"Siêu Trái Đất" có thể tồn tại sự sống gần hệ Mặt Trời

"Siêu Trái Đất" có thể tồn tại sự sống gần hệ Mặt Trời

Hành tinh đá khổng lồ LHS 1140b tập trung nhiều điều kiện phù hợp cho sự sống chỉ cách Trái Đất 39 năm ánh sáng.

Các nhà khoa học tìm thấy một siêu Trái Đất quay quanh ngôi sao lùn M ở cách hệ Mặt Trời 39 năm ánh sáng. Họ gọi hành tinh đá này là LHS 1140b và nhận định nó có thể hình thành ở vị trí hiện nay theo cách tương tự như Trái Đất, theo International Business Times.

LHS 1140b quay quanh ngôi sao lùn lạnh.
LHS 1140b quay quanh ngôi sao lùn lạnh. (Ảnh: M. Weiss/CfA).

Những ngôi sao lùn M có đặc trưng là khối lượng nhỏ hơn 60% so với Mặt Trời. Chúng là những ngôi sao phổ biến nhất trong dải Ngân Hà, chiếm 75% số lượng sao. Khi ngoại hành tinh kích thước lớn ngang Trái Đất di chuyển qua phía trước loại sao này, các nhà khoa học có thể xác định vị trí của chúng.

Nghiên cứu giúp họ khám phá ra hành tinh LHS 1140b chuyển động quanh ngôi sao lạnh nhỏ theo quỹ đạo hình tròn. "Chúng tôi tìm thấy hành tinh này bằng phương pháp dịch chuyển (transit method). Khi nó đi qua giữa ngôi sao và Trái Đất, nó làm mờ ánh sáng phát ra từ ngôi sao, chúng tôi có thể đo độ mờ đi và xác định LHS 1140b", Jason Dittmann ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard Smithsonia kiêm trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Sử dụng các phép đo góc - bán kính, các nhà khoa học có thể tìm hiểu một số đặc trưng riêng biệt của ngoại hành tinh. Họ tính toán khối lượng hành tinh LHS 1140b lớn gấp 6,6 lần Trái Đất, phù hợp vời cấu tạo từ đất đá.

Họ cũng phát hiện LHS 1140b nhận được lượng ánh sáng bằng 0,46 lần Trái Đất. Trong một nghiên cứu năm 2013, nhóm nhà khoa học khác nhận thấy hành tinh quay quanh ngôi sao lùn M có nhiệt độ bề mặt cho phép nước lỏng tồn tại nếu lượng ánh sáng chiếu đến bằng 0,2 - 0,8 lần ánh sáng chiếu đến Mặt Trời từ Trái Đất.


Hành trình từ Trái Đất đến LHS 1140b.

LHS 1140b nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống (habitable zone), vùng xung quanh ngôi sao mẹ nơi hành tinh đá nhiều khả năng có nước lỏng nhất. Phát hiện này khá đặc biệt vì LHS 1140b là một ngôi sao lạnh nhỏ, không phát ra nhiều năng lượng như những ngôi sao khác.

"Phần lớn ngoại hành tinh được tìm thấy trước đây xoay quanh các ngôi sao tích cực hoạt động và điều đó có thể tác động tới sự ổn định của những tổ chức sinh vật tiềm ẩn trên bề mặt chúng. Ngôi sao mà LHS 1140b xoay quanh dường như khá bình lặng, do đó nó sẽ không phá hủy khí quyển hay bất cứ thứ gì trên bề mặt hành tinh", Dittmann giải thích.

"Bước tiếp theo là tìm hiểu hành tinh này có khí quyển hay không và tìm kiếm những đặc điểm tương tự Trái Đất như khí oxy, CO2, ozone và nước. Chúng tôi sẽ cần nghiên cứu khí quyển hành tinh trước khi kết luận sự sống có thể xuất hiện ở đó hay không", Dittmann nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận