Bạn biết gì về lịch sử của pháo hoa?

Bạn biết gì về lịch sử của pháo hoa?

Ngày nay, pháo hoa trở thành sự kiện phổ biến trong các lễ hội trên toàn thế giới. Từ thời Trung Hoa cổ đại đến nay, pháo hoa không ngừng được cải tiến.

Bắt đầu chỉ là những bánh pháo cháy bằng thuốc súng, chỉ lóe sáng trong giây lát và phát ra những tiếng nổ tạch đùng, nhưng ngày nay pháo hoa đã có rất nhiều hình dáng, đa màu sặc sỡ kèm theo rất nhiều âm thanh khác nhau.

Bạn biết gì về lịch sử của pháo hoa?

Pháo hoa được làm như thế nào?

Trước khi tìm hiểu lịch sử của pháo hoa, hãy cùng xem chúng được làm như thế nào. Mỗi quả pháo hoa ngày nay có một ống khí. Ống này chứa thuốc súng và hàng chục ống con được gọi là các ngôi sao. Mỗi ngôi sao có đường kính khoảng 3 – 4 cm và đựng: nhiên liệu, chất ô-xi hóa, chất liên kết, muối kim loại hoặc ô-xít kim loại để tạo màu.

Một quả pháo hoa cũng có ngòi nổ để kích nổ thuốc súng. Mỗi ngôi sao sẽ tạo ra một chấm sáng khi quả pháo hoa nổ. Khi các chất tạo màu được làm nóng, các nguyên tử của chúng hấp thụ năng lượng và sinh ra ánh sáng khi chúng giải phóng năng lượng thừa. Các hóa chất khác nhau sinh ra lượng năng lượng khác nhau, và tạo ra các màu sắc khác nhau.

Ví dụ: khi sodium nitrate bị đốt nóng, các điện tử trong phân tử muối háp thụ năng lượng và bị kích hoạt. Khi các điện tử giảm, chúng giải phóng năng lượng, khoảng 200 kj/mol hay chính là năng lượng ánh sáng vàng.

Một số màu của pháo hoa được tạo ra như sau:

· Màu xanh dương: do hợp chất clo-rua đồng

· Màu đỏ: do muối stronti, muối các-bô-nát stronti và muối lithium

· Màu tím: do hỗn hợp các hợp chất đồng tạo màu xanh kết hợp với các hợp chất stronti tạo màu đỏ

· Màu da cam: do muối can-xi và can-xi clo-rua

· Màu xanh lá cây: do ba-ri clo-rua và các hợp chất ba-ri khác

Pháo hoa thời sơ khai

Hầu hết các sử gia cho rằng pháo hoa do người Trung Quốc phát minh, mặc dù một số người lại cho rằng nơi sinh của pháo hoa là Trung Đông hoặc Ấn Độ. Chúng ta đều biết rằng vào khoảng năm 800 sau Công nguyên, các nhà giả kim Trung Quốc đã trộn diêm tiêu, lưu huỳnh và than củi với nhau nhằm tìm ra một công thức mang lại cuộc sống bất tử, nhưng lại vô tình đó chính là cách tạo ra một loại thuốc súng thô và làm thay đổi thế giới. Khi nhận ra tác dụng thật của công thức đó, người Trung Quốc lại tin rằng những tiếng nổ đó sẽ giúp xua đuổi tà ma.

Để tạo ra những quả pháo hoa đầu tiên, họ cho thuốc súng kiểu mới vào những gióng tre và ném chúng vào đống lửa và phát ra tiếng nổ rất to. Sau đó, pháo hoa được cải tiến, ví dụ: các ống giấy thay cho gióng tre, và thay vì ném chúng vào đống lửa, người ta gắn thêm ngòi làm bằng giấy mềm.

Vào khoảng thế kỉ X, người Trung Quốc đã phát hiện ra rằng họ có thể dùng thuốc súng để chế tạo bom và vì thế họ gắn các quả pháo nổ vào các mũi tên bắn vào kẻ thù. Trong 200 năm sau đó, pháo nổ được cải tiến hình dáng thành pháo thăng thiên để có thể có thể bắn vào kẻ thù mà không cần gắn theo một mũi tên. Công nghệ này ngày nay vẫn được áp dụng trong các buổi trình diễn pháo hoa.

Sự lan truyền của thuốc súng

Năm 1295, Mác-cô Pô-lô đã đem pháo từ châu Á sang châu Âu (Tuy nhiên, người châu Âu dường như đã biết đến các vũ khí có thuốc súng trước đó vài năm trong các cuộc Thập tự chinh của họ). Sau đó, vào khoảng thế kỉ XIII, thuốc súng và các công thức của nó đã lan truyền đi khắp châu Âu và các nước A-rập qua con đường ngoại giao, qua các cuộc thám hiểm và nhờ các nhà truyền giáo dòng Thánh Phran-xít.

Từ đó, phương Tây phát triển công nghệ thuốc súng và chế tạo ra các loại vũ khí mạnh hơn mà ngày nay chúng ta gọi là súng thần công và súng hỏa mai. Mặc dù vậy, người phương Tây vẫn bảo tồn ý nghĩa ban đầu của pháo nổ là dùng trong các dịp lễ kỉ niệm. Ở nước Anh thời Trung cổ, các chú hề cũng pha trò trước đám đông bằng những màn trình diễn pháo hoa.

Ở nước Anh trước đây, vua thường cho đốt pháo hoa để chiêu đãi quần thần. Buổi trình diễn pháo hoa đầu tiên của hoàng gia là để mừng lễ cưới của vua Hen-ri VII năm 1486. Pi-tơ Đại đế của nước Nga cũng đã cho tiến hành một buổi tiệc pháo hoa kéo dài 5 tiếng để mừng ngày sinh của con mình.

Học nghệ thuật tạo nổ

Vào thời Phục hưng, các trường dạy nghề pháo hoa được mở khắp châu Âu. Họ dạy sinh viên cách tạo ra những quả pháo nổ hết sức công phu, phức tạp. Ở Ý, pháo hoa rất phổ biến và vào những năm 1830, người Ý đã cho thêm kim loại và một số nguyên liệu khác vào để tăng độ sáng và tạo ra các hình thù đẹp mắt cho pháo hoa.

Cuối cùng họ cũng tìm ra cách tạo nhiều màu cho pháo hoa. Cho đến khi đó, tất cả pháo hoa chỉ có màu da cam. Người Ý đã tạo ra các hỗn hợp bằng nhiều hóa chất khác nhau và có những buổi trình diễn rất giống với các dạng pháo hoa ngày nay. Họ dùng stronti để tạo màu đỏ, ba-ri để tạo màu xanh lá, đồng để tạo màu xanh dương và muối để tạo màu vàng.

Hành trình tới Thế giới mới (châu Mỹ)

Khi người châu Âu di cư đến Thế giới mới, thì các công thức pháo hoa cũng đi theo họ. Đại úy Giôn Xmit đã cho trình diễn pháo hoa lần đầu tiên ở Mỹ, vào năm 1608. Ngày 4/7/1777, kỉ niệm 1 năm thông qua Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, pháo hoa đã được bắn và trở thành truyền thống mừng ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 từ đó trở đi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích pháo hoa. Do một số trò nghịch ngợm quá mức vào mỗi dịp đốt pháo hoa, Đảo Rốt (Rhode Island) đã cấm pháo hoa. Vào những năm 1980, nhiều nước khác và một số thành phố cũng đặt ra các qui định kiểm soát việc sử dụng pháo hoa. Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới cũng vẫn duy trì luật pháp về việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa.

Nói về công việc kinh doanh pháo hoa, Trung Quốc vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận