Apple, Amazon hỗ trợ tài chính Foxconn mua lại mảng chip của Toshiba

Apple, Amazon hỗ trợ tài chính Foxconn mua lại mảng chip của Toshiba

Foxconn mua lại mảng chip của Toshiba

Trong một bài phỏng vấn độc quyền hôm Chủ nhật vừa rồi với trang Nikkei Asian Review, Chủ tịch Hon Hai Precision Industry hay còn được biết đến với cái tên Foxconn Technology Group đã chia sẻ rằng công ty của ông nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Apple và Amazon để đấu thầu mảng chip nhớ của tập đoạn Nhật Bản Toshiba.

Theo nhiều nguồn tin, Hon Hai là nhà thầu lớn nhất trong số 5 công ty hứng thú với mảng chip nhớ của Toshiba, và được cho là sẽ chào giá lên tới 2 nghìn tỷ Yên (18,2 tỷ USD).

“Đương nhiên Apple và Amazon cùng hỗ trợ số tiền này, nhưng tôi không thể bình luận về việc mỗi công ty đã hỗ trợ bao nhiêu”, ông Gou cho biết trong buổi phỏng vấn tại một khách sạn ở Osaka.

Ông chủ của công ty Đài Loan này đang ở một thành phố phía Tây Nhật Bản để họp với các nhân viên của mình ở Sharp Corporation, công ty được Foxconn mua lại năm ngoái.

Trong khi còn nhiều giả thuyết về việc Apple và Amazon có hứng thú với mảng bán dẫn của Toshiba, bình luận của ông Gou hôm Chủ nhật là lời khẳng định chính thức đầu tiên về việc hai công ty này cùng tham gia vào vụ đấu thầu.

Apple đã từ chối đưa ra bình luận còn Amazon thì chưa trả lời yêu cầu bình luận qua email.

Cả hai công ty công nghệ lớn của Mỹ đều có một đối tác quan trọng, đó là Foxconn.

Hơn một nửa doanh thu của Foxconn đến từ việc cung cấp linh kiện và lắp ráp các thiết bị cho Apple, trong khi đó, đây cũng là công ty sản xuất các máy đọc sách điện tử Kindle và loa Echo cho Amazon.

Con chip nhớ NAND của Toshiba là một linh kiện quan trọng để lưu trữ dữ liệu sử dụng trong rất nhiều các thiết bị điện tử bao gồm smartphone, máy chủ và PC.

Công ty Nhật Bản này là một nhà cung cấp linh kiện chủ chốt cho chiếc iPhone của Apple. Trong khi đó, Amazon lại cần chip nhớ NAND cho các máy chủ mà hãng sử dụng tại các trung tâm dữ liệu để cung cấp các dịch vụ đám mây cho công ty và khách hàng.

Các trung tâm dữ liệu là cơ sở hạ tầng cần thiết cho những công ty công nghệ như Amazon, Facebook, và Google tổng hợp và phân tích lượng lớn dữ liệu và tạo ra những công nghệ thế hệ tiếp theo, chẳng hạn như trí thông minh nhân tạo và xe tự hành.

Hứng thú của Apple và Amazon với mảng chip nhớ có thể thay đổi đáng kể một lĩnh vực mà hiện đang bị Samsung thống trị.

Trong quý đầu năm 2017, Samsung đã tạo ra 4,21 tỷ USD từ mảng chip NAND và sở hữu 35,4% thị phần, theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, Đài Loan. Western Digital (17,9%) và Toshiba (16,5%) đều xếp sau gã khổng lồ Hàn Quốc còn sau nữa là Micron và SK Hynix với lần lượt 11,9% và 11%.

Toshiba đang tìm cách hoàn tất thương vụ mua bán mảng chip nhớ của công ty, mảng duy nhất làm ăn có lãi của tập đoàn Nhật Bản này, trước khi năm tài khóa hiện tai kết thúc vào tháng ba. Công ty dự định sử dụng quy trình này để hỗ trợ tài chính cho chi nhánh điện hạt nhân đang lỗ nặng của mình ở Mỹ.

Bốn nhà thầu khác cũng đang cạnh tranh với Foxconn trong thầu vụ này. Nhà sản xuất chip Mỹ Broadcom, công ty đầu tư tư nhân Mỹ Kohlberg Kravis Roberts, đối tác công nghệ của Toshiba Western Digital, và công ty Hàn QUốc SK Hynix cùng với công ty đầu tư tư nhân Mỹ Bain Capital là 4 công ty còn lại cùng tham gia vào vụ đấu thầu.

Tự tin chiến thắng

Ông Gou đã thuyết phục cả Toshiba và các ngân hàng của Toshiba bằng cách nói rằng ông có thể giúp đảm bảo các khoản nợ của công ty sẽ được tôn trọng và cam kết giữ lại bộ nhớ của Toshiba vĩnh viễn nếu Foxconn thắng thầu.

Chủ tịch Foxconn, Terry Gou
Chủ tịch Foxconn, Terry Gou

"Chúng tôi sẽ không làm suy yếu hay can thiệp vào [việc quản lý hiện tại của Toshiba]. Chúng tôi sẽ đối xử với họ như cách chúng tôi đối xử với Sharp", ông Gou nói thêm rằng ông tin tưởng Foxconn có cơ hội thắng thầu.

"Chúng tôi cho phép các nhà quản lý Nhật Bản điều hành Sharp ... chúng tôi cũng hy vọng rằng mảng bộ nhớ của Toshiba sẽ tồn tại trong vòng 50 đến 100 năm tới, giống như Sharp".

 Dưới sự quản lý của Foxconn, Sharp dự báo lợi nhuận ròng đạt 59 tỷ Yên trong năm tài khóa 2017 sau khi lỗ ròng 24,8 tỷ Yên năm ngoái, đây là lần đầu tiên trong vòng 4 năm công ty này làm ăn có lãi.

Ông Gou tuyên bố: "Chúng tôi có thể giúp các ngân hàng đảm bảo các khoản nợ của Toshiba và chúng tôi không giống như các quỹ cổ phần tư nhân - nếu họ mua một doanh nghiệp, sau đó họ sẽ bán lại để kiếm lợi nhuận.

Ông Gou cũng đã cố gắng xua tan những lo ngại từ một số lĩnh vực ở Nhật rằng công nghệ bộ nhớ tiên tiến của Toshiba có thể bị rò rỉ sang Trung Quốc nếu bán cho Foxconn, một công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử cho các khách hàng khác trong các khu công nghệ đặt tại Trung Quốc.

"Kể từ khi Foxconn được thành lập từ nhiều năm trước, tôi đã xây dựng công việc kinh doanh bằng tiền của chính mình và tích lũy kinh phí của chính mình, sau đó tôi đã đầu tư bằng lợi nhuận của chính mình. Tôi chưa bao giờ lấy một xu từ người khác", ông nói.

Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan đến thương vụ Toshiba tuân thủ các quy tắc đấu thầu, mặc dù ông sẽ không đi sâu vào chi tiết.

Ông Gou cho biết, Foxconn nổi bật trong số các nhà thầu vì hãng có thể cung đưa ra khuyến nghị về cách xây dựng bộ nhớ phù hợp cho các thiết bị trong tương lai, rút ​​ra từ kinh nghiệm vững chắc của công ty trong quá trình sản xuất điện thoại thông minh và máy chủ.

Ông nói: "Chúng tôi thực sự hy vọng sẽ giúp Toshiba thiết kế những sản phẩm tốt hơn trong tương lai.

Với nhu cầu điện thoại thông minh toàn cầu đang giảm dần trong những năm gần đây, ông Gou đã tích cực khám phá những cơ hội kinh doanh mới để bù đắp cho mức lợi nhuận thấp của các hợp đồng hiện tại.

Ông trùm này dự định xây dựng đế chế sản xuất của mình thành một Samsung thứ hai sau khi ông mua lại Sharp, nhà cung cấp tấm nền cho iPhone, cùng những nỗ lực liên tục của ông để mua lại Toshiba.

Tấm nền và chip nhớ là hai trong số những mảng kinh doanh có lãi nhất của Samsung. Sharp vẫn thiếu công nghệ diode phát sáng hữu cơ tiên tiến mà Samsung đang nắm trong tay.

Apple sẽ sử dụng tấm nền màn hình OLED do một mình Samsung cung cấp cho chiếc điện thoại iPhone thế hệ tiếp theo sẽ được phát hành vào cuối năm nay.

Ông Gou cũng rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu riêng cho Foxconn, một nỗ lực có thể dẫn đến sự cạnh tranh với chính khách hàng của công ty.

Ngoài Sharp, Foxconn còn nắm trong tay InFocus, một thương hiệu điện tử ít được biết đến.

Năm ngoái, Foxconn đồng ý mua lại dịch vụ điện thoại phổ thông của Nokia từ Microsoft. Foxconn cũng đang sản xuất điện thoại thông minh mang nhãn hiệu Nokia cho công ty HMD Global của Phần Lan, công ty được cấp phép sử dụng thương hiệu Nokia trong 10 năm.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận