Hàng triệu ánh mắt đổ dồn vào Worldcoin của CEO OpenAI

Hàng triệu ánh mắt đổ dồn vào Worldcoin của CEO OpenAI

Dự án mới từ Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI (công ty tạo ra ChatGPT), nhằm mục đích tạo ra một "mạng lưới tài chính và danh tính" dựa trên blockchain.

WLD, đồng token của Worldcoin, đã duy trì giá ổn định từ 2 đến 2,50 USD kể từ khi ra mắt vào ngày 24.7, đến nay vẫn tránh được quỹ đạo pump-and-dump (bơm và xả) của nhiều đồng tiền mã hóa mới.

Pump-and-dump là một chiến thuật gian lận thường được sử dụng trong thị trường tài chính, đặc biệt là chứng khoán hoặc tiền mã hóa. Chiến thuật này thường được thực hiện bởi một nhóm hoặc cá nhân có ý định tạo ra sự gia tăng đột ngột và tạm thời trong giá của một tài sản tài chính, chẳng hạn như một cổ phiếu hoặc một đồng tiền mã hóa. Mục tiêu của họ là tạo ra sự hứng thú từ các nhà đầu tư và khiến giá tài sản tăng lên một cách nhanh chóng.

Khi giá tài sản tăng lên mức độ đủ hấp dẫn, nhóm hoặc cá nhân gian lận sẽ bán ra lượng lớn tài sản mình đã mua trước đó, tạo ra lượng lớn cung cấp trên thị trường. Điều này thường dẫn đến sự suy giảm đột ngột trong giá tài sản, làm lỡ cơ hội cho những nhà đầu tư khác. Người tham gia pump-and-dump có thể kiếm lợi nhuận lớn trong giai đoạn gia tăng giá, trong khi những người tham gia sau cùng dễ mất tiền.

Theo Gordon Grant, đồng giám đốc phụ trách giao dịch tại Genesis Trading, công ty này chưa cung cấp WLD cho khách hàng. Triển vọng của Worldcoin còn phụ thuộc vào quyết định từ các nhà đầu tư.

Ông nói: “Hiện đã có những người đưa ra quan điểm về dự án này, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực”.

Theo sách trắng Worldcoin trên website của dự án, trong 15 năm tới, tổng cộng 10 tỉ token WLD sẽ được phát hành ra thị trường. Nguồn cung lưu hành tính đến ngày 7.8 là 120 triệu token WLD, chiếm khoảng 1,2% của tổng nguồn cung dự kiến trong 15 năm tới, theo dữ liệu từ trang theo dõi thị trường CoinGecko.

openai-chiu-khoan-lo-lon-de-chatgpt-tra-loi-cau-hoi-cua-nguoi-dung-khap-the-gioi1.jpg
Worldcoin là dự án của Sam Altman có mục đích tạo ra một "mạng lưới tài chính và danh tính" dựa trên blockchain - Ảnh: Internet

Một số nhà hoạt động trong lĩnh vực công nghệ rất hào hứng về kế hoạch cung cấp hệ thống ID kỹ thuật số của Worldcoin dựa trên cái gọi là "bằng chứng về tư cách cá nhân". Dự án này được hỗ trợ bởi một số nhà đầu tư, gồm cả công ty Andreessen Horowitz.

Nhà phân tích Robert Le của hãng PitchBook cho biết có một số công ty khởi nghiệp đang cố gắng xây dựng các hệ thống nhận dạng kỹ thuật số dựa trên blockchain, nhưng không có hãng nào ở quy mô như Worldcoin.

Worldcoin đặt cược rằng điều này sẽ trở nên quan trọng hơn khi các bot trí tuệ nhân tạo (AI) làm tăng nhu cầu xác minh trạng thái của con người trực tuyến.

Nhà đầu tư bán lẻ

Như nhiều khía cạnh khác của thị trường tiền mã hóa, cần cẩn trọng khi mua bán WLD.

James Butterfill, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại hãng CoinShares, cho rằng người mua WLD tại thời điểm này sẽ là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vì sự không chắc chắn liệu Worldcoin có phải là một loại chứng khoán hay không có thể khiến tổ chức tài chính, quỹ đầu tư lớn và các nhà đầu tư chuyên nghiệp thận trọng hơn.

Theo CCData, hơn 50 loại altcoin (thuật ngữ đề cập đến tiền mã hóa nhỏ hơn bitcoin và ether) đã được Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ dán nhãn là chứng khoán.

Cơ quan giám sát dữ liệu ở Đức đã điều tra Worldcoin kể từ tháng 11.2022 và công ty đã được lệnh ngừng hoạt động quét nhãn cầu ở Kenya vào tuần trước, do lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn với an toàn công cộng.

Riyad Carey, nhà phân tích nghiên cứu tại công ty phân tích blockchain Kaiko, nhận xét: “Không bao giờ có lợi cho một token khi bị các cơ quan quản lý điều tra”.

Worldcoin khẳng định "bảo đảm tính riêng tư và bảo mật cho thông tin người dùng", hệ thống ID của nó "được thiết kế để cho phép các hành động ẩn danh", không có dữ liệu cá nhân nào được tiết lộ theo mặc định và hình ảnh sinh trắc học không được chia sẻ với Worldcoin trừ khi người dùng lựa chọn.

Ngoài ra, Worldcoin nói rằng đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý.

Nước đầu tiên cấm Worldcoin

Kenya trở thành quốc gia đầu tiên không chấp nhận Worldcoin, dự án quét dữ liệu mống mắt lấy tiền mã hóa của Sam Altman.

Ngày 2.8, Bộ Nội vụ Kenya thông báo dừng tất cả hoạt động liên quan đến dự án Worldcoin tại nước này cho đến khi các cơ quan chức năng xác định liệu có gây rủi ro cho công dân hay không. Họ cũng đang xem xét "cách thức mà những người thu thập dự định sử dụng dữ liệu".

Đại diện Worldcoin cho biết đã dừng dịch vụ xác minh ở Kenya với lý do "thận trọng và giảm thiểu đám đông". Công ty sẽ dành thời gian này để làm việc với các quan chức địa phương nhằm "tăng cường hiểu biết về các biện pháp bảo mật và các cam kết mà Worldcoin thực hiện".

"Dự án dành cho mọi nơi trên thế giới chấp nhận chúng tôi", Ricardo Macieira, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tools for Humanity (công ty đứng sau Worldcoin), nói với Reuters. Ông cho biết sẵn sàng xây dựng hạ tầng xác thực tương tự với bất kỳ quốc gia nào cần hỗ trợ.

Kenya là một trong hơn 20 quốc gia đầu tiên Worldcoin được triển khai hơn hai năm qua. Có 18 máy quét mống mắt, gọi là Orb, có mặt tại Kenya và hơn 350.000 người đã chấp nhận quét để nhận về 25 WLD miễn phí.

Ra mắt ngày 24.7, dự án Worldcoin có trọng tâm là hộ chiếu số World ID để chứng minh một cá nhân là người thật, không phải bot. Để được cấp World ID, người dùng cần quét võng mạc bằng quả cầu Orb. Sau đó, AI sẽ phân tích dữ liệu và xác minh đây là người thật. Dữ liệu sẽ được đưa lên blockchain để chủ nhân lưu trữ và sử dụng để xác thực cho các dịch vụ trong tương lai. Worldcoin tuyên bố không lưu trữ bất kỳ dữ liệu sinh trắc học nào khi dự án hoàn tất.

Để bắt đầu quá trình quét, nhân viên Worldcoin sẽ hướng dẫn tải ứng dụng Worldcoin, sau đó ứng dụng tạo mã QR, lấy thông tin cho xác thực danh tính. Người dùng ngồi yên trước quả cầu trong 10 giây. Hệ thống camera quét khuôn mặt và mống mắt, phát ra tiếng bíp để nhận dạng người được quét "là người chứ không phải robot". Sau đó, thêm một tiếp bíp để xác nhận người đó đã có trong cơ sở dữ liệu.

hang-trieu-anh-mat-do-don-vao-worldcoin-cua-ceo-openai1.png
hang-trieu-anh-mat-do-don-vao-worldcoin-cua-ceo-openai21.png
Người dùng ngồi yên trước quả cầu trong 10 giây để quét khuôn mặt và mống mắt - Ảnh: Insider

Theo nhân viên Worldcoin, dữ liệu thu được từ quả cầu sẽ dùng để tạo IrisHash, một mã được lưu trữ cục bộ trên quả cầu. Mã này được sử dụng để kiểm tra xem IrisHash đó đã tồn tại trong cơ sở dữ liệu của Worldcoin chưa. Để làm điều này, hệ thống dựa vào phương pháp mã hóa bảo vệ quyền riêng tư mới là PoP (Proof-of-Personhood). Nếu thuật toán tìm thấy kết quả phù hợp, người đó được xác nhận đã đăng ký và ngược lại.

Dự án Worldcoin hiện nhận sự quan tâm lớn, nhưng một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về nó, trong đó có nhà đồng sáng lập Ethereum - Vitalik Buterin. Vitalik Buterin đã chỉ ra 4 vấn đề lớn mà hệ thống xác thực người dùng PoP phải đối mặt là quyền riêng tư, khả năng truy cập, tập trung hóa và bảo mật.

"Không có hình thức lý tưởng để chứng minh tư cách con người", Vitalik Buterin nói. Tuy nhiên, ông đánh giá Worldcoin đạt được nhiều bước tiến trong việc kết hợp phần cứng với những công nghệ mới để cho ra phương thức xác thực an toàn, đề cao quyền riêng tư.

Trong khi đó, nhóm chiến dịch bảo mật Big Brother Watch cảnh báo các dữ liệu được thu thập có nguy cơ bị tấn công hoặc lợi dụng để khai thác cho mục đích riêng.

Công nghệ quét mống mắt lần đầu được phát triển bởi bác sĩ nhãn khoa Frank Burch, sau phổ biến thông qua các ứng dụng bảo mật như xác thực võng mạc để bảo mật trên smartphone. Theo lý thuyết xác suất, lịch sử nhân loại chưa từng phát hiện trường hợp hai người có mống mắt giống nhau, ngay cả với cặp song sinh. Các nhà khoa học đã tiến hành một số nghiên cứu cho thấy võng mạc của con người có thể thay đổi theo thời gian nhưng mống mắt thì không.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận