họ. Các công ty chuyên đầu tư trên thế giới rất quan tâm đến khả năng tối đa hóa lợi ích nhận lại từ việc đầu tư vào khoa học. Hội đồng nghiên cứu châu Âu vừa qua đã đầu tư 1,7 triệu USD cho một chương trình nghiên cứu về khả năng cầu may – vai trò của may mắn trong phát hiện khoa học – và làm sao khai thác điều này để cải thiện lợi ích sau khi đầu tư.

Hóa ra, nhóm nghiên cứu của chúng ta đã đủ điều kiện để tìm ra câu trả lời. Họ sử dụng mô hình nghiên cứu trên để tìm ra hình thức đầu tư mang đến kết quả tối ưu nhất trong ba trường hợp khác nhau.

Ba trường hợp đó gồm: tiền đầu tư được chia đều cho tất cả nhà nghiên cứu; tiền đầu tư được phân chia ngẫu nhiên đến một nhóm nhỏ nhà nghiên cứu; hoặc chỉ đầu tư cho những ai từng thành công nhiều trong quá khứ. Đâu là chiến lược tốt nhất?

Chiến lược mang lại kết quả tích cực nhất là: chia đều tiền đầu tư cho tất cả nhà nghiên cứu. Vị trí thứ hai – và thứ ba lần lượt là phân chia ngẫu nhiên và đầu tư cho 10 đến 20 phần trăm trên tổng số nhà nghiên cứu.

Trong ba trường hợp này, những nhà nghiên cứu có thể tận dụng tốt nhất các khám phá mang tính may mắn một cách thỉnh thoảng mà thôi. Vỡ lẽ ra, rõ ràng việc một nhà nghiên cứu từng mang lại phát hiện quan trọng trong quá khứ không có nghĩa người này sẽ đạt được điều tương tự trong tương lai.

Cách tiếp cận tương tự cũng có khả năng áp dụng vào việc đầu tư các loại hình kinh doanh khác, ở mức độ doanh nghiệp nhỏ hoặc lớn, công ty khởi nghiệp, hình thức giáo dục đem lại nhiều nhân tài, hay thậm chí tạo ra các sự kiện may mắn ngẫu nhiên.

Bài học rút ra: Hãy tận dụng hết mức những cơ hội may mắn mà bạn vô tình có được, vì không thể biết bạn còn lại bao nhiêu cơ hội tương tự.

Ngọc Quyên

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận